Giám sát về phát triển cà phê bền vững tại Công ty TNHH MTV Cà phê 720 và huyện Krông Pắc
Sáng 19/3, Đoàn giám sát số 54 của HĐND tỉnh do Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Phú Hùng làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Công ty TNHH MTV Cà phê 720 (huyện Ea Kar) về “Giám sát việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 24/2017/NQ-HĐND, ngày 13/7/2017 của HĐND tỉnh về phát triển cà phê bền vững của tỉnh năm 2020 và định hướng đến năm 2030” (Nghị quyết 24)
Đến 31/12/2023, Công ty TNHH MTV Cà phê 720 có hơn 300 ha cà phê. Từ năm 2015 – 2020, công ty được vay trên 13 tỷ đồng để tái canh trên 225 ha bằng các giống mới cho năng suất cao.
Đoàn giám sát số 54 của HĐND tỉnh làm việc với Công ty TNHH MTV Cà phê 720 |
Hiện nay, 154 ha tái canh từ năm 2015 đã cho thu hoạch, với năng suất đạt trên 4 tấn cà phê nhân/ha. Thu nhập từ vườn cây sau tái canh đạt từ 75 – 120 triệu đồng/ha.
Đến nay, công ty còn 75 ha cà phê đã già cỗi cần tái canh, nhưng nguồn vốn của công ty không đáp ứng được. Công ty đã kiến nghị với các cơ quan chức năng tạo điều kiện được tiếp cận với nguồn vốn vay lâu dài để cải tạo vườn cây, mang lại thu nhập cao hơn cho công nhân.
Đại diện lãnh đạo Công ty TNHH MTV Cà phê 720 phát biểu tại buổi giám sát. |
Tại buổi giám sát, các thành viên trong đoàn đã có nhiều ý kiến góp ý cho công ty trong quá trình phát triển cà phê bền vững, như: công ty cần tiếp tục tái canh những diện tích còn lại; những diện tích sau tái canh cần được đầu tư, chăm sóc đúng kỹ thuật để sớm thu hồi vốn, nâng cao thu nhập, tạo lòng tin trong công nhân…
Thành viên Đoàn giám sát số 54 phát biểu tại buổi làm việc. |
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Phú Hùng ghi nhận những kết quả mà Công ty TNHH MTV Cà phê 720 đã đạt được trong thực hiện Nghị quyết 24 của HĐND tỉnh.
Đồng thời đề nghị lãnh đạo công ty tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương triển khai theo đúng tinh thần của Nghị quyết 24; tổ chức rà soát các vùng trồng cà phê chuyên canh để tiến đến xây dựng vùng trồng cà phê có chứng nhận, có thương hiệu; tăng cường tuyên truyền, tập huấn, vận động công nhân tuân thủ việc tái canh cà phê.
Bên cạnh đó, công ty cũng cần chú trọng đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin vào công tác quản lý sản xuất, chế biến, tăng giá trị gia tăng để công nhân gắn bó hơn với công ty và việc phát triển cà phê bền vững đạt hiệu quả.
Đoàn giám sát số 54 của HĐND tỉnh đi kiểm tra thực tế vườn cà phê tái canh của Công ty TNHH MTV Cà phê 720. |
* Chiều cùng ngày, Đoàn giám sát số 54 của HĐND tỉnh đã đi thực địa tại một số vùng trồng cà phê của huyện Krông Pắc để nắm bắt tình hình sản xuất.
Hện nay, toàn huyện Krông Pắc có 20.107 ha cà phê, tăng 2.273 ha so với cuối năm 2017. Trong đó, diện tích cà phê kinh doanh là 18.813 ha, năng suất đạt hơn 25,4 tạ/ha. Diện tích cà phê trồng thuần 11.912 ha, còn lại trồng xen cùng các loại cây trồng khác (hồ tiêu, mắc ca, sầu riêng, bơ và các cây ăn quả khác). Tổng diện tích tái canh 1.275 ha, đạt 54% kế hoạch.
Đoàn giám sát số 54 của HĐND tỉnh đi thực địa tại một số vườn trồng cà phê thuộc Công ty TNHH MTV Cà phê - Ca cao Tháng 10 (huyện Krông Pắc). |
Việc sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn, có chứng nhận và ứng dụng khoa học công nghệ đã được một số doanh nghiệp, người dân áp dụng thực hiện, nhưng quy mô còn nhỏ và chưa được nhân rộng. Việc xây dựng các liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị còn ít người tham gia…
Trong quá trình triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp theo Nghị quyết 24 trên địa bàn huyện gặp không ít khó khăn về công tác quản lý đối với các công ty cà phê; về nguồn vốn thực hiện tái canh và các cơ chế chính sách hỗ trợ cho người dân trong xây dựng mô hình, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất… Vì vậy, nhiều mục tiêu không đạt theo yêu cầu đề ra.
Minh Thuận
Ý kiến bạn đọc