Multimedia Đọc Báo in

"Có thực mới vực được đạo"

08:21, 29/05/2024

Thời gian qua, Nhà nước đã có những chính sách hỗ trợ, bố trí nguồn lực cho công tác quản lý, bảo vệ (QLBV) và phát triển rừng. Tuy nhiên, những chính sách hỗ trợ cho lĩnh vực này vẫn còn nhiều “nút thắt” cần tháo gỡ.

Trong giai đoạn 2021 - 2023, từ nguồn ngân sách nhà nước, tỉnh Đắk Lắk đã bố trí hơn 318 tỷ đồng (ngân sách tỉnh trên 300 tỷ đồng, ngân sách Trung ương trên 18,6 tỷ đồng) cho công tác QLBV rừng và phát triển rừng, đã được các đơn vị sử dụng đúng quy định.

Theo ông Nguyễn Minh Chí, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), hiện nay hầu hết các công ty lâm nghiệp hoạt động cầm chừng, chưa chủ động được nguồn kinh phí để hoạt động bảo vệ và phát triển rừng, cũng như các hoạt động kinh doanh khác, chủ yếu vẫn phụ thuộc vào nguồn ngân sách nhà nước.

Trong khi cơ chế, chính sách hỗ trợ bảo vệ rừng tự nhiên theo Quyết định số 38/2016/QĐ-TTg, ngày 14/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ rất thấp (150.000 đồng/ha/năm từ năm 2016 đến hết tháng 6/2019; từ tháng 7/2019 đến nay là 300.000 đồng/ha/năm); kinh phí hỗ trợ cho các xã làm công tác QLBV diện tích rừng tự nhiên được giao theo Quyết định số 07/2012/QĐ-TTg về ban hành một số chính sách tăng cường công tác bảo vệ rừng là 100.000 đồng/ha/năm.

Việc hỗ trợ này chỉ đáp ứng được khoảng 20 - 30% nhu cầu, dẫn đến không bảo đảm cuộc sống của cán bộ, công nhân viên của các công ty, trong khi thực tế nhiệm vụ QLBV rừng rất nặng nề. Điều này dẫn đến hệ lụy là công tác QLBV rừng bị buông lỏng, dẫn đến rừng bị xâm hại; cán bộ QLBV rừng, kể cả lãnh đạo quản lý các công ty lâm nghiệp cũng xin thôi việc…

Đoàn giám sát của HĐND tỉnh đi kiểm tra thực tế tại các tiểu khu do Công ty TNHH Chế biến thực phẩm và Lâm nghiệp Đắk Lắk quản lý. Ảnh: M. Thuận

Đối với nguồn tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR), mức chi trả đang chênh lệch rất lớn giữa các lưu vực nhà máy thủy điện với nhau (lưu vực có mức chi trả thấp nhất khoảng 2.000 đồng/ha; lưu vực cao nhất là 600.000 đồng/ha). Đây là một khó khăn lớn khi triển khai thực hiện công tác chi trả DVMTR, vì ảnh hưởng đến quyền lợi của người làm nghề rừng trong vùng.

 

“Cần xác định bảo vệ rừng là nhiệm vụ chung. Có những người rất tâm huyết và có trách nhiệm với công tác giữ rừng, bảo vệ rừng, nhưng cuộc sống quá khổ vì thu nhập thấp, vì vậy cần tăng định mức lên cho công tác quản lý, bảo vệ rừng” – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thiên Văn.

Trong khi đó, việc chi trả tiền DVMTR đối với các cơ sở nuôi trồng thủy sản; các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng chưa được thực hiện; một số chủ dự án, công trình có chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác đã được UBND tỉnh chấp thuận phương án nộp tiền trồng rừng thay thế về Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh, nhưng đến nay vẫn không thực hiện nộp đầy đủ số tiền trồng rừng thay thế phải nộp theo quy định…

Để tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị và đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, UBND tỉnh đã giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở NN-PTNT xây dựng kế hoạch tăng hỗ trợ kinh phí bảo vệ rừng tự nhiên từ 300.000 đồng/ha (theo quy định tại Quyết định số 38/2016/QĐ-TTg ngày 14/9/2016) lên 500.000 đồng/ha, trong đó phần tăng thêm 200.000 đồng/ha/năm trích từ nguồn ngân sách tỉnh.

Hiện nay, dự thảo đề nghị xây dựng nghị quyết của HĐND tỉnh về hỗ trợ kinh phí công tác QLBV rừng tự nhiên theo phương án trên đang được lấy ý kiến góp ý của các bộ, ngành và các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương. Sở NN-PTNT sẽ tiếp thu, chỉnh lý, bổ sung và hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị quyết hỗ trợ kinh phí công tác QLBV rừng tự nhiên từ ngân sách tỉnh, báo cáo UBND tỉnh trình HĐND tỉnh xem xét, quyết định.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thiên Văn nhấn mạnh, hiện Trung ương đã có văn bản tăng định mức, còn lại đối với địa phương, cần xem xét để đồng mức với Trung ương. Đối với những diện tích chưa chuyển đổi thành rừng đang nằm ở các công ty lâm nghiệp, tỉnh cần mạnh dạn bố trí kinh phí để các doanh nghiệp, hộ dân thực hiện đăng ký khoanh nuôi, bảo vệ để phát triển thành rừng. Vấn đề này tỉnh cần nghiên cứu để có giải pháp đồng bộ và thí điểm xây dựng mô hình.

Nguyễn Vũ - Cao Minh


Ý kiến bạn đọc