Multimedia Đọc Báo in

Huyện Ea Kar: Gia tăng giá trị, vị thế cho cây ăn quả

08:24, 28/03/2024

Cùng với việc hình thành các vùng nguyên liệu tập trung, tổ chức sản xuất, chế biến theo yêu cầu thị trường, huyện Ea Kar đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ, kết nối tiêu thụ sản phẩm nhằm gia tăng giá trị và phát triển cây ăn quả theo hướng bền vững.

Đẩy mạnh liên kết sản xuất

Năm 2015, gia đình ông Lê Văn Long ở thôn 5 (xã Ea Sar) phá bỏ 6 ha bơ, cà phê già cỗi, năng suất thấp chuyển đổi sang trồng vải. Đến năm 2018, cây vải bắt đầu cho thu bói, năng suất trung bình 15 tấn/ha, giá bán từ 25.000 - 30.000 đồng/kg. Lợi nhuận thu được, gia đình ông mua thêm đất, mở rộng diện tích trồng vải lên hơn 10 ha.

Đầu năm 2022, được UBND xã khuyến khích, ông Long đứng ra vận động thành lập Tổ hợp tác sản xuất vải chín sớm Thanh Hà gồm 5 thành viên với tổng diện tích 48,5 ha. Các thành viên trong tổ đã được hướng dẫn và thực hành chăm sóc cây vải theo tiêu chuẩn VietGAP. Mỗi hộ đều có sổ nhật ký nông hộ, ghi chép thông tin về lịch tưới nưới, liều lượng, thời gian sử dụng các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục cho phép, thời điểm ra hoa, phòng trừ sâu bệnh hại, thu hoạch bảo đảm thời gian cách ly… Vụ vải năm 2023, các thành viên của tổ hợp tác đã thu được sản lượng trên 720 tấn. Nhờ tuân thủ các quy định thực hành nông nghiệp tốt, tháng 11/2023, toàn bộ diện tích của tổ hợp tác đã được cấp giấy chứng nhận VietGAP, giúp các hộ gia tăng giá trị cây vải với giá bán cao hơn và đầu ra ổn định hơn.

Lãnh đạo UBND xã Ea Sar, huyện Ea Kar (bên trái) khảo sát mô hình sản xuất vải theo tiêu chuẩn VietGAP của Tổ hợp tác sản xuất vải chín sớm Thanh Hà.

Không chỉ các thành viên của Tổ hợp tác sản xuất vải chín sớm Thanh Hà, khoảng 10 năm trở lại đây, từ chủ trương chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, các hộ dân trên địa bàn xã Ea Sar đã chuyển đổi diện tích trồng tiêu, điều, cà phê kém hiệu quả sang trồng vải, nhãn và liên kết với nhau trong khâu sản xuất, cung ứng giống, trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật trồng, chăm sóc và tiêu thụ.

 

“Huyện Ea Kar sẽ tiếp tục quy hoạch, phát triển các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; hỗ trợ mở rộng quy mô, số lượng các sản phẩm được sản xuất theo các tiêu chuẩn chất lượng, gắn mã số vùng trồng, đưa các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện lên các sàn thương mại điện tử” - Phó chủ tịch UBND huyện Ea Kar Lê Đình Chiến.

Chủ tịch UBND xã Ea Sar Văn Đình Thìn cho biết: Để hình thành, phát triển vùng sản xuất cây ăn quả bền vững, xã đã hỗ trợ kinh phí xây dựng mô hình mẫu, tổ chức tập huấn sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, khuyến khích nông hộ liên kết hình thành cánh đồng mẫu lớn, áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất, thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác, hỗ trợ cấp mã số vùng trồng, tổ chức các hội nghị gặp gỡ các doanh nghiệp thu mua vải… Nhờ vậy, đến nay xã Ea Sar đã có trên 650 ha cây ăn quả, chủ yếu là vải, nhãn, đem lại nguồn thu đáng kể cho nông dân với lợi nhuận trung bình khoảng 300 triệu đồng/ha.

Trợ lực cho cây ăn quả vươn xa

Để tạo hành lang pháp lý cho việc phát triển cây ăn quả bền vững, HĐND huyện Ea Kar đã ban hành Nghị quyết số 27/NQ-HĐND, ngày 27/12/2021 về việc thông qua Đề án “Xây dựng liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị đối với một số sản phẩm nông nghiệp chủ lực trên địa bàn huyện giai đoạn 2021 - 2025”.

Trên cơ sở đó, huyện Ea Kar đã khuyến khích nông dân phát triển các loại cây ăn quả phù hợp và hình thành các vùng sản xuất tập trung như: cây có múi ở các xã Cư Elang, Ea Ô, Cư Prông, Ea Păl; cây vải, nhãn ở các xã Ea Sar, Ea Sô, Ea Tih; các xã còn lại chủ yếu trồng cây mãng cầu, sầu riêng, mít Thái, chanh leo, ca cao... Đến nay, toàn huyện Ea Kar có trên 5.660 ha cây ăn quả các loại.

Nông dân xã Ea Sar (huyện Ea Kar) tập trung phát triển cây vải theo hướng bền vững.

Cùng với đó, huyện hỗ trợ thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác nhằm tạo sự liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, góp phần định hình thương hiệu “Cây ăn quả Ea Kar”. Đồng thời, hỗ trợ các hợp tác xã, tổ hợp tác triển khai trồng, chăm sóc các loại cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP, sản xuất và chế biến sản phẩm theo chứng nhận HACCP, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị để thu hoạch, chế biến, bảo quản sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường. Huyện đã hỗ trợ lập hồ sơ đăng ký nhãn hiệu tập thể đối với các sản phẩm: cam xoàn Ea Kar, bưởi da xanh Ea Kar, nhãn hương chi Ea Kar, vải thiều Ea Kar; hỗ trợ tem nhãn, truy xuất nguồn gốc, mẫu mã, bao bì sản phẩm; lập hồ sơ đề nghị gắn 15 mã số vùng trồng; hỗ trợ phát triển, hoàn thiện 7 sản phẩm OCOP; đưa các sản phẩm tham gia hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh.

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.