Multimedia Đọc Báo in

Đồng hành cùng thanh niên phát triển kinh tế

08:35, 24/05/2024

Thời gian qua, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện Lắk đã phát huy vai trò “cầu nối”, tạo điều kiện cho thanh niên địa phương tiếp cận nguồn vốn để vươn lên phát triển kinh tế.

Năm 2020, từ bỏ một công việc ở cơ quan nhà nước với mức lương ổn định, anh Y Xim Ndu (buôn Yuk La 1, xã Đắk Liêng) khởi nghiệp bằng cách xây dựng tour du lịch gắn liền với văn hóa, nông nghiệp địa phương.

Theo đó, tour sẽ bao gồm các hoạt động: dã ngoại, đi bộ leo núi tương tác nhiều với thế giới tự nhiên; khám phá thác Bìm Bịp, dãy núi Chư Yang Lắk; tham quan buôn làng người M’nông dưới chân núi; trải nghiệm làm gốm, thăm vườn ca cao ở Yang Tao; xem dệt thổ cẩm, đan gùi, ngắm hoàng hôn ở hồ Lắk; thưởng thức món ăn địa phương (canh tro, cà đắng, rượu cần…).

Tuy nhiên, do thiếu vốn nên anh không xây dựng được điểm tiếp đón du khách trải nghiệm tour du lịch của riêng mình mà phải liên kết với các cơ sở dịch vụ khác tại địa phương, dẫn đến phát sinh thêm chi phí đi lại, vận chuyển đạo cụ và để lại ấn tượng không tốt cho du khách khi đến trải nghiệm.

Bên trong nhà sàn của người M’nông được phục dựng nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách để làm điểm tiếp đón khách du lịch của anh Y Xim Ndu (buôn Yuk La 1, xã Đắk Liêng, huyện Lắk).

Tháng 12/2022, trở về từ Cuộc thi khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh tỉnh Đắk Lắk, anh Y Xim đã mạnh dạn vay 50 triệu đồng từ vốn tín dụng chính sách, cùng nguồn vốn tích cóp được để phục dựng ngôi nhà sàn theo truyền thống văn hóa của người M’nông làm nơi tiếp đón khách du lịch. Căn nhà có diện tích 55 m2, gồm sàn, bếp ăn, công trình phụ và phòng ngủ.

Sau khi nhà sàn hoàn thiện và đưa vào hoạt động, du khách có nơi nghỉ ngơi, ăn uống nên đỡ tốn chi phí đi lại, từ đó giá tour cũng giảm xuống 10% (từ 2 triệu đồng/người xuống 1,8 triệu đồng/người). Nhờ vậy, khách đặt tour du lịch của anh cũng tăng thêm khoảng 3 - 4 đoàn/tháng (mỗi đoàn trên 15 người).

Anh Y Xim bày tỏ: “Với người trẻ như tôi, giai đoạn đầu khởi nghiệp, tài chính là vấn đề quan trọng và cần thiết. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp tôi xây dựng tiền đề vững chắc trong thời điểm này. Thời gian tới, tôi rất mong muốn được vay thêm vốn để phát triển mảng lưu trú, mở rộng tour du lịch, thu hút nhiều du khách hơn”.

Trước kia, gia đình chị H’On Bin (buôn Krai, xã Bông Krang) là một trong những hộ khó khăn của địa phương. Vợ chồng chị kết hôn trong hoàn cảnh cả hai đều không có nhà cửa, ruộng rẫy, phải làm thuê để trang trải cuộc sống. Từ năm 2019 đến nay, nhờ được tiếp cận vốn vay từ Ngân hàng CSXH huyện thông qua tổ chức ủy thác Đoàn Thanh niên với số tiền 80 triệu đồng, gia đình chị đã phát triển mô hình nuôi bò sinh sản.

Ban đầu, từ nguồn vốn vay này, chị mua 3 con bò sinh sản và 3 sào đất trồng cỏ voi để làm nguồn thức ăn chăn nuôi. Nhờ cần cù, chịu khó, tích cực học hỏi biện pháp phòng ngừa các loại bệnh mà bò của gia đình chị sinh trưởng và phát triển tốt. Hiện tại, đàn bò của gia đình chị đã phát triển trên 10 con, trong đó có 5 con bò sinh sản. Từ mô hình nuôi bò sinh sản này, mỗi năm chị thu được từ 50 - 70 triệu đồng, giúp gia đình vươn lên thoát nghèo, tạo sinh kế ổn định và lâu dài.

Mô hình nuôi bò sinh sản của gia đình chị H’On Bin (buôn Krai, xã Bông Krang, huyện Lắk).

Không chỉ riêng anh Y Xim và chị H’On mà nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp nhiều thanh niên huyện Lắk có điều kiện phát triển sản xuất, kinh doanh, khởi nghiệp, tạo việc làm, góp phần làm giảm tỷ lệ thất nghiệp, tăng thu nhập, nâng cao đời sống.

Tính đến nay tổng dư nợ các chương trình đang thực hiện tại ngân hàng ủy thác qua Đoàn Thanh niên quản lý là hơn 90 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc tiếp cận vốn vay cho các thanh niên khởi nghiệp vẫn còn một số khó khăn.

Anh Phạm Ngọc Thắng, Bí thư Huyện Đoàn Lắk cho hay, một số thanh niên chưa lập gia đình còn ở chung với bố mẹ hoặc mới lập gia đình đã được chia đất, rẫy nhưng chưa tách sổ đỏ cũng không vay vốn được do chưa có tài sản thế chấp. Bên cạnh đó, hiện tại nhu cầu của thanh niên được vay vốn để phát triển rất lớn, nhưng nguồn lực thực hiện các chương trình tín dụng chính sách còn hạn chế.

Để hỗ trợ tốt hơn nữa cho thanh niên tiếp cận nguồn vốn phát triển kinh tế, ông Phạm Công Hùng, Phó Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Lắk cho biết, định kỳ hằng tháng và quý, đơn vị sẽ tiến hành họp đánh giá hoạt động ủy thác của các tổ chức để đưa ra biện pháp xử lý những tồn tại, từng bước củng cố và nâng cao chất lượng dịch vụ ủy thác và kịp thời chuyển tải chính sách tín dụng mới đến đối tượng vay. Đồng thời, Phòng giao dịch luôn sâu sát, thường xuyên phối hợp với Đoàn Thanh niên cơ sở hoàn thiện hồ sơ vay vốn để giải ngân kịp thời.

Khánh Huyền


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.