Multimedia Đọc Báo in

Đừng để “giật mình” vì… cái thẻ

11:54, 05/04/2024

Thẻ tín dụng là một phương tiện thanh toán tiện ích, đang ngày càng phổ biến, góp phần thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt. Tuy nhiên, vụ lùm xùm nợ thẻ tín dụng 8,5 triệu đồng quên trả sau 11 năm thành món nợ 8,8 tỷ đồng ở một ngân hàng mới đây đã khiến nhiều người “giật mình”.

Về bản chất, thẻ tín dụng là loại thẻ được cấp bởi các đơn vị tài chính hoặc tổ chức tín dụng, cho phép chủ thẻ thực hiện giao dịch với hạn mức tín dụng nhất định. Nói cách khác, khi không có sẵn tiền thì chủ thẻ tín dụng vẫn có thể chi tiêu và thanh toán lại cho ngân hàng sau. Ở Việt Nam, thẻ tín dụng đã từng mang đến một làn gió mới cho thị trường tài chính và cho đến nay vẫn được yêu thích bởi các ưu điểm của nó. Xét cho cùng, đây vẫn là phương thức hiện đại, tạo nên một trong những xu hướng thanh toán trong giai đoạn hiện tại và cả tương lai.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Bên cạnh những tiện ích mang lại, điều khiến thẻ tín dụng trở nên phổ biến là do những năm gần đây, các ngân hàng tập trung đẩy mạnh phát triển thẻ tín dụng, nhiều ngân hàng còn chọn gia tăng thị phần thẻ tín dụng là mảng kinh doanh cốt lõi. Thế nhưng vấn đề ở chỗ, trong một thời gian dài, cuộc đua mở, phát hành thẻ tín dụng của các ngân hàng thương mại khiến việc mở thẻ diễn ra tràn lan mà thiếu những tiêu chuẩn quản lý phù hợp. Trước áp lực chỉ tiêu, chuyên viên ngân hàng mở thẻ cho khách bằng mọi cách mà không quan tâm đến nhu cầu thực tế của khách hàng, nhiều trường hợp lại bị “ép” mở thẻ khi vay vốn mà không có sự tư vấn kỹ lưỡng. Hay đơn giản, nhiều người mở thẻ tín dụng chỉ để "ủng hộ" người quen chạy chỉ tiêu cũng không phải là hiếm. Cũng bởi việc mở thẻ tín dụng quá dễ nên người dùng hầu như cũng không tìm hiểu sâu những nội dung liên quan. Điều đó dẫn đến một thực tế là tình trạng một người sở hữu nhiều thẻ tín dụng mà không sử dụng đến là rất phổ biến.

Nếu chỉ dừng lại ở đó thì việc phổ biến thẻ tín dụng cũng là điều bình thường, điều đáng nói là những vấn đề phát sinh sau mỗi tấm thẻ. Với thẻ tín dụng, có nhiều loại phí phổ biến như: phí thường niên, phí rút tiền mặt, phí chậm thanh toán, phí vượt hạn mức tín dụng… Hiện nay, khoản phí mà nhiều người có thẻ tín dụng “lơ là” nhất là phí quản lý tài khoản và phí duy trì tài khoản (áp dụng với những tài khoản lâu ngày không hoạt động, thường từ 6 tháng trở lên). Thông thường, các ngân hàng sẽ chủ động rà soát khách hàng không giao dịch trong một thời gian nhất định để hủy thẻ, khóa tài khoản. Tuy nhiên, không phải ngân hàng nào và bất kỳ trường hợp khách hàng nào cũng vậy. Nhiều ngân hàng không thực hiện thông báo đến khách hàng những loại phí và dư nợ, lãi suất phát sinh của thẻ mà cứ “âm thầm” thực hiện thu các khoản phí, khiến không ít khách hàng "tá hỏa" khi tài khoản "bốc hơi" tiền triệu sau thời gian dài không giao dịch, thậm chí là phải chịu những khoản nợ “trên trời” mà điển hình nhất là vụ việc nợ thẻ tín dụng 8,5 triệu đồng quên trả sau 11 năm thành món nợ 8,8 tỷ đồng vừa qua.

Với những vấn đề phát sinh trên thực tế liên quan đến thẻ tín dụng, mới đây Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tăng cường kiểm soát, giám sát hoạt động phát hành và sử dụng thẻ tín dụng để minh bạch, lành mạnh hóa thị trường. Ngoài việc phải công khai, cung cấp đầy đủ thông tin cho khách hàng các loại phí, lãi suất, công bố rõ các quy định, điều khoản trong giao dịch thẻ tín dụng, các ngân hàng khi phát hiện những vấn đề bất thường trong việc sử dụng thẻ của khách hàng phải chủ động thông tin đến chủ tài khoản và phối hợp với các bên liên quan có biện pháp xử lý kịp thời. Qua đó, bảo đảm không ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của khách hàng và tổ chức phát hành thẻ.

Tuy nhiên, để tránh những rắc rối liên quan đến thẻ tín dụng và nhất là không bị trừ phí dịch vụ với các tài khoản và thẻ không sử dụng, chủ thẻ nên chủ động gọi đến ngân hàng để rà soát, hỏi rõ các loại phí phải trả. Đồng thời, nếu tài khoản, thẻ không có nhu cầu sử dụng, khách hàng nên chủ động đóng để tránh tình trạng tính phí qua nhiều năm. Nếu có nhu cầu sử dụng thẻ tín dụng, nên đăng ký trích trả nợ thẻ tín dụng tự động và đặt lịch nhắc nhở thanh toán nợ đúng hạn.

Giang Nam


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.