Multimedia Đọc Báo in

Nhớ những ngày thi công công trình thủy điện lớn đầu tiên ở Tây Nguyên

09:49, 29/04/2024

LTS: Được khởi công xây dựng đúng vào ngày kỷ niệm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước cách đây 40 năm, Nhà máy Thủy điện Dray H’linh là công trình thủy điện lớn đầu tiên trên Tây Nguyên, đã mang ánh điện đến các buôn làng vùng ven Buôn Ma Thuột.

Công trình này đã ghi dấu ấn của những người lính Sư đoàn 470 anh hùng. Báo Đắk Lắk trân trọng giới thiệu bài viết của Đại tá Lê Xuân Bá, nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 470 kể về những năm tháng gian khổ thi công công trình này…

Nhà máy Thủy điện Dray H'linh được Bộ Năng lượng thiết kế 3 tổ máy, mỗi tổ máy 4.000 kW, tổng công suất 12.000 kW - là nhà máy thủy điện lớn nhất được xây dựng ở Tây Nguyên lúc bấy giờ.

Nhà máy thủy điện được xây dựng trên thác đá Dray H'linh, con thác có chiều dài hơn 500 m, cao 15 m; vị trí đặt nhà máy có chiều rộng trên 50 m, chiều dài trên 100 m, đào đá xuống độ sâu 22,5 m thi công 24 khoang đập tràn, mỗi khoang dài 20 m. Có thể nói đây là một công trình thi công ở nơi toàn đá; xa dân cư, bốn bề rừng núi, sông nước, đường đi lại chỉ có xe thô sơ của bà con đi làm nương rẫy. Đó là chưa kể vào những năm 1980, bọn FULRO hoạt động chống phá rất mạnh.

Với muôn vàn khó khăn như vậy, không có đơn vị nào thuộc ngành điện nhận thi công. Tôi được Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk mời lên gặp đồng chí Bí thư Y Ngông Niê Kdăm. Đồng chí nói: Đắk Lắk đang thiếu điện trầm trọng, ngành điện không đơn vị nào nhận thi công do nhiều khó khăn, đơn vị đồng chí là đơn vị anh hùng, quân đội anh hùng, quân đội không làm thì ai làm? Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy động viên giao nhiệm vụ về báo cáo lãnh đạo chỉ huy Sư đoàn 470 (Binh đoàn 12), động viên cán bộ, chiến sĩ đồng tâm nhất trí vượt qua mọi khó khăn đảm nhận thi công công trình này.

Đoàn cán bộ Sư đoàn 470 trực tiếp thi công công trình Nhà máy Thủy điện Dray H'linh thăm lại công trình sau 17 năm. Ảnh tư liệu

Ngày 30/4/1984, đúng vào dịp kỷ niệm 9 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, Bí thư Tỉnh ủy Y Ngông Niê Kdăm đọc diễn văn phát lệnh khởi công Nhà máy Thủy điện Dray H’linh; Thiếu tướng Phan Quang Tiệp, Tư lệnh Binh đoàn 12 phát biểu quyết tâm, phát lệnh nổ mìn ra lệnh khởi công nhà máy trong sự mừng vui hoan nghênh của đông đảo quân dân…

Ngay sau khi lễ khởi công, Trung đoàn 4 - đơn vị chủ lực thi công công trình thủy điện Dray H’linh đã chuẩn bị mặt bằng thi công ngay các hạng mục đê quây thượng lưu, đê quây dọc và các hạng mục khác. Hố móng nhà máy nơi lắp đặt toàn bộ thiết bị, theo thiết kế có chiều rộng 50 m, chiều dài 100 m, chiều sâu 22,5 m; phải đào vận chuyển 62.000 m3 đá ra khỏi hố móng. Thi công công trình thủy điện Dray H’linh có nhiều khó khăn phức tạp, phải nổ mìn phá đá trong diện tích hẹp, hiện trường bao bọc ba phía là sông Sêrêpốk nên việc đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người, xe máy là một yêu cầu nghiêm ngặt, kế hoạch phải tỉ mỉ thống nhất trên toàn công trường. Trung đoàn 4 đã phát động phong trào thi đua tuổi trẻ 3 xung kích, chiến dịch 45 ngày đêm vượt trước mùa mưa lũ đảm bảo an toàn thi công hố móng nhà máy. Bằng nỗ lực quyết tâm cao cải tiến cách thức chỉ đạo nên khối lượng đào đá tăng nhanh từ 30 m3/ngày lên 60 m3 rồi 80 m3/ngày; trong vòng 18 tháng làm việc liên tục, đến ngày 25/12/1985, Trung đoàn 4 đã hoàn thành đào hố móng theo đúng thiết kế, đã đào đá vận chuyển ra khỏi hố móng trên 62.000 m3, vượt kế hoạch 5 ngày, góp phần quan trọng để đến cuối tháng 10/1989 tổ máy số 1 vận hành phát điện.

Do hoàn thành nhiệm vụ đặc biệt xuất sắc thi công công trình thủy điện Dray H’linh, Sư đoàn 470 đã vinh dự được Đảng, Nhà nước tuyên dương đơn vị Anh hùng lao động vào ngày 29/11/1990.

Song song đào hố móng là tiến hành xây dựng 24 khoang đập tràn qua sông, tổng chiều dài 24 khoang đập tràn là 480 m, đổ 3.600 m3 bê tông, khai thác 5.700 m3 đá hộc để lấp sông, đúc 40 cục bê tông với khối lượng 9 tấn/cục. Bằng tinh thần quyết tâm cao của các cán bộ, chiến sĩ, vào ngày 5/2/1990, việc lấp sông đã hoàn tất, các hạng mục thi công đảm bảo chất lượng vượt trước thời gian, góp phần để tổ máy số 2 phát điện đúng ngày sinh nhật thứ 100 của Chủ tịch Hồ Chí Minh và sau đó 5 tháng vào ngày 15/10/1990 tổ máy số 3, tổ máy cuối cùng của Nhà máy Thủy điện Dray H’linh chính thức vận hành.

Ngày 28/12/1990, Sư đoàn 470 chính thức bàn giao các hạng mục công trình cho cơ quan chủ quản tỉnh Đắk Lắk.

Suốt 6 năm thi công, những người lính Sư đoàn 470 đã bám trụ kiên cường, vượt nắng thắng mưa, bền bỉ ngày đêm lao động quên mình trên công trường, khắc phục mọi khó khăn, thiếu thốn để hoàn thành 14 hạng mục chính, 40 hạng mục phụ trợ; đã đào 302.432 m3 đá, đổ 38.831 m3 bê tông, gia công 1.429 tấn cốt thép, khai thác 27.213 m3 cát, sản xuất 20.727 m3 đá dăm, sản xuất 700 m3 ván cốt pha, sản xuất 5.700 m3 đá hộc lấp sông, đúc 40 cục bê tông mỗi cục nặng 9 tấn.

Tổ máy phát điện nhà máy Thủy điện Dray H'linh thời điểm năm 1990. Ảnh tư liệu

Hơn 2.000 ngày đêm lao động quên mình, bằng mồ hôi công sức của hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ, trong đó có 13 cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh, Sư đoàn 470 đã chinh phục được dòng sông Sêrêpốk làm nên công trình thủy điện lớn đầu tiên ở Tây Nguyên. Từ đây, ánh sáng của thủy điện Dray H'linh đã tỏa sáng về Buôn Ma Thuột, về với đồng bào các dân tộc ở các buôn làng vùng ven thành phố; góp phần rất quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh - quốc phòng, nâng cao đời sống nhân dân tỉnh Đắk Lắk.

 Đại tá Lê Xuân Bá 

Nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 470


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.