Multimedia Đọc Báo in

Huyện Krông Năng: Nâng cao giá trị cho sầu riêng

07:35, 19/03/2024

Kể từ khi Nghị định thư về việc xuất khẩu sầu riêng chính ngạch sang thị trường Trung Quốc có hiệu lực (từ ngày 11/7/2022), loại cây này luôn được quan tâm vì mang lại nguồn thu lớn cho người trồng. Để người dân yên tâm trồng, chăm sóc sầu riêng, thời gian qua, huyện Krông Năng đã triển khai nhiều giải pháp nâng cao giá trị nông sản, tăng thu nhập cho người nông dân.

Hiện nay, tổng diện tích cây lâu năm trên địa bàn huyện là 42.830 ha; trong đó có 6.850 ha sầu riêng với sản lượng 25.400 tấn...

“Đã có hơn 1.200 ha sầu riêng đã được cấp mã vùng trồng, đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, sản xuất sầu riêng theo hướng hữu cơ, an toàn. Thời gian tới, huyện sẽ tăng cường tuyên truyền, vận động người dân tập trung sản xuất theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ. Đồng thời, khuyến cáo người dân không nên ồ ạt tăng diện tích mà tập trung chăm sóc tốt vườn cây hiện có để từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm, tránh rủi ro khi giá cả thị trường biến động”, ông Lê Ký Sự, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện Krông Năng cho hay.

Nông dân xã Ea Tam chăm sóc sầu riêng.

Hợp tác xã (HTX) Sản xuất, thương mại và dịch vụ nông nghiệp Thịnh Phát (xã Ea Tam) có diện tích canh tác 53 ha, với 33 thành viên; trong đó có 13 ha sầu riêng của 30 hộ dân đã được cấp mã số vùng trồng. Theo ông Triệu Văn Nghiệp, Giám đốc HTX, việc cấp mã số vùng trồng cho cây sầu riêng rất quan trọng vì sẽ giúp người dân yên tâm sản xuất, sản phẩm làm ra được doanh nghiệp cam kết thu mua với giá trị cao hơn giá thị trường.

 

“Sau khi được cấp mã số vùng trồng, sầu riêng phải được sản xuất theo quy trình chặt chẽ, nghiêm ngặt nhưng bù lại được các công ty, doanh nghiệp thu mua hết sản lượng, giá bán ổn định và cao hơn giá bán của các vườn chưa được cấp mã số vùng trồng. Giá trị hàng hóa của sầu riêng và thu nhập của những hộ trồng sầu riêng được cấp mã số vùng trồng vì thế cũng cao hơn hẳn so với những hộ trồng sầu riêng chưa được cấp” - ông Lê Ký Sự, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Krông Năng.

“Các thành viên HTX đều rất phấn khởi vì sau khi được cấp mã số vùng trồng thì tình hình sản xuất và tiêu thụ có hướng tốt hơn. Thời gian tới, HTX sẽ nỗ lực để chuẩn hóa quy trình, hỗ trợ nông dân đăng ký thủ tục nhằm mở rộng thêm diện tích vùng trồng được cấp mã số.

Đồng thời phối hợp với Phòng NN-PTNT huyện và chính quyền địa phương tuyên truyền để người dân nâng cao quy trình sản xuất nhằm tạo ra sản phẩm sầu riêng chất lượng, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu”, ông Nghiệp nói.

HTX Dịch vụ nông nghiệp bền vững Dliêya (xã Dliêya) có 48 thành viên chính thức và 162 thành viên liên kết, với tổng diện tích 117 ha sầu riêng trồng xen canh, năng suất bình quân đạt 4 - 5 tấn quả/ha.

Ông Dương Xuân Cảnh, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX cho hay, việc xây dựng mã số vùng trồng giúp chuyển biến nhận thức của nông dân trong việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, từng bước tạo ra sản phẩm chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm và truy xuất được nguồn gốc sản phẩm. Nhờ vậy, sản phẩm đáp ứng được yêu cầu khắt khe của thị trường các nước nhập khẩu, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với canh tác theo kiểu truyền thống.

Tuy nhiên, để mã số vùng trồng thực sự phát huy hết hiệu quả, cần sự phối hợp của nhiều đơn vị liên quan. Hiện, HTX đang hoàn chỉnh hồ sơ để các cơ quan chức năng thẩm định và cấp mã số vùng trồng cho khoảng 100 ha của thành viên HTX trên địa bàn ba xã Ea Tân, Dliêya và Ea Toh.

Theo đánh giá của UBND huyện Krông Năng, mặc dù là địa phương sở hữu diện tích sầu riêng lớn, nhưng việc trồng sầu riêng ở đây vẫn còn nhiều khó khăn vì diện tích được cấp chứng nhận an toàn thực phẩm và VietGAP chưa nhiều, trong khi một bộ phận người dân còn chưa chú trọng đến sản xuất an toàn, sản xuất hữu cơ để tăng giá trị kinh tế của sản phẩm sầu riêng.

Lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Krông Năng hướng dẫn người dân chăm sóc sầu riêng lúc ra hoa.

Để việc sản xuất, tiêu thụ sầu riêng theo hướng bền vững, rất cần sự chung tay, đồng lòng của các cơ quan chuyên môn, người sản xuất và doanh nghiệp trong việc liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Do đó, thời gian tới, ngành nông nghiệp huyện Krông Năng tiếp tục đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền và tập huấn nâng cao nhận thức và hành động của người dân; kịp thời hỗ trợ nông dân tổ chức lại sản xuất, thúc đẩy tăng cường liên kết, hình thành các vùng trồng cây chuyên canh tập trung gắn với các tổ hợp tác và HTX để được cấp mã số vùng trồng và thuận lợi trong liên kết với doanh nghiệp xuất khẩu.

Thế Hùng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.