Multimedia Đọc Báo in

Huyện vùng biên Ea Súp nỗ lực vươn lên

08:14, 06/02/2024

Năm 2023, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân huyện Ea Súp đã đoàn kết, nỗ lực vượt qua khó khăn và đạt được những kết quả quan trọng trên nhiều lĩnh vực.

Thời gian qua, trên địa bàn huyện Ea Súp đã có nhiều dự án chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao được đầu tư tạo “cú hích” mới cho sự phát triển kinh tế của địa phương. Đơn cử như dự án “Trang trại chăn nuôi lợn công nghiệp kết hợp trồng cây công nghiệp, nông nghiệp” do Công ty Cổ phần Đầu tư và Chăn nuôi Ea Súp đầu tư tại xã Ya Tờ Mốt với tổng kinh phí 192 tỷ đồng. Dự án đi vào hoạt động từ đầu năm 2023 gồm hệ thống trang trại chăn nuôi lợn theo phương pháp trại lạnh, hiện đại và khép kín với quy mô 3.600 con lợn nái, 80 con lợn đực và 24.000 con lợn thịt/lứa; xây dựng vùng đệm cây xanh cho các hoạt động vùng dự án nhằm giảm thiểu tác động đến môi trường.

Huyện Ea Súp ngày nay.

Tận dụng những lợi thế sẵn có của địa phương, nhiều mô hình liên kết sản xuất hiệu quả được hình thành, tạo ra sản phẩm chất lượng cao, đặc trưng. Như HTX Giảm nghèo Ea Súp lựa chọn mô hình sản xuất lúa gạo hữu cơ, đặc sản làm sản phẩm chủ lực. Trong đó, sản phẩm gạo Briêt đạt Chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh năm 2021; năm 2023 được cấp Giấy chứng nhận sản phẩm phù hợp tiêu chuẩn Việt Nam về nông nghiệp hữu cơ, là sản phẩm gạo đạt chứng nhận hữu cơ đầu tiên của tỉnh.

Giám đốc HTX Giảm nghèo Ea Súp Nguyễn Việt Đức cho biết, HTX đang tích cực phát triển sản phẩm chuyên sâu chế biến từ gạo Briêt như: bún, bánh gạo lứt. HTX đang liên kết với 79 hộ sản xuất lúa với tổng diện tích trên 140 ha. Đồng thời liên kết với các HTX trên địa bàn huyện hình thành chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa gạo chất lượng cao, hình thành chuỗi liên kết khép kín, bền vững, tạo đầu ra ổn định cho các xã viên, nông dân sản xuất trong chuỗi.

Theo Chủ tịch UBND huyện Ea Súp Nguyễn Văn Nhiệm, những năm qua, huyện cũng ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ trong sản xuất nông nghiệp. Trong đó ưu tiên nông nghiệp hàng hóa tập trung, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Thời gian tới, huyện tiếp tục phát triển các sản phẩm OCOP, phấn đấu là vùng trọng điểm lúa của tỉnh, tiến tới xây dựng thương hiệu gạo Ea Súp.

Cùng với việc phát triển các sản phẩm chủ lực của địa phương, trong năm 2023, huyện Ea Súp sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, lồng ghép các chương trình, dự án đầu tư xây dựng, nâng cấp nhiều hạng mục công trình giao thông. Đến nay, 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm và đường liên xã, 100% đường liên thôn được xây dựng bằng cấp phối. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, toàn huyện đạt 131/171 tiêu chí nông thôn mới.

Năm 2023, tình hình kinh tế - xã hội của huyện có bước phát triển với 16/18 chỉ tiêu đạt và vượt so với kế hoạch đề ra. Trong đó, giá trị sản xuất ước thực hiện 7.451 tỷ đồng, tăng trưởng kinh tế 15,27% so với năm 2022. Thu ngân sách nhà nước ước đạt 64,556 tỷ đồng (đạt 109,62% kế hoạch).

Huyền Diệu


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.