Multimedia Đọc Báo in

Nguồn vốn từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế: Liệu đã đáp ứng nhu cầu?

07:49, 21/03/2024

Qua hai năm thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP, ngày 30/1/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội (gọi tắt là Nghị quyết 11), các đơn vị, địa phương đã triển khai có hiệu quả gói tín dụng ưu đãi, đưa nhanh đồng vốn đến tận tay các đối tượng và trở thành điểm tựa giúp người dân tạo sinh kế, phục hồi và phát triển sản xuất.

Kịp thời trợ giúp người dân

Gia đình bà H Gen Niê (buôn Huk B, xã Cư M'gar, huyện Cư M'gar) thuộc diện hộ nghèo của xã. Hằng ngày, vợ chồng bà đi làm thuê chỉ đủ chi phí sinh hoạt và nuôi con ăn học nên dù phải sống căn nhà gỗ cũ nát, bà cũng không dám nghĩ đến việc xây một căn nhà vững chắc hơn. Năm 2023, qua buôn trưởng cùng tổ tiết kiệm và vay vốn trong buôn, gia đình bà được vay 40 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Cư M'gar, với mục đích làm nhà ở theo Nghị định 28/2022/NĐ-CP của Chính phủ.

Bà H Gen tâm sự: “Gia đình tôi được vay vốn ưu đãi với lãi suất 3%/năm, thời gian vay vốn dài tới 15 năm và phân kỳ trả nợ nên tôi rất vui mừng. Giờ đây được sống trong ngôi nhà kiên cố, vợ chồng tôi yên tâm hơn, có thêm động lực cố gắng lao động sản xuất để cải thiện đời sống và trả nợ ngân hàng”.

Cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Krông Búk khảo sát nhu cầu vay vốn của người dân.

Cũng may mắn được tiếp cận nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, tháng 5/2022, gia đình ông Y Cum Bdap (buôn Kpung, xã Hòa Hiệp, huyện Cư Kuin) được vay 50 triệu đồng từ chương trình giải quyết việc làm.

Ông Y Cum chia sẻ, những tháng đầu năm 2022, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, con trai ông làm việc tại TP. Hồ Chí Minh phải trở về địa phương do bị mất việc làm nên gia đình ông rất khó khăn. Sau khi tìm hiểu và đề xuất, ông được tổ tiết kiệm và vay vốn tại địa phương bình xét và được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Cư Kuin cho vay số tiền phù hợp với nhu cầu của gia đình và được hỗ trợ lãi suất ưu đãi.

Từ số vốn này, ông đã mua cây giống, phân bón để cải tạo, trồng mới, mở rộng quy mô vườn cà phê. Nhờ đó, nhu cầu cấp bách của gia đình là tạo công ăn việc làm cho con đã được giải quyết. Nguồn vốn trên còn giúp gia đình ông vượt qua khó khăn sau dịch và có nguồn thu nhập ổn định hơn.

Theo Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Đắk Lắk, thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15, ngày 11/1/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội (gọi tắt là Nghị quyết 43) và Nghị quyết 11, đơn vị đã triển khai 5/5 chương trình cho vay.

Theo đó, đã giúp 11.468 hộ nghèo và các đối tượng yếu thế khác được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, với số tiền trên 624 tỷ đồng để hỗ trợ đầu tư sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, xây dựng, sửa chữa nhà ở, chuyển đổi nghề…

Về thực hiện hỗ trợ lãi suất, từ ngày 1/1/2022 đến 31/10/2023, đơn vị đã thực hiện hỗ trợ lãi suất 2% đối với các khoản vay có lãi suất cho vay trên 6%/năm, với tổng số tiền hỗ trợ trên 65,4 tỷ đồng. Thông qua nguồn vốn vay, các hộ dân đã có khả năng phát triển, đa dạng hóa sản xuất, nâng cao mức sống, nhiều hộ đã thoát được đói, giảm được nghèo.

Cần có mức cho vay phù hợp hơn

Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Đào Thái Hòa cho biết, thời gian qua, đơn vị đã chủ động, tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai đầy đủ và có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tín dụng chính sách đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn. Đồng thời, tham mưu nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương đạt được năm sau cao hơn năm trước.

Đơn vị cũng tập trung huy động nguồn lực, tổ chức triển khai các chương trình tín dụng chính sách nói chung và chính sách hỗ trợ lãi suất, các chương tín dụng theo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và đã đạt được nhiều kết quả nổi bật.

Các chương trình trên đã trở thành điểm tựa giúp người dân tạo sinh kế, phục hồi và phát triển sản xuất. Đây là một trong những giải pháp tạo thêm nhiều động lực và là "sức bật" cho nền kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Krông Bông giải ngân vốn vay tại phiên giao dịch lưu động ở thị trấn Krông Kmar (huyện Krông Bông).

Tuy nhiên, nguồn vốn đối với chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm theo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội mặc dù đã được quan tâm triển khai, nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu vay vốn của người lao động.

Nguyên nhân là do hiện nay, tại các địa phương còn một bộ phận không nhỏ người lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, đặc biệt là người lao động bị mất việc làm từ các thành phố, khu công nghiệp trở về địa phương. Vì vậy, nhu cầu tạo việc làm tại chỗ cho những đối tượng này trở lên cấp thiết.

Bên cạnh đó, việc triển khai cho vay theo Nghị định 28/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi còn hạn chế, một số văn bản hướng dẫn triển khai của các bộ, ngành thiếu tính đồng bộ.

Hơn nữa, mức cho vay đối với hỗ trợ về đất ở là 50 triệu đồng/hộ, hỗ trợ nhà ở là 40 triệu đồng/hộ theo Nghị định 28/2022/NĐ-CP chưa phù hợp so với tình hình thực tế và giá cả thị trường hiện nay.

Một số khách hàng vay vốn cũng cho rằng, nguồn vốn cho vay và hỗ trợ theo các chương trình thuộc Nghị quyết 43 và Nghị quyết 11 vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân.

Theo ông Lê Hồng Phong, Hiệu trưởng Trường Mầm non Phong Lan (thị trấn Quảng Phú, huyện Cư M'gar), nhà trường được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Cư M'gar cho vay 100 triệu đồng theo Nghị quyết 11 để sửa chữa khu vui chơi cho trẻ. Gói vay đã phần nào giúp trường ổn định hơn khi hoạt động trở lại.

Tuy nhiên, cũng như nhiều cơ sở mầm non tư thục khác, dịch COVID-19 đã gây những tổn thất nặng nề về kinh tế cho trường. Trong thời gian nghỉ dịch, nhà trường vẫn phải hỗ trợ lương, đóng bảo hiểm cho giáo viên... nên nhu cầu vay vốn của nhà trường là rất lớn. Vì vậy, nhà trường mong rằng có thể vay vốn được nhiều hơn để có thể phục hồi sau dịch và mở rộng, phát triển hơn nữa.

Khả Lê


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.