Nâng cấp Cảng hàng không Buôn Ma Thuột thành cảng hàng không quốc tế:
Kỳ vọng đột phá trong phát triển
Mới đây, UBND tỉnh Đắk Lắk tiếp tục kiến nghị đưa Cảng hàng không (CHK) Buôn Ma Thuột vào quy hoạch CHK quốc tế.
Kỳ vọng tạo hấp lực thu hút đầu tư
Việc nâng cấp CHK Buôn Ma Thuột trở thành CHK quốc tế được xem là một trong những yếu tố then chốt để thu hút thêm đầu tư vốn nước ngoài và tiếp tục tăng trưởng kim ngạch thương mại, công nghiệp và xuất nhập khẩu của địa phương.
Vượt qua những khó khăn sau dịch COVID-19, Đắk Lắk tiếp tục dẫn đầu khu vực Tây Nguyên về kim ngạch xuất khẩu, khi thu về 1,61 tỷ USD trong năm 2023 (tăng 0,9% so với năm 2022). Đồng thời cách biệt không quá xa địa phương đứng top 4 khu vực miền Trung – Tây Nguyên là Khánh Hòa (1,75 tỷ USD) trong năm vừa qua.
Duy trì các thị trường xuất khẩu truyền thống và tìm kiếm, phát triển thị trường mới, Đắk Lắk đặt mục tiêu trong năm 2024 sẽ vượt cột mốc 1,6 tỷ USD. Mục tiêu này hoàn toàn khả thi với những thông tin về lĩnh vực công nghiệp và xuất khẩu trong quý I/2024.
Lũy kế 3 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh ước đạt 495 triệu USD, bằng 30,9% kế hoạch, tăng 29,1% so với cùng kỳ năm trước. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh như cà phê, hạt tiêu, hạt điều cũng đang có những dấu hiệu tăng trưởng tốt khi giá các mặt hàng xuất khẩu đang tiếp tục tăng...
Việc quy hoạch Cảng hàng không Buôn Ma Thuột thành cảng hàng không quốc tế sẽ tạo động lực thu hút vốn FDI cho Đắk Lắk. |
Trung tâm Xúc tiến đầu tư (Sở Kế hoạch và Đầu tư Đắk Lắk) cho biết, riêng giai đoạn 2021 - 2023, trên địa bàn tỉnh thu hút được 57 dự án với số vốn đầu tư đăng ký khoảng 29.000 tỷ đồng. Số dự án thu hút giai đoạn 2021 – 2023 giảm so với các giai đoạn trước là do một số nguyên nhân: Hạ tầng chưa được đầu tư hoàn chỉnh, đồng bộ, gây khó khăn cho việc vận chuyển và tiêu thụ sản phẩm, giảm tính kết nối giữa vùng nguyên liệu và nhà máy, làm tăng giá thành, giảm tính cạnh tranh của sản phẩm. Từ đó ảnh hưởng đến công tác kêu gọi đầu tư của tỉnh.
Để phát huy được thế mạnh sẵn có của địa phương, Trung tâm Xúc tiến đầu tư tập trung đề xuất các giải pháp; trong đó tập trung nguồn lực đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại đáp ứng nhu cầu kết nối giao thông giữa Đắk Lắk, các tỉnh Tây Nguyên với các tỉnh Duyên hải miền Trung, miền Đông Nam Bộ và quốc tế.
Đặc biệt đẩy mạnh tiến độ đầu tư các công trình, dự án trọng điểm để thúc đẩy liên kết vùng như: đường cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, đường vành đai phía đông TP. Buôn Ma Thuột, nhất là nâng cấp CHK Buôn Ma Thuột thành CHK quốc tế…
Thêm động lực phát triển đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên
Kết luận số 67-KL/TW, ngày 16/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP. Buôn Ma Thuột đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định: Trung ương và địa phương ưu tiên đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại. Trong đó, ngoài các tuyến giao thông đường bộ đối nội, đối ngoại, sẽ ưu tiên phát triển CHK Buôn Ma Thuột thành CHK quốc tế.
Tuy nhiên, tại Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống CHK, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, CHK Buôn Ma Thuột lại không có trong hệ thống 14 CHK quốc tế của cả nước.
Đường Võ Nguyên Giáp kết nối Cảng hàng không Buôn Ma Thuột vào khu vực trung tâm thành phố. |
Được biết, trong năm 2023, CHK Buôn Ma Thuột đã đón hơn 1,4 triệu lượt hành khách, với 8.559 lượt tàu bay cất và hạ cánh. Vừa khai thác các đường bay từ TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Nghệ An và Hải Phòng, CHK Buôn Ma Thuột cũng vận chuyển hàng hóa rất lớn, như thời điểm trước đại dịch là khoảng 6.634 tấn (năm 2019).
Dự báo trong thời gian tới, CHK Buôn Ma Thuột sẽ tăng trưởng nhanh về số lượng hành khách và hàng hóa khi thu hút khoảng 5 triệu hành khách/năm và 7 triệu hành khách/năm lần lượt trong giai đoạn 2030 - 2050. Do đó, việc đầu tư nâng cấp hạ tầng CHK Buôn Ma Thuột và trở thành CHK quốc tế để đáp ứng nhu cầu đi lại, phát triển kinh tế - xã hội là cực kỳ cần thiết.
Đánh giá về việc này, ông Trần Trọng Vũ, người sáng lập SPE.R (đơn vị nghiên cứu thị trường bất động sản khu vực miền Trung – Tây Nguyên) phân tích: “Muốn kích thích du lịch và kinh tế thì không thể thiếu hạ tầng đường hàng không được, nhất là khi Đắk Lắk đang đẩy mạnh thu hút đầu tư FDI cũng như tăng giá trị thương mại các sản phẩm nông nghiệp của địa phương.
Về quy hoạch tổng thể, TP. Buôn Ma Thuột còn được định hướng phát triển thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên và đầu tàu về phát triển kinh tế cũng như thu hút vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài. Rõ ràng, việc nâng cấp CHK Buôn Ma Thuột thành CHK quốc tế là điều hoàn toàn hợp lý”.
Thạch Tuấn
Ý kiến bạn đọc