Sản phẩm OCOP khi vươn ra "biển lớn"
Cùng với khẳng định về chất lượng và mẫu mã, sự kết nối của các sở, ngành liên quan, sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) của Đắk Lắk đã được tiêu thụ rộng khắp cả nước bằng nhiều kênh phân phối.
Nhiều sản phẩm đã xuất khẩu ra thị trường thế giới và trở thành "đại sứ" mang thông điệp của xứ sở Tây Nguyên đến với người tiêu dùng toàn cầu.
Phát huy giá trị sản phẩm vùng miền
Chương trình OCOP Đắk Lắk đang tạo ra “sân chơi” để các sản phẩm nông nghiệp nông thôn phát huy lợi thế tài nguyên, văn hóa vùng miền. Đặc biệt, những sản phẩm này được nhiều khách hàng tin dùng, từng bước khẳng định giá trị, uy tín trên thị trường.
Tiêu biểu như sản phẩm OCOP tiềm năng 5 sao Hạt mắc ca Đắk Lắk cao cấp của Công ty Cổ phần Damaca Nguyên Phương (huyện Krông Năng). Đây là sản phẩm đặc trưng của vùng đất Krông Năng – nơi trồng cây mắc ca đầu tiên của Việt Nam.
Từ năm 2016, nhận thấy tiềm năng của loại trái được mệnh danh là “Nữ hoàng quả khô”, bà Nguyễn Thị Thu Phương, Giám đốc Công ty Cổ phần Damaca Nguyên Phương đã khởi nghiệp với sản phẩm này, áp dụng quy trình sản xuất khép kín để tạo ra sản phẩm thơm ngon, chất lượng.
Sau khi đưa ra thị trường, sản phẩm đã dần khẳng định được thương hiệu và đã có mặt tại tất cả các tỉnh thành trong cả nước, đồng thời xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Nhật Bản.
Ông Hoàng Mạnh Cường, Giám đốc Công ty TNHH MTV Kiên Cường giới thiệu về sản phẩm Cà phê chồn Kiên Cường. |
Từ năm 2021, sản phẩm Hạt mắc ca Đắk Lắk cao cấp đã đạt chứng nhận OCOP 4 sao. Sau ba năm, vượt qua nhiều vòng đánh giá khắt khe, hiện sản phẩm được đánh giá lại với số điểm tuyệt đối 100/100 điểm, và trở thành sản phẩm tiềm năng 5 sao của tỉnh.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Phương, năm 2024, bên cạnh nâng cao chất lượng, doanh nghiệp tiếp tục chú trọng quảng bá giới thiệu sản phẩm ra các thị trường xuất khẩu tiềm năng như Trung Quốc và một số nước Ả Rập, với hy vọng được thị trường lớn và ổn định.
Hay như sản phẩm Cà phê chồn Kiên Cường của Công ty TNHH MTV Kiên Cường (TP. Buôn Ma Thuột). Đây là thương hiệu cà phê độc đáo ở Đắk Lắk, sản phẩm được sản xuất, chế biến nhờ vào các enzym có trong hệ tiêu hóa của con chồn hương (cầy vòi hương) mà không bị pha trộn phụ gia hoặc can thiệp bằng bất kỳ một loại hương liệu, hóa dược công nghiệp nào.
Theo ông Hoàng Mạnh Cường, Giám đốc Công ty TNHH MTV Kiên Cường, hiện môi trường sống của chồn hương đang bị thu hẹp dần, số cá thể còn tồn tại ngày càng ít đi, Cà phê chồn Kiên Cường được sản xuất trong quá trình nuôi dưỡng bán tự nhiên và bảo tồn loài động vật này.
Sản phẩm có chất lượng ổn định nhờ được kiểm soát, quản lý từ con giống, thức ăn, điều kiện vệ sinh cho đến việc chúng ăn quả cả phê và thu lượm đều theo một quy trình rõ ràng, chính xác qua các công đoạn về thời gian, sơ chế, bảo quản...
Tuy nhiên, con chồn hương là loài ăn tạp, cà phê chỉ là loại thức ăn bổ sung chiếm một phần rất ít trong nhóm thức ăn của chúng và số lượng trái được ăn còn tùy thuộc vào nhu cầu của từng cá thể.
Bởi vậy, bình quân mỗi năm, doanh nghiệp chỉ thu về được khoảng 400 kg cà phê chồn thành phẩm (trong quy mô gần 4 ha cà phê, với trên dưới 100 con chồn hương) và được tiêu thụ chủ yếu ở các trị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc… với giá 10 triệu đồng/kg.
Tỉnh đã chỉ đạo triển khai một cách đồng bộ từ cấp tỉnh đến cơ sở, đẩy mạnh truyền thông, hỗ trợ các chủ thể tích cực tham gia chương trình theo đúng chu trình OCOP, không chạy theo thành tích nhằm đảm bảo các sản phẩm khi được đánh giá đạt sao phải có chất lượng và được thị trường tiếp nhận". Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thiên Văn
|
Sau ba năm đạt chứng nhận OCOP 4 sao, năm 2024 sản phẩm Cà phê chồn Kiên Cường đã nằm trong danh mục sản phẩm tiềm năng 5 sao của Đắk Lắk để cử đi đánh giá cấp Trung ương.
Cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do
Đắk Lắk hiện đã có 237 sản phẩm OCOP đạt từ 3 - 4 sao (tăng 152 sản phẩm so với năm 2022) của 90/184 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh.
Trong số 143 chủ thể sản phẩm OCOP thì doanh nghiệp chiếm 47%, hợp tác xã chiếm 19% và cơ sở sản xuất/hộ kinh doanh chiếm 34%.
Trong đó nhiều sản phẩm có tiềm năng nâng hạng có thể tận dụng tốt cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) mà Việt Nam đang là thành viên để tiếp cận và tiêu thụ tại thị trường quốc tế.
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực OCOP, cơ hội tiếp cận thị trường quốc tế, nhất là các nước châu Âu đối với sản phẩm OCOP của tỉnh Đắk Lắk khá lớn.
Tuy nhiên, sản phẩm OCOP của Đắk Lắk cũng sẽ đối diện với những thách thức khi tiếp cận thị trường châu Âu như: Việc đáp ứng quy tắc xuất xứ để hưởng ưu đãi thuế quan; các tiêu chuẩn an toàn, kiểm soát động thực vật; việc tuân thủ những quy định về sở hữu trí tuệ, lao động và môi trường…
Do đó, tỉnh cần tăng cường tính chủ động từ cấp chính quyền địa phương đến chủ thể OCOP trong tiếp cận, tận dụng, khai thác những cơ hội mà các FTA mang lại cho sản phẩm OCOP của địa phương; định hướng mục tiêu tiếp cận thị trường ngay từ khi xây dựng sản phẩm OCOP để cải thiện và đáp ứng các tiêu chuẩn, yêu cầu kỹ thuật của thị trường này.
Sản phẩm Hạt mắc ca Đắk Lắk cao cấp của Công ty Cổ phần Damaca Nguyên Phương tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh. |
Ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, đối với phát triển thị trường, đơn vị đang tích cực phối hợp với Sở Công Thương để đưa các sản phẩm nông sản của tỉnh, nhất là những sản phẩm đã đảm bảo các tiêu chuẩn, có thương hiệu để đưa ra thị trường quốc tế thông qua việc tổ chức các hội nghị xúc tiến thương mại, quảng bá giới thiệu sản phẩm ở các quốc gia trong khu vực và các nước có tiềm năng…
Minh Thuận
Ý kiến bạn đọc