Multimedia Đọc Báo in

Huyện Krông Búk: Tái cơ cấu nông nghiệp để phát triển bền vững

09:13, 29/03/2024

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng khoa học công nghệ, hình thành chuỗi liên kết... là những giải pháp để hiện thực hóa Quyết định số 2103/QĐ-UBND, ngày 20/7/2018 của UBND huyện Krông Búk về tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Nhiều chuyển biến tích cực

Với Krông Búk, ngành nông nghiệp tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế. Năm 2023, tổng giá trị sản xuất lên đến 2.443 tỷ đồng; tăng trưởng bình quân lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp đạt 5%.

Cà phê là cây trồng chủ lực với khoảng 20.400 ha. Để nâng cao chất lượng, nông dân tập trung sản xuất cà phê theo các tiêu chuẩn đã được công nhận và liên kết để có đầu ra ổn định. Chính quyền, ngành chức năng địa phương cũng đã tổ chức tập huấn, hướng dẫn người trồng cà phê kỹ thuật bón phân cân đối, tỉa cành tạo tán, điều tiết tưới nước, sử dụng chế phẩm sinh học để phòng trừ sâu bệnh… Qua đó thay đổi tư duy từ sản xuất manh mún, nhỏ lẻ sang liên kết sản xuất tập trung.

Cà phê hạt Song Thuận Coffee ở thị trấn Pơng Drang (huyện Krông Búk) đạt chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh.

Tại Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp Cư Kbô (xã Cư Kbô), quá trình hoạt động của doanh nghiệp luôn hướng đến lợi ích của các thành viên, đẩy mạnh chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm... Ông Phan Trọng Ký, Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Giám đốc HTX chia sẻ: “Cùng với liên kết sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn FLO, HTX còn chế biến cà phê bột để bán trực tiếp cho các điểm kinh doanh cà phê và người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. Năm 2022, sản phẩm cà phê bột của HTX đạt OCOP 3 sao cấp tỉnh. Tổng doanh thu của các hộ thành viên tăng 15% so với năm trước. Hiệu quả kinh tế đem lại đã từng bước giúp các thành viên yên tâm gắn bó với cây cà phê”.

 

Đến nay, huyện Krông Búk có 15 sản phẩm được chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh, là các sản phẩm từ cà phê, mật ong, mắc ca, nấm... Một số sản phẩm phát triển với vùng nguyên liệu quy mô lớn, từng bước khẳng định giá trị, chất lượng và thương hiệu trên thị trường, được người tiêu dùng đánh giá cao.

Cùng với thế mạnh về cây công nghiệp lâu năm, gần đây cây ăn quả cũng đang dần khẳng định vị thế trong cơ cấu cây trồng. Krông Búk hiện có trên 3.772 ha cây ăn quả, trong đó có 3.596 ha sầu riêng, sản lượng đạt 29.900 tấn/năm. Người trồng sầu riêng đạt lợi nhuận khoảng 400 triệu đồng/ha/năm.

Tiêu biểu như gia đình ông Nguyễn Xuân Nhị, ở thôn 2 (xã Ea Ngai) đang có 800 cây sầu riêng Dona và 250 cây sầu riêng Musangking cho sản lượng khoảng 70 tấn/năm. Để nâng cao chất lượng quả sầu riêng, hướng đến xuất khẩu chính ngạch, ông Nhị luôn tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật, quy định về an toàn thực phẩm, sản xuất theo chuẩn VietGAP. Ông Nhị cho biết: "Thị trường hiện nay đòi hỏi nông sản phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng nên việc xây dựng thương hiệu là yếu tố sống còn. Tôi đã hoàn thiện hồ sơ đăng ký mã vùng trồng sầu riêng của gia đình; đồng thời phối hợp hỗ trợ 27 hộ trồng sầu riêng trong xã đăng ký mã vùng trồng với diện tích khoảng 55 ha".

Hướng đến phát triển bền vững

Xác định việc đẩy mạnh cơ giới hóa, bảo quản sau thu hoạch, chế biến và phát triển thị trường là mấu chốt của tái cơ cấu ngành nông nghiệp, gia tăng giá trị sản xuất, huyện Krông Búk đã thực hiện tốt các chính sách thu hút đầu tư, tạo điều kiện, hỗ trợ doanh nghiệp (DN) phát triển sản xuất, kinh doanh; thường xuyên tổ chức đối thoại với DN, HTX để nắm bắt tình hình và kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Từ năm 2018 đến nay, huyện Krông Búk đã xây dựng 74 mô hình ứng dụng khoa học công nghệ, cơ giới hóa, giống cây trồng, vật nuôi mới; đầu tư đường giao thông vào khu sản xuất nội đồng, phục vụ nhu cầu đi lại, vận chuyển nông sản với kinh phí thực hiện trên 155 tỷ đồng. Hằng năm huyện còn bố trí kinh phí xây mới, sửa chữa các công trình thủy lợi, bảo đảm tỷ lệ cung cấp nước tưới cho trên 80% diện tích cây trồng.

Một cơ sở thu mua, xuất khẩu sầu riêng ở huyện Krông Búk.

Hiện nay, huyện Krông Búk có 5 HTX liên kết tiêu thụ sản phẩm cà phê theo tiêu chuẩn FLO; 5 HTX sản xuất cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP. Toàn huyện được cấp 9 mã số vùng trồng sầu riêng xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc với diện tích gần 150 ha; 1 cơ sở đóng gói đã được Hải quan Trung Quốc chấp thuận và 2 doanh nghiệp thu mua nông sản… qua đó góp phần tiêu thụ các loại nông sản do người dân địa phương sản xuất.

Để tạo ra các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và phục vụ xuất khẩu, ông Hoàng Kiên Cường, Chủ tịch UBND huyện Krông Búk cho biết, thời gian tới sẽ tiếp tục ứng dụng khoa học công nghệ vào quá trình canh tác các cây trồng chủ lực; thực hiện tốt chính sách hỗ trợ, khuyến khích DN, HTX đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; đẩy mạnh tái canh cà phê bằng các giống mới có năng suất, chất lượng cao; chuyển đổi diện tích thường xuyên bị hạn, kém năng suất sang trồng các loại cây phù hợp và có giá trị kinh tế cao hơn. Cùng với đó, huyện cũng sẽ tăng cường giám sát, dự báo và thực hiện tốt việc xây dựng mã vùng trồng, mã đóng gói sản phẩm nông nghiệp; quản lý chặt chẽ các khâu sản xuất, lưu thông; sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đúng quy định…

Như Quỳnh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.