Multimedia Đọc Báo in

Xuất hóa đơn bán hàng: Đâu chỉ là thói quen?

09:13, 01/02/2024

Theo Luật Quản lý thuế 38/2019/QH14 được Quốc hội thông qua, từ ngày 1/7/2022 các doanh nghiệp bắt buộc phải sử dụng hóa đơn điện tử khi bán hàng.

Đây là chính sách vừa có lợi cho doanh nghiệp lại vừa tăng cường tính minh bạch cho cơ quan thuế theo dõi, giám sát các hoạt động kinh tế được tốt nhất. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, việc thực hiện quy định này trên thực tế vẫn chưa thực sự hiệu quả.

Một trong những lĩnh vực "dễ" quản lý thuế thông qua hóa đơn điện tử nhất là hoạt động kinh doanh xăng dầu, bởi các yếu tố thể hiện "đường đi" của sản phẩm là khá rõ ràng. Thế nhưng trên thực tế, đây lại là lĩnh vực thực hiện quy định xuất hóa đơn điện tử sau mỗi lần bán hàng khá "lỏng lẻo".

Ảnh minh họa: Đỗ Lan
Ảnh minh họa: Đỗ Lan

Thực tế hằng ngày, sau mỗi lần mua xăng, nhân viên các cây xăng thường hỏi câu: Anh (chị) có lấy hóa đơn không? Nếu người mua không yêu cầu xuất hóa đơn, nhân viên bán hàng cũng "lơ" luôn. Trong khi đó, theo quy định thì việc xuất hóa đơn sau mỗi lần bán hàng đã là yêu cầu bắt buộc nên dù khách hàng không yêu cầu thì bên bán vẫn phải xuất hóa đơn bán hàng.

Để giải thích cho hiện tượng trên, có thể do nhu cầu, thói quen của từng cá nhân mỗi người mua hàng. Ở góc độ người bán, có thể việc thực hiện xuất hóa đơn bán hàng sẽ làm “đội” chi phí kinh doanh (theo tính toán của các doanh nghiệp, chi phí cho thiết bị in khoảng 3 triệu đồng/cột bơm) khiến họ không mặn mà.

Đó là hiện tượng đang diễn ra khá phổ biến trên thực tế, có thể cơ quan chức năng khó kiểm soát được. Tuy nhiên theo số liệu mới đây của ngành thuế, riêng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk hiện có 149/421 cửa hàng, 486/1.461 cột bơm, trong đó 120 cửa hàng, 432 cột bơm có khả năng kết nối dữ liệu trên trụ bơm với máy tính để lập hóa đơn theo quy định. Nghĩa là số cửa hàng, cột bơm này đã được thống kê, theo dõi, nhưng đến nay đã hơn một năm quy định bắt buộc sử dụng hóa đơn điện tử có hiệu lực mà số cửa hàng, cột bơm đó vẫn chưa thực hiện đúng quy định lại là một câu chuyện khác.

Ngay như tại Công điện số 1123/CĐ-TTg, ngày 18/11/2023 của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tăng cường quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử cũng đã nhận diện, chỉ rõ tồn tại là vẫn còn một số địa phương, doanh nghiệp chưa triệt để sử dụng hóa đơn điện tử; còn hiện tượng phát hành, sử dụng, mua bán hóa đơn điện tử bất hợp pháp nhằm trục lợi, vi phạm pháp luật… Điều đó cho thấy, việc “né tránh” thực hiện quy định sử dụng hóa đơn điện tử không chỉ là hiện tượng cá biệt mà đã trở thành vấn đề cần giải quyết.

Đối với việc phát hành hóa đơn điện tử theo từng lần bán lẻ xăng dầu và hóa đơn điện tử từ máy tính tiền, phải thừa nhận rằng thời gian qua, ngành thuế đã đẩy mạnh tuyên truyền, lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, giúp người dân, doanh nghiệp hiểu về lợi ích và trách nhiệm, hiệu quả của việc sử dụng hóa đơn điện tử, nâng cao ý thức tuân thủ của người nộp thuế về nghĩa vụ chấp hành pháp luật về thuế. Tuy nhiên, để việc sử dụng hóa đơn điện tử đi vào quy củ, qua đó góp phần tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch, thiết nghĩ ngành thuế cần tăng cường hơn nữa công tác rà soát, xử lý vi phạm đối với các cơ sở kinh doanh không xuất hóa đơn kịp thời cho người mua khi cung cấp hàng hóa bảo đảm đúng quy định pháp luật. Với mỗi người mua hàng, nên xem việc lấy hóa đơn không chỉ là thói quen mà còn là trách nhiệm, để từ đó buộc các đơn vị bán hàng phải thực hiện quy định này.

Giang Nam


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.