Multimedia Đọc Báo in

Cần một "chữ tín"!

09:34, 07/04/2024

Vụ mùa sầu riêng năm 2022, Đắk Lắk là tỉnh đầu tiên xuất khẩu lô hàng chính ngạch theo Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả sầu riêng xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc.

Đây không chỉ là niềm hân hoan của bà con nông dân và cộng đồng doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng trên cả nước mà còn là thời cơ để sầu riêng Đắk Lắk vươn ra biển lớn, bắt đầu hành trình chinh phục người tiêu dùng tại thị trường lớn nhất thế giới.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan lúc ấy đã nhấn mạnh: “Lô sầu riêng đầu tiên xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc không phải đích đến cuối cùng, mà chỉ là những bước bắt đầu cho hành trình phát triển ngành hàng sầu riêng chuyên nghiệp, minh bạch, trách nhiệm, với tất cả các khâu, các quy trình đều được chuẩn hóa”.

Người dân huyện Krông Pắc thăm vườn sầu riêng. Ảnh tư liệu: Thế Hùng
Người dân huyện Krông Pắc thăm vườn sầu riêng. Ảnh tư liệu: Thế Hùng

Với tinh thần đó, những tác nhân của ngành hàng từ các cơ quan chức năng, địa phương đến doanh nghiệp, nông dân đã nhanh chóng bắt tay vào cuộc kiến thiết lại ngành hàng theo chuẩn xuất khẩu. Tuy nhiên, bước sang năm thứ hai thực hiện Nghị định thư, giá sầu riêng tăng cao, người người “nhảy vào” khuấy đảo thị trường, kéo theo tình trạng loạn giá, "bẻ cọc", "bẻ kèo"... Những kỳ vọng để “chuẩn hóa” ngành hàng theo lộ trình phát triển bền vững gần như bế tắc, lúng túng khi bao nhiêu nỗ lực xây dựng chuỗi liên kết để phát triển vùng trồng bị "đứt gãy" vì nông dân không tuân thủ “luật chơi”, rời bỏ sự hợp tác để bị cuốn vào “ma trận” của giá thị trường .

Các doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng đã rất bức xúc khi vào đầu vụ 2023, họ đã bỏ rất nhiều tiền cũng như cho nhân viên xuống từng hộ dân để hướng dẫn kỹ thuật, hoàn thiện hồ sơ mã vùng trồng, hỗ trợ vốn sản xuất cho nông dân… Đến lúc thu hoạch, doanh nghiệp thỏa thuận giá, ký hợp đồng thu mua với người dân và đợi đến đợt sẽ xuống vườn cắt. Thế nhưng khi thị trường biến động, các thương lái, đơn vị thu mua khác trả giá cao hơn thì có không ít hộ liên kết đã "quay xe", đơn phương phá bỏ hợp đồng. Hoặc có hộ thì bán hết hàng loại một, chỉ để lại trái xấu yêu cầu doanh nghiệp thu mua theo hợp đồng… Điều này đã làm ảnh hưởng rất lớn đến các đơn hàng xuất khẩu, cũng như uy tín của doanh nghiệp.

Việc “tham bát bỏ mâm” của không ít nông dân trong vụ mùa 2023 đã để lại hệ lụy không nhỏ cho vụ năm 2024. Khi mà ngay đầu vụ, nhiều hợp tác xã, địa phương trồng sầu riêng tổ chức hội nghị mời các doanh nghiệp xuất khẩu tham dự ký kết để tiêu thụ sản phẩm. Thế nhưng, các doanh nghiệp đến không nhiều và rất e dè, không mặn mà ký kết hợp tác trong vụ mới. Có doanh nghiệp thẳng thắn bày tỏ rằng, họ rất muốn liên kết với nông dân lâu dài để tạo vùng nguyên liệu bền vững. Tuy nhiên, họ chỉ liên kết với những nông dân biết tôn trọng "chữ tín", phải thực sự chung sức chung lòng với doanh nghiệp để cùng đi lên, cùng chia sẻ lợi ích và rủi ro…

Những động thái trên của doanh nghiệp cho thấy hành trình phát triển ngành hàng sầu riêng chuyên nghiệp, minh bạch, trách nhiệm mà nền nông nghiệp của Đắk Lắk cũng như Việt Nam đang hướng tới sẽ rất gian nan bởi sự “bất tín” này. Và nông dân cũng sẽ đối diện với nhiều thách thức về ổn định đầu ra cho sản phẩm, khi mà diện tích, sản lượng sầu riêng năm 2024 và những năm tới đang tăng lên rất nhiều. Nếu người trồng sầu riêng vẫn không sẵn sàng đưa mình vào “khuôn khổ” trong chuỗi liên kết thì sẽ gánh chịu nhiều rủi ro trong sản xuất.

Minh Thuận


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.