Multimedia Đọc Báo in

Hiệu quả mô hình trồng ngô sinh khối

08:56, 16/05/2024

Thời gian qua, nông dân xã Phú Xuân (huyện Krông Năng) đã đầu tư mở rộng vùng trồng ngô sinh khối làm thức ăn chăn nuôi, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập.

Ngô sinh khối là loại ngô được thu hoạch cả cây (thân, lá, bắp) ở giai đoạn hạt ngô vừa đông sữa chuyển sang chín sáp, dùng để làm thức ăn cho gia súc. Thay vì mỗi vụ ngô lấy hạt kéo dài 90 - 120 ngày, thì với loại ngô sinh khối chỉ mất khoảng 75 - 90 ngày kể từ khi hạt nảy mầm.

Chị Trần Thị Phương (thôn 7) đang trồng 1,2 ha ngô sinh khối cho hay, bình quân mỗi vụ, 1 ha ngô sinh khối gia đình chị thu được khoảng 30 tấn sản phẩm. Với giá thu mua ổn định của thương lái là 1.200 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, gia đình chị thu lãi hơn 15 triệu đồng/ha.

Anh Trần Văn An (thôn 6, xã Phú Xuân, huyện Krông Năng) chăm sóc vườn ngô sinh khối mới xuống giống.

Gia đình chị Nguyễn Thị Tâm (thôn 7) trồng 8 sào ngô sinh khối giống NK7328. Đây là giống mới, có ưu điểm cây to, bộ lá xanh bền, khả năng thích ứng tốt. Gia đình chị trồng ngô quanh năm để bán cho thương lái chuyên cung cấp ngô sinh khối cho các trang trại bò sữa. Vụ ngô này, gia đình chị thu được hơn 35 tấn, bán với giá 1.200 đồng/kg.

Chị Tâm cho biết: “Trước đây, chúng tôi cũng trồng ngô lấy hạt, mỗi năm chỉ được 1 - 2 vụ. Trồng xong phải bẻ, phơi khô, tách hạt rồi lại phơi, sau đó phải thuê nhân công chặt hết thân cây để trồng lại vụ mới, mất rất nhiều công đoạn mà giá bán lại không ổn định. Bây giờ, trồng ngô bán cả cây, thương lái đến tận vườn thu mua nên rất khỏe mà giá thu mua lại ổn định”.

Sau bốn mùa vụ, gia đình anh Trần Văn An (thôn 6) rất phấn khởi trước năng suất và hiệu quả kinh tế mà cây ngô mang lại. Gia đình anh đang duy trì giống ngô 7328 để trồng. Đây là giống ngô dễ trồng, ít phải bón phân, phun thuốc và đỡ tốn công chăm sóc, mà lại cho năng suất cao. “Tôi thấy trồng ngô sinh khối hiệu quả hơn so với những loại cây ngắn ngày khác. Nếu duy trì cách trồng hiện tại thì năng suất khoảng 40 - 50 tấn/ha sẽ không khó”, anh An vui vẻ nói.

Thương lái đến tận vườn của người dân trên địa bàn xã Phú Xuân (huyện Krông Năng) để thu mua ngô sinh khối.

Theo ông Lê Ký Sự, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Krông Năng, trên địa bàn huyện hiện nay có gần 60 ha trồng ngô sinh khối, tập trung ở xã Phú Xuân. Trồng ngô sinh khối làm thức ăn chăn nuôi cho hiệu quả cao hơn so với trồng ngô lấy hạt truyền thống do có thời gian thu hoạch ngắn, ít chịu ảnh hưởng tiêu cực của thời tiết, sâu bệnh, rất thích hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu tại địa phương, nên đạt năng suất cao.

Quan trọng hơn nữa là toàn bộ sản lượng ngô sinh khối của người dân đều có đầu ra ổn định, được thương lái thu mua để bán cho các trang trại chăn nuôi bò sữa. Hiện nay, địa phương đang khuyến khích nông dân trên địa bàn huyện chuyển đổi những diện tích cây trồng kém hiệu quả sang mô hình trồng ngô sinh khối để góp phần cải thiện thu nhập.

Ngọc Thùy


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.