Multimedia Đọc Báo in

Cần giải quyết “vòng luẩn quẩn” của doanh nghiệp nhỏ và vừa

10:42, 22/03/2024

Lượng doanh nghiệp (DN) rút khỏi thị trường tăng mạnh trong những tháng đầu năm 2024 không chỉ phản ánh những khó khăn, thách thức của nền kinh tế mà còn đặt ra những vấn đề cần giải quyết.

Theo số liệu từ Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, hai tháng đầu năm 2024, cả nước có 62.977 DN rút khỏi thị trường (tăng 22,5% so với cùng kỳ năm 2023).

Có một nội dung đáng chú ý đó là số lượng DN giải thể, tạm ngừng kinh doanh tập trung chủ yếu ở đối tượng DN nhỏ và vừa.

Cụ thể, phần lớn DN tạm ngừng kinh doanh trong hai tháng năm 2024 có thời gian hoạt động ngắn, dưới 5 năm với 22.273 DN (chiếm 45,2% tổng số DN). Trong số DN tạm ngừng, nghỉ kinh doanh của cả nước, có 44.265 DN có quy mô dưới 10 tỷ đồng (chiếm 89,8% tổng số DN tạm ngừng kinh doanh, tăng 26,5% so với cùng kỳ năm 2023).

Tại Đắk Lắk, theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, trong hai tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh có 42 DN giải thể, ngừng hoạt động.

Sản xuất son dưỡng thiên nhiên tại Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Pơ Lang. (Ảnh minh họa). Ảnh: Lê Lan
Sản xuất son dưỡng thiên nhiên tại Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Pơ Lang. (Ảnh minh họa: Lê Lan) 

Bức tranh hoạt động của DN từ đầu năm đến nay đã phản ánh những khó khăn, thách thức chung của nền kinh tế. Tuy nhiên, điều này còn cho thấy, khi đối mặt với tác động bên ngoài là những khó khăn, thách thức của thị trường, những hạn chế, bất cập nội tại của DN, nhất là DN nhỏ và vừa đã bộc lộ rõ nét. Những bất cập nội tại khiến "sức đề kháng" của DN nhỏ và vừa đã được bộc lộ trong suốt thời gian qua. Đặc biệt là “vòng luẩn quẩn” từ năng lực cạnh tranh thấp bởi thiếu vốn, nhưng khó tiếp cận tín dụng do thiếu tài sản thế chấp nên chậm đầu tư đổi mới công nghệ. Công nghệ lạc hậu đi kèm với năng lực quản lý kém nên giá thành cao, năng lực cạnh tranh thấp, ít có cơ hội tiếp cận được các đơn hàng sản xuất với giá trị gia tăng cao... Chính “vòng luẩn quẩn” đó đã kìm hãm, thậm chí là triệt tiêu khả năng phát triển của DN nhỏ và vừa.

Trong bối cảnh hiện nay, DN nhỏ và vừa luôn chiếm tỷ trọng lớn, là đặc trưng của mọi nền kinh tế, chứ không là đặc thù riêng ở Việt Nam. Chất lượng phát triển DN của một quốc gia thể hiện qua mức độ phát triển từ DN nhỏ và vừa thành DN lớn. Riêng đối với Việt Nam, DN nhỏ và vừa là nguồn tạo việc làm, cạnh tranh và là động lực phát triển kinh tế. Khu vực này còn được cho là động lực thúc đẩy cạnh tranh và môi trường kinh doanh bởi đây là khu vực nhạy bén, năng động và sẵn sàng đổi mới so với các DN lớn hơn và đã phát triển ổn định.

Giải thể hay phá sản DN là một quy luật của nền kinh tế thị trường, những DN yếu kém, không đủ sức cạnh tranh sẽ bị loại bỏ. Thế nhưng, với vị trí, vai trò quan trọng của DN nhỏ và vừa trong nền kinh tế, việc cấp thiết là phải làm sao giải quyết được “vòng luẩn quẩn” mà loại hình kinh tế này đang phải đối mặt. Theo nhiều lãnh đạo DN trên địa bàn tỉnh, mặc dù đã có nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ DN nhỏ và vừa, nhưng thực tế những chính sách này chưa đi vào chiều sâu, chưa đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng “sát sườn” của DN.

Chẳng hạn việc hỗ trợ kinh phí cho DN nhỏ và vừa tham gia xúc tiến thị trường, nhưng lại không có chính sách tạo lập thị trường thực cho DN; hỗ trợ nghiên cứu công nghệ cho các nhà khoa học với nhiều vấn đề không liên quan đến nhu cầu của DN; quy định về trích lập quỹ đổi mới công nghệ nhưng không có cơ chế hướng dẫn, tư vấn sử dụng quỹ cho đúng mục đích, hiệu quả; quy định hỗ trợ kinh phí đào tạo cho DN nhỏ và vừa, nhưng không kết nối DN để thiết kế các chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu của họ. Bên cạnh đó, một số chính sách thúc đẩy phát triển DN chưa phát huy được hiệu ứng do thiếu tính cụ thể, thiếu tính khả thi nên chưa thật sự kiến tạo cơ hội cho DN nhỏ và vừa… Do đó, rất cần có những biện pháp hỗ trợ thiết thực hơn nữa để giải quyết những vấn “sát sườn” này của DN. Qua đó góp phần giúp DN hoạt động tốt hơn và có thể quay lại, ở lại thị trường, giúp kinh tế hồi phục và phát triển.

Giang Nam


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Pắc: Nhiều hoạt động nâng cao nhận thức, thúc đẩy bình đẳng giới
Tại huyện Krông Pắc, Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” được triển khai đã tác động tích cực đến đời sống, nâng cao nhận thức, thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” của phụ nữ nói riêng và người dân trong cộng đồng nói chung.