Multimedia Đọc Báo in

Tổ yến vươn ra biển lớn

08:26, 19/02/2024

Đầu năm 2024, lô tổ yến xuất xứ từ huyện Krông Pắc được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, đánh dấu một sự kiện quan trọng của ngành nông nghiệp tỉnh.

Đòn bẩy từ huyện Krông Pắc

Vào ngày 20/1/2024, lô hàng 300 kg tổ yến của Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Yến sào Thành Dung (gọi tắt là Công ty Thành Dung) chính thức xuất khẩu theo đường chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Sự kiện này đánh dấu mốc quan trọng đối với nghề nuôi chim yến tại huyện Krông Pắc nói riêng và tỉnh Đắk Lắk nói chung, bởi Trung Quốc là thị trường tiêu thụ tổ yến lớn nhất trên thế giới hiện nay.

Lễ xuất khẩu chính ngạch lô tổ yến đầu tiên tại huyện Krông Pắc sang thị trường Trung Quốc. Ảnh: Nga Thuận

Trên thực tế, tổ yến được khai thác làm thực phẩm từ thời xa xưa, nhưng nuôi chim yến là một ngành nghề khá mới ở Việt Nam và chỉ phát triển nhanh khoảng 10 năm trở lại đây. Ở Đắk Lắk, nghề nuôi yến lâu nay vẫn chưa thực sự được quan tâm, vì quan điểm rằng ở Tây Nguyên không thể vượt qua được “cái bóng” của thương hiệu Yến sào Khánh Hòa và các tỉnh đồng bằng. Tuy nhiên, các doanh nghiệp của tỉnh đã nắm bắt cơ hội, phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, từng bước khẳng định được thương hiệu và chất lượng để có tên trong “bảng vàng” xuất khẩu chính ngạch cùng với những “ông lớn” trong ngành yến.

 

Sản lượng tổ yến của Việt Nam khoảng 200 tấn, giá trị trên 700 triệu USD. Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) khuyến cáo các nhà nuôi yến cần thúc đẩy liên kết, hợp tác để xây dựng mã số vùng nuôi, truy xuất nguồn gốc nhằm đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật của thị trường Trung Quốc.

Bà Phạm Thị Phương Dung, Chủ tịch HĐQT Công ty Thành Dung cho biết, với mong muốn đưa các sản phẩm tổ yến của Đắk Lắk - Việt Nam vươn tầm thế giới, nên sau khi Tổng cục Hải quan Trung Quốc đồng ý cho tổ yến Việt Nam xuất khẩu chính ngạch vào thị trường này, công ty đã thiết lập hồ sơ và đến tháng 11/2023 được phía Tổng cục Hải quan Trung quốc phê duyệt. Để sản phẩm được xuất khẩu chính ngạch, Công ty Thành Dung đã trải qua rất nhiều khâu kiểm tra của cơ quan chuyên môn hai nước, đáp ứng được yêu cầu về kiểm dịch, kiểm tra và vệ sinh thú y đối với sản phẩm tổ yến xuất khẩu, an toàn vệ sinh thực phẩm; thực hiện đúng quy cách về đóng gói, bảo đảm truy xuất nguồn gốc chính xác. Thời gian tới, doanh nghiệp sẽ tiếp tục hoàn thành các chỉ tiêu đề ra để mang lại những sản phẩm chất lượng cao, uy tín, từ đó giúp ngành yến của địa phương cũng như cả nước phát triển bền vững.

Bí thư Huyện ủy Trần Hồng Tiến cho biết, nghề nuôi chim yến ở trên địa bàn huyện Krông Pắc có cách đây hơn 10 năm, hiện 10/16 xã, thị trấn có điều kiện thuận lợi để phát triển nghề này. Thời gian tới, huyện sẽ chỉ đạo các cơ quan chuyên môn rà soát lại vùng quy hoạch nuôi chim yến để bảo đảm các quy định về xuất khẩu và tạo điều kiện thuận lợi nhất để các cơ sở phát triển vùng yến ngày càng tốt hơn.

Khẳng định vị thế tổ yến Đắk Lắk

Tổ yến là sản phẩm nông sản thứ 13 của Việt Nam xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc và Đắk Lắk là một trong số rất ít địa phương có tổ yến được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường này. Trung Quốc hiện là thị trường tiêu thụ sản phẩm tổ yến lớn nhất thế giới, với nhu cầu hơn 300 tấn/năm, chiếm khoảng 80% thị phần toàn cầu. Do đó, ngành yến sào Việt Nam có thêm cơ hội phát triển bền vững sau khi Nghị định thư về xuất khẩu tổ yến sang Trung Quốc được ký kết.

Công nhân của Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Yến sào Thành Dung đang sơ chế tổ yến. Ảnh: Nga Thuận

Chị Nguyễn Thị Thuận, chủ cơ sở yến sào Thức Thuận (thị trấn Phước An, huyện Krông Pắc) cho hay, gia đình chị đầu tư nhà yến đầu tiên vào năm 2016. Đến nay, nhà yến luôn duy trì kết quả tốt, sản lượng tăng dần qua các năm, với tổng sản lượng tổ yến thu được trong năm 2023 là trên 60 kg. Từ nguồn tổ yến thô, gia đình chị phân loại và làm ra nhiều sản phẩm như yến sợi tinh chế, yến vụn tinh chế, tổ yến rút lông, yến chưng sẵn… Bên cạnh đó, gia đình chị cũng đã sản xuất tổ yến định hình A5 (loại xuất khẩu) để xuất bán đi Trung Quốc, Mỹ, châu Âu theo con đường tiểu ngạch. Đặc biệt, cơ sở sản xuất của gia đình chị Thuận đã sớm đầu tư xây dựng sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) và được công nhận đạt 3 sao từ cuối năm 2021. Nhờ đó, việc ký kết tiêu thụ sản phẩm chính ngạch sang Trung Quốc với Công ty Thành Dung khá thuận lợi. Chị Thuận đánh giá, thị trường tiêu thụ các sản phẩm từ yến đang rất rộng mở ở cả trong và ngoài nước. Việc tổ yến được xuất khẩu chính ngạch thực sự đã giúp các hộ sản xuất và kinh doanh yến có đầu ra ổn định hơn và đạt được giá cả tương xứng với chất lượng tổ yến tại vùng Đắk Lắk.

Ông Nguyễn Thiên Văn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, dù thị trường đã được khơi thông nhưng vẫn còn nhiều thách thức để phát triển bền vững ngành nghề mới này. Sau sự kiện lô tổ yến được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, sản phẩm tổ yến Krông Pắc - Đắk Lắk đã ở một vị thế, tầm vóc mới. Để sản phẩm có chỗ đứng bền vững trên thị trường, doanh nghiệp xuất khẩu và các cơ sở chế biến, các hộ nuôi chim yến trong tỉnh cần tăng cường liên kết, đầu tư, tiếp tục phát triển đàn chim yến. Đồng thời áp dụng công nghệ mới, không ngừng cải thiện, đổi mới và nâng cao chất lượng, mẫu mã… nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và khai thác tốt tiềm năng thị trường Trung Quốc mà Nghị định thư đã mở ra.

Minh Thuận – Đinh Nga


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.