Multimedia Đọc Báo in

HĐND tỉnh giám sát việc sử dụng kinh phí quản lý, bảo vệ rừng tại huyện Lắk

17:23, 15/05/2024

Ngày 15/5, Đoàn giám sát của HĐND tỉnh đã giám sát việc sử dụng kinh phí quản lý, bảo vệ rừng và phát triển rừng giai đoạn 2021 – 2023 trên địa bàn huyện Lắk. Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Phú Hùng làm trưởng đoàn giám sát.

Huyện Lắk có 99.152,5 ha rừng và đất lâm nghiệp, trong đó, diện tích đất có rừng hơn 78.626 ha, độ che phủ rừng 61,92%. Các đơn vị chủ rừng là tổ chức nhà nước quản lý hơn 81.588 ha, các dự án được UBND tỉnh cho thuê đất sử dụng mục đích lâm nghiệp hơn 5.593 ha, rừng chưa có chủ hiện do UBND cấp xã quản lý 10.562 ha, còn lại giao cho các hộ gia đình.

Đoàn giám sát của HĐND tỉnh làm việc với UBND huyện Lắk
Đoàn giám sát của HĐND tỉnh làm việc với UBND huyện Lắk

Giai đoạn 2021 – 2023, kinh phí từ nguồn ngân sách Trung ương đã sử dụng cho công tác quản lý, bảo vệ rừng (QLBVR) trên địa bàn huyện Lắk là hơn 2,3 tỷ đồng, ngân sách tỉnh gần 6,8 tỷ đồng, kinh phí dịch vụ môi trường rừng 59,6 tỷ đồng, doanh nghiệp đầu tư 56,9 tỷ đồng và kinh phí từ trồng rừng thay thế 1,4 tỷ đồng.

Nguồn vốn từ các chương trình góp phần hỗ trợ cho các hộ nhận khoán bảo vệ rừng. Tuy nhiên, kinh phí đầu tư cho lĩnh vực lâm nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, chế độ đãi ngộ cho lực lượng giữ rừng chuyên trách còn thấp, trong khi nhiệm vụ nặng nề. Một số đơn vị còn lúng túng trong việc sử dụng, giải ngân kinh phí quản lý, bảo vệ rừng và phát triển rừng dẫn đến bị tồn đọng.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Lắk Võ Thành Huệ phát biểu tại buổi giám sát
Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Lắk Võ Thành Huệ phát biểu tại buổi giám sát

Huyện Lắk kiến nghị Trung ương hoàn thiện chính sách đầu tư bảo vệ, phát triển rừng, chế biến và thương mại lâm sản; có chính sách ưu đãi để thu hút và giữ chân nhân lực bảo vệ rừng. Đối với tỉnh, cần sớm có nghị quyết về hỗ trợ kinh phí quản lý, bảo vệ rừng tự nhiên từ nguồn ngân sách tỉnh; đồng thời, cho chủ trương thành lập Ban lâm nghiệp xã để tạo điều kiện cho lực lượng bảo vệ rừng cớ sở hoàn thành nhiệm vụ.

Đoàn giám sát đề nghị địa phương giải trình, làm rõ một số nội dung như: quá trình triển khai các văn bản, quy định của Trung ương có vướng mắc hay không; hiệu quả các chính sách của Trung ương, địa phương về QLBVR trên địa bàn huyện; đánh giá về diện tích rừng thực tế so với diện tích được chi trả kinh phí quản lý bảo vệ; tiếp cận nguồn vốn vay để trồng rừng; công tác giám sát việc trồng rừng thay thế; sử dụng nguồn chi trả dịch vụ môi trường rừng như thế nào…

Đoàn giám sát thực tế tại Ban quản lý Rừng Lịch sử - Văn hoá - Môi trường Hồ Lắk
Đoàn giám sát thực tế tại Ban quản lý Rừng Lịch sử - Văn hoá - Môi trường Hồ Lắk

Phát biểu tại buổi giám sát, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Phú Hùng nhấn mạnh, huyện Lắk đã triển khai kịp thời các văn bản của Trung ương, tỉnh liên quan đến sử dụng kinh phí quản lý, bảo vệ rừng và phát triển rừng. Việc sử dụng kinh phí QLBVR giai đoạn 2021 – 2023 cơ bản đúng nội dung, hạng mục quy định.

Tuy nhiên, nguồn hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước còn hạn chế, gây khó khăn cho công tác QLBVR; kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 (Chương trình 1719) chưa giải ngân được.

Thời gian tới, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Phú Hùng đề nghị huyện Lắk cần tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao hiệu quả công tác QLBVR; kiện toàn lực lượng kiểm lâm, lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng tại các chủ rừng, nâng cao vai trò của chủ rừng, cấp uỷ, chính quyền địa phương để giữ rừng tận gốc; đồng thời, tham mưu, xử lý những tồn tại hạn chế trong sử dụng đất có nguồn gốc lâm trường.

Trong chương trình giám sát, đoàn giám sát của HĐND tỉnh đã thị sát về công tác QLBVR, giao khoán bảo vệ rừng tại một Ban Quản lý Rừng Lịch sử - Văn hoá – Môi trường Hồ Lắk, Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Kar và Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Lắk.

Minh Chi


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.