Multimedia Đọc Báo in

Gỡ khó cho các công trình giao thông trọng điểm

08:30, 10/05/2024

Các dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn tỉnh đang đối mặt với một số khó khăn trong quá trình triển khai. Chủ đầu tư đang trông chờ bộ, ngành, địa phương tìm giải pháp tháo gỡ nhằm bảo đảm tiến độ theo kế hoạch đề ra.

"Vướng" mặt bằng, bãi đổ thải

Khởi công xây dựng gần một năm nay, Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột giai đoạn 1 vẫn gặp nhiều khó khăn về thủ tục pháp lý liên quan đến bãi đổ thải, làm ảnh hưởng rất lớn đến việc huy động máy móc, nhân công của nhà thầu và tiến độ chung toàn dự án.

Tỉnh Đắk Lắk có Dự án thành phần 3 đi qua với chiều dài hơn 48 km, đến nay đã bàn giao được 44,5 km, còn lại khoảng 3,8 km chủ yếu là diện tích rừng hiện đang chờ chuyển đổi.

Theo ông Phan Xuân Bách, Phó Giám đốc phụ trách Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh (chủ đầu tư Dự án thành phần 3), khó khăn lớn nhất của dự án hiện nay là thiếu bãi đổ thải khiến tiến độ dự án đang bị ảnh hưởng. Ban đã có nhiều văn bản gửi Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu UBND tỉnh thống nhất vị trí bãi đổ thải nhưng đến nay các vướng mắc này vẫn chưa được giải quyết.

Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn tránh phía Đông TP. Buôn Ma Thuột gặp khó trong giải phóng mặt bằng đoạn đầu và cuối tuyến.

Hiện dự án chỉ đang thực hiện đổ tại 8 bãi thải (được UBND tỉnh chấp thuận tại Công văn số 4458/UBND-NNMT ngày 29/5/2023 về ý kiến thỏa thuận các vị trí bãi thải, trạm trộn, mỏ vật liệu phục vụ dự án). Trong đó, 4 bãi thải phù hợp với quy hoạch sử dụng đất của cấp huyện, còn lại 4 bãi thải đang chờ điều chỉnh kế hoạch, quy hoạch sử dụng đất của địa phương theo thủ tục hướng dẫn ở Công văn 4458.

Cuối tháng 4/2024, chủ đầu tư tiếp tục có văn bản đề nghị UBND tỉnh xem xét, chấp thuận 28 bãi đổ vật liệu không thích hợp (đất cấp I, II, III) để phục vụ thi công Dự án thành phần 3, các vị trí này đã thực hiện xong thủ tục thỏa thuận, thuê mượn đất của người sử dụng đất theo quy định về dân sự, thỏa thuận với địa phương về các thủ tục liên quan tới nguồn gốc đất, đảm bảo vệ sinh môi trường, hiện đang chờ UBND tỉnh chấp thuận.

Tương tự, đối với Dự án thành phần 2 do Ban Quản lý dự án 6, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) làm chủ đầu tư, hiện chủ đầu tư và nhà thầu đã thỏa thuận với người dân về vị trí đổ thải nhưng chưa có văn bản thống nhất từ cơ quan có thẩm quyền nên rất lúng túng, khó thực hiện.

Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn tránh phía Đông TP. Buôn Ma Thuột được Bộ GTVT phê duyệt chủ trương đầu tư với tổng mức đầu tư hơn 1.509 tỷ đồng, tổng chiều dài tuyến 39,606 km, hiện cũng gặp khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) khiến nhà thầu hạn chế trong thi công. Đến đầu tháng 5/2024, dự án vẫn còn 4,511 km chưa được bàn giao do nhiều nguyên nhân khác nhau. Cụ thể, tại huyện Cư M’gar đang chờ UBND huyện xây dựng đơn giá khu tái định cư. Còn tại TP. Buôn Ma Thuột đoạn qua xã Ea Kao còn 36 hộ chưa lập được phương án đền bù, hỗ trợ do chưa có giá đất cụ thể và 15 hộ hiện đang tiến hành lập phương án do gặp khó khăn vì giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp chồng lấn…

“Địa phương khác làm được, Đắk Lắk cũng phải làm được”

Mới đây, tại buổi làm việc với Đoàn công tác Bộ GTVT, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thiên Văn cho biết, để tháo gỡ khó khăn cho Dự án cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột, UBND tỉnh đã chỉ đạo sở, ngành liên quan giải quyết nhanh chóng các bước thủ tục, trong đó có thủ tục cấp phép, khối lượng, số lượng, phương tiện khai thác các mỏ vật liệu để phục vụ thi công dự án. Tuy nhiên, đối với bãi đổ thải tạm thời vẫn "vướng" các quy định của pháp luật nên UBND tỉnh đề nghị Bộ GTVT có hướng dẫn giải quyết. Liên quan đến chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, hiện nay cơ bản hoàn thành các thủ tục, còn thiếu phương án khai thác, tận thu lâm sản rừng trồng và rừng tự nhiên nên tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị liên quan hoàn thiện thủ tục để triển khai thực hiện.

Đoàn công tác của tỉnh do Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị làm Trưởng đoàn kiểm tra tình hình triển khai Dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột đoạn qua địa bàn huyện M'Drắk.

Về vướng mắc bãi đổ thải phục vụ dự án cao tốc, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị khẳng định, các thủ tục liên quan thuộc thẩm quyền của địa phương, các tỉnh thành khác làm được thì Đắk Lắk cũng phải làm được. Cán bộ phải chịu trách nhiệm trước nhân dân, trước Đảng để làm, còn không làm thì để người khác làm.

Đối với Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn tránh phía Đông TP. Buôn Ma Thuột, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu chủ đầu tư dự án tích cực phối hợp với đơn vị liên quan quyết liệt trong GPMB, trong đó chú trọng công tác tuyên truyền, vận động các hộ dân sớm bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư và nhà thầu. Đồng thời, đốc thúc các nhà thầu huy động tối đa nhân lực, thiết bị tập trung thi công, đảm bảo tiến độ dự án theo kế hoạch đề ra. UBND tỉnh Đắk Lắk cũng cam kết với Đoàn công tác Bộ GTVT giải quyết dứt điểm công tác GPMB dự án này để hoàn thành và đưa vào sử dụng chào mừng 120 năm thành lập tỉnh Đắk Lắk (22/11/1904 - 22/11/2024).

Trong khuôn khổ chuyến làm việc với tỉnh Đắk Lắk, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn đề nghị tỉnh xem xét, thống nhất các vị trí bãi đổ thải của Dự án cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột để đưa vào hồ sơ dự án nhằm triển khai các thủ tục tiếp theo. Đối với chủ đầu tư và các nhà thầu, khi có mặt bằng phải huy động nhân lực, máy móc, trang thiết bị, tăng ca, tăng kíp để đẩy nhanh tiến độ dự án. Đối với Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn tránh phía Đông TP. Buôn Ma Thuột, Thứ trưởng đề nghị tỉnh chỉ đạo các đơn vị liên quan sớm hoàn thiện công tác GPMB; đối với các đoạn đã hoàn thành cần rà soát, bổ sung hệ thống đèn tín hiệu, đảm bảo an toàn giao thông, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát thường xuyên, không để xảy ra tình trạng lấn chiếm hành lang đường bộ.

Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.