Multimedia Đọc Báo in

Hướng đi mới từ liên kết sản xuất khoai tây

08:08, 21/03/2024

Trong vụ đông xuân 2023 - 2024, nông dân xã Phú Xuân (huyện Krông Năng) đã trồng khoai tây theo mô hình liên kết với doanh nghiệp. Qua đó đã mở ra hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao thu nhập cho người dân ở địa phương.

Là một trong những hộ dân tham gia mô hình trồng khoai tây liên kết, chị Lê Thị Thanh Hà (thôn 1, xã Phú Xuân, huyện Krông Năng) cho biết, trước Tết Nguyên đán Giáp Thìn, gia đình chị đã thuê đất, đầu tư trồng 2 ha khoai tây trắng theo hình thức liên kết bao tiêu sản phẩm với Công ty Thực phẩm Pepsico. Gia đình chị rất phấn khởi bởi tuy đây là năm đầu tiên trồng khoai tây nhưng vẫn đạt năng suất khá cao.

“Khoai tây có thời gian sinh trưởng, phát triển trong khoảng hơn 3 tháng là cho thu hoạch. Nhờ tuân thủ kỹ thuật trồng, chăm sóc nên khoai tây của gia đình tôi sinh trưởng, phát triển tốt, cho năng suất 29 tấn/ha. Được doanh nghiệp thu mua với giá 8.500 đồng/kg, sau khi trừ chi phí gia đình tôi lãi được 80 triệu đồng”, chị Hà bộc bạch.

Nông dân xã Phú Xuân (huyện Krông Năng) thu hoạch khoai tây.
 

Vụ đông xuân 2023 - 2024 vừa qua, Công ty Thực phẩm Pepsico đã thực hiện dự án liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm khoai tây với 4 hộ dân tại xã Phú Xuân (huyện Krông Năng) trên diện tích 9 ha. Các vườn khoai tây đều đạt năng suất từ 25 - 29 tấn/ha, mang lại thu nhập từ 60 - 80 triệu đồng/ha.

Trong khi đó, anh Hoàng Bá Dương (thôn 3, xã Phú Xuân, huyện Krông Năng) chia sẻ, nhận thấy việc liên kết với doanh nghiệp trồng khoai tây giúp gia đình ổn định sản xuất, không phải lo lắng về đầu ra nên gia đình anh đã tham gia trồng 2 ha theo mô hình liên kết này.

Sau khi ký kết hợp đồng, phía doanh nghiệp đầu tư sẽ cung cấp giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Nông dân được tập huấn kỹ thuật canh tác sản xuất khoai tây bền vững, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đúng quy trình.

Trong quá trình canh tác, có kỹ sư nông nghiệp, các chuyên gia kỹ thuật đến kiểm tra đất, hỗ trợ kỹ thuật, theo dõi quá trình sinh trưởng và phát triển của cây khoai tây, kiểm soát chặt chẽ chất lượng đầu ra. Khi kết thúc mùa vụ, doanh nghiệp sẽ đến thu mua toàn bộ sản phẩm. Đây cũng là thời điểm người nông dân trả lại các khoản chi phí mà doanh nghiệp hỗ trợ trước đó.

“Do đây là năm đầu thực hiện mô hình trồng cây khoai tây, tôi còn thiếu kinh nghiệm chăm sóc, chưa nắm hết kỹ thuật nên ảnh hưởng phần nào đến sản lượng, khoai tây vẫn chưa được đều và đẹp.

Tuy nhiên, trong quá trình trồng và thu hoạch, thời tiết thuận lợi nên năng suất vẫn đạt. Trung bình mỗi héc-ta thu hoạch được khoảng hơn 25 - 29 tấn củ. Với giá công ty thu mua là 8.500 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, gia đình tôi cũng lãi được khoảng vài chục triệu đồng trên mỗi héc-ta”, anh Dương nói.

Người dân phấn khởi vì có được thu nhập cao từ việc liên kết trồng khoai tây.

Cũng tham gia trồng khoai tây, ông Lê Thanh Hải (xã Phú Xuân, huyện Krông Năng) cho biết, cây khoai tây khá phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, lại dễ chăm sóc, ít sâu bệnh.

Trong quá trình sản xuất, nông dân được công ty đầu tư ứng trước về giống, vật tư, phân bón và chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh nên cây sinh trưởng và phát triển tốt, đạt năng suất cao. Đây là điều kiện thuận lợi để người dân trên địa bàn liên kết với doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất khoai tây ở những vụ tiếp theo.

Mặc dù chương trình liên kết sản xuất khoai tây được triển khai trong thời gian ngắn và cũng là vụ đầu tiên thực hiện mô hình, nhưng hiệu quả kinh tế bước đầu cho thấy khoai tây sẽ là một trong những cây trồng có nhiều triển vọng, mang lại thu nhập ổn định cho người dân.

Ông Lê Ký Sự, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Krông Năng nhận xét, việc triển khai mô hình liên kết trồng khoai tây không chỉ nâng cao thu nhập cho người nông dân, mà còn góp phần vào việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển phong trào sản xuất cây vụ đông trên địa bàn huyện. Do đó, địa phương khuyến khích người dân tiếp tục nhân rộng mô hình và mở rộng vùng sản xuất ở những vụ mùa tiếp theo trên địa bàn.

Ngọc Thùy


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.