Multimedia Đọc Báo in

Khơi dậy tiềm năng du lịch nông nghiệp, nông thôn

08:22, 26/03/2024

Với lợi thế sẵn có về du lịch sinh thái nông nghiệp, nông thôn, huyện Krông Ana xác định đây là một trong những lĩnh vực quan trọng cần chú trọng đầu tư nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp và cải thiện đời sống người dân.

“Đánh thức” lợi thế

Nói về tiềm năng du lịch nông nghiệp, huyện Krông Ana có trang trại nông nghiệp, có làng nghề truyền thống đang được quan tâm đầu tư; nhiều buôn làng vẫn còn lưu giữ được bản sắc văn hóa đặc sắc của dân tộc và cảnh sắc thiên nhiên nông thôn tươi đẹp. Vài năm trở lại đây, loại hình du lịch sinh thái nông nghiệp, nông thôn đang được chính quyền địa phương, doanh nghiệp và người dân nơi đây quan tâm đầu tư, phát triển. Từ đó, bước đầu đã hình thành những điểm đến du lịch thu hút sự quan tâm của du khách trong và ngoài tỉnh.

Điển hình phải kể đến Trang trại Ca cao của Công ty TNHH Ca cao Nam Trường Sơn ở xã Ea Na đã được UBND tỉnh công nhận là điểm du lịch và đang thu hút đông đảo du khách. Đến đây, du khách được hòa mình vào thiên nhiên tươi mát, với vườn cây ca cao rộng hơn 2 ha, tìm hiểu quy trình trồng, chế biến ca cao, hái trái ăn tại chỗ (nếu có); tham quan nhà máy chế biến ca cao và trải nghiệm tự tay làm sô cô la, thưởng thức sô cô la Nam Trường Sơn - một trong những đặc sản của huyện Krông Ana.

Du khách trải nghiệm làm sô cô la tại Công ty TNHH Ca Cao Nam Trường Sơn (xã Ea Na).

Bà Hồ Thị Phương Hiếu, Phó Giám đốc Công ty TNHH Ca cao Nam Trường Sơn cho biết, để đáp ứng nhu cầu của du khách, trang trại đã chú trọng đầu tư xây dựng khu vực trưng bày, bố trí nguồn nhân lực giới thiệu mô hình cho khách. Nhờ đẩy mạnh phát triển du lịch mà công ty có thêm cơ hội giới thiệu, quảng bá sản phẩm, thương hiệu ca cao Nam Trường Sơn đến với người tiêu dùng.

Trên hành trình khám phá huyện Krông Ana, gần đây nhiều du khách trong và ngoài tỉnh biết đến buôn Kuốp (xã Dray Sáp) nhiều hơn nhờ triển khai mô hình du lịch cộng đồng, gắn với bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc Êđê. Từ mô hình này đang dần hình thành, kết nối một số tour/tuyến kết hợp du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng ở xã Dray Sáp.

 

“Phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn không chỉ thu hút sự quan tâm của du khách mà còn góp phần phát triển kinh tế địa phương, hỗ trợ được cộng đồng khai thác, mở rộng và bán được các sản phẩm từ nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tiêu biểu của địa phương" - Ông Hoàng Minh Giám, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Ana.

Ông Hòa Quang Trịnh, Phó Chủ tịch UBND xã Dray Sáp cho hay, việc xây dựng mô hình du lịch cộng đồng đã từng bước làm thay đổi bộ mặt địa phương khang trang, sạch đẹp hơn. Hệ thống hạ tầng, nhiều công trình điện chiếu sáng, vệ sinh môi trường, cảnh quan thiên nhiên... ở buôn Kuốp được đầu tư xây dựng đồng bộ. Người dân ý thức hơn trong việc giữ gìn văn hóa truyền thống của dân tộc mình để làm du lịch.

Định hướng phát triển

Phát triển du lịch văn hóa, du lịch sinh thái nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; gắn phát triển du lịch với bảo tồn và phát huy hiệu quả giá trị di tích văn hóa, lịch sử, danh thắng, các nguồn tài nguyên du lịch và bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc trên địa bàn huyện; xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù, chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu... là một trong những nhiệm vụ quan trọng mà Nghị quyết 05-NQ-HU, ngày 28/12/2021 của Huyện ủy Krông Ana về "phát triển du lịch trên địa bàn huyện giai đoạn 2021 - 2025" xác định cần quan tâm đầu tư, phát triển.

Để nâng cao hiệu quả phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn, huyện Krông Ana đang nỗ lực xây dựng các mô hình, điểm du lịch nông nghiệp gắn với tiêu thụ sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm), từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ, hình thành, kết nối để bán các sản phẩm giữa nội vùng, liên vùng; thu hút sự tham gia tích cực của người dân trong phát triển du lịch nông nghiệp, tạo điểm nhấn trong phát triển kinh tế - xã hội… Tạo đà cho du lịch phát triển, hệ thống hạ tầng cơ sở du lịch ở địa phương cũng ngày càng được quan tâm đầu tư nhằm phục vụ du khách với 15 cơ sở lưu trú du lịch, có 30 phòng đôi, 60 phòng đơn.

Du khách chụp hình lưu niệm tại Trang trại Ca cao "Cocoa Farm" của công ty TNHH Ca cao Nam Trường Sơn (xã Ea Na).

Theo ông Hoàng Minh Giám, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Ana, khai thác tốt tiềm năng du lịch nông nghiệp, nông thôn, du lịch cộng đồng giúp người dân có thêm việc làm, tăng thu nhập, từ đó, hình thành nên các sản phẩm khác biệt, nâng tầm sản vật OCOP địa phương, tạo điểm nhấn cho du khách trải nghiệm. Tuy nhiên, việc làm này cần có những “cú hích” đủ mạnh và phù hợp. Do đó, huyện sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về phát triển du lịch, quảng bá và xúc tiến du lịch, kêu gọi các tổ chức, cá nhân trong và ngoài huyện có tiềm lực để đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn.

Đồng thời, xác định các sản phẩm chủ lực, đặc thù, thế mạnh của địa phương; tổ chức các hoạt động bảo tồn các di sản văn hóa, tôn tạo và khai thác phục vụ phát triển du lịch; bố trí vốn đầu tư hạ tầng cơ sở hằng năm cho lĩnh vực du lịch nông nghiệp, nông thôn… Cùng với đó, tăng cường hỗ trợ người dân làm du lịch, quan tâm công tác bồi dưỡng, đào tạo nhân lực phục vụ du lịch; thúc đẩy chuyển đổi số trong phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn…

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.