Multimedia Đọc Báo in

“Khan” đất san lấp mặt bằng: Nhiều công trình xây dựng gặp khó

08:07, 03/05/2024

Trong quá trình thi công, một số công trình, dự án trên địa bàn tỉnh đang phải đối mặt với tình trạng thiếu đất san lấp. Tình trạng này đã tác động rất lớn đến tiến độ thực hiện, thời hạn giải ngân vốn và kéo theo hàng loạt vấn đề khác…

Hàng loạt mỏ đất chưa được cấp phép khai thác

Theo Quyết định số 490/QĐ-UBND, ngày 25/2/2022 của UBND tỉnh (Quyết định số 490) về việc điều chỉnh, bổ sung Quyết định số 2210/QĐ-UBND ngày 23/9/2014 của UBND tỉnh, toàn tỉnh có 101 điểm mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và than bùn được bổ sung vào Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản tỉnh Đắk Lắk đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Trong đó, có 59 mỏ đất san lấp để phục vụ các công trình, dự án trên địa bàn tỉnh.

Đây là cơ sở pháp lý cho việc cấp phép hoạt động khoáng sản đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật về khoáng sản và quy hoạch nhằm giải quyết nguồn vật liệu đất đắp phục vụ cho các công trình, dự án trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, hầu hết các mỏ đất san lấp trên địa bàn tỉnh đều chưa được cấp phép khai thác theo quy định, dẫn tới việc triển khai các công trình, dự án có sử dụng đất đắp nền gặp nhiều khó khăn.

Mỏ vật liệu trên địa bàn xã Buôn Triết (huyện Lắk) được chủ đầu tư Dự án Đê bao ngăn lũ phía Nam sông Krông Ana đề xuất phục vụ thi công dự án đến thời điểm hiện tại chưa được cấp phép khai thác.

Đơn cử như tại huyện Krông Ana có tổng cộng 7 điểm mỏ đất san lấp được phê duyệt quy hoạch tại Quyết định số 490. Trong đó, có 4 điểm mỏ (tại các xã: Dur Kmăl, Ea Bông, Dray Sáp và Bình Hòa) thuộc đối tượng không đấu giá quyền khai thác khoáng sản là cơ sở để đề xuất, cấp phép thăm dò, khai thác phục vụ các công trình, dự án đầu tư công theo quy định của pháp luật. Hai điểm mỏ đất san lấp thuộc đối tượng đấu giá quyền khai thác khoáng sản, được xác định cung cấp cho nhiều mục đích (bao gồm cả mục đích thương mại, cả cung cấp cho công trình đầu tư công) gồm một mỏ tại xã Dray Sáp, một mỏ tại thôn Sơn Trà, xã Bình Hòa. Điểm mỏ còn lại tại xã Bình Hòa qua rà soát không phù hợp với quy hoạch nên địa phương đang điều chỉnh.

Còn tại huyện Lắk, có 8 điểm mỏ vật liệu đã được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch khoáng sản tại Quyết định số 490. Trên cơ sở đó, UBND huyện Lắk đã đề xuất 7 mỏ đưa vào khu vực không đấu giá khai thác khoáng sản để phục vụ công trình đầu tư công gồm mỏ đất san lấp tại: buôn Dren B, xã Đắk Liêng; thôn Lâm Trường, xã Đắk Liêng; buôn Ba Yang, xã Krông Nô; buôn Dong Guôl, xã Yang Tao; thôn Sơn Cường, xã Buôn Triết và 2 mỏ tại buôn Sa Bôk, xã Ea R'bin. Đồng thời đề xuất một mỏ đất san lấp tại buôn Dhăm 1, xã Đắk Nuê vào khu vực đấu giá quyền khai thác khoáng sản để phục vụ cho mục đích thương mại, dịch vụ.

Thi công dự án ngưng trễ

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh chỉ có Dự án cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột đang được hưởng chính sách đặc thù về khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường theo Nghị quyết số 106/2023/QH15. Còn lại các công trình, dự án khác phải thực hiện thủ tục cấp giấy phép khai thác theo quy định hiện hành.

Theo kế hoạch được duyệt, đến cuối năm nay dự án Đê bao ngăn lũ phía Nam sông Krông Ana (qua địa bàn huyện Lắk) phải hoàn thành và đưa vào sử dụng. Thế nhưng, do nhiều vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, cộng với tình trạng thiếu trầm trọng nguồn đất đắp đê nên dự án rơi vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan”. Những ngày qua, dự án này phải tạm dừng thi công ở một số gói thầu do không có nguồn đất đắp đê, các nhà thầu phải rút hết máy móc, thiết bị và đội ngũ cán bộ, kỹ sư, công nhân khỏi công trường.

Công trình đường ven Hồ Lắk đang được gấp rút thi công để kịp tiến độ trước khi bị nước hồ Lắk xâm thực.

Dự án Đê bao ngăn lũ phía Nam sông Krông Ana đi qua ba xã của huyện Lắk gồm Đắk Liêng, Buôn Tría và Buôn Triết, có tổng mức đầu tư 200 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách Trung ương và nguồn ngân sách tỉnh. Tổng nhu cầu đất đắp phục vụ dự án khoảng 142.000 m3, hiện nay đã đắp được 89.000 m3, như vậy còn thiếu khoảng 53.000 m3.

Được biết, để đảm bảo khối lượng đất đắp, chủ đầu tư đã đề xuất 3 mỏ vật liệu để khai thác đất gồm mỏ vật liệu số 2 (địa bàn xã Buôn Tría) và số 6, số 7 (địa bàn xã Buôn Triết). Song thủ tục cấp phép gặp nhiều vướng mắc nên đến thời điểm hiện tại các mỏ này vẫn chưa được cấp phép khai thác.

Một số dự án khác ở các địa phương trong tỉnh cũng chung thực trạng. Đơn cử như dự án Đường ven hồ Lắk (huyện Lắk), sau nhiều lần trì hoãn vì vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, đầu năm nay dự án được triển khai, nhu cầu đất đắp khoảng 20.000 m3, với đặc thù công trình ở ven hồ Lắk nên chỉ thi công được trong mùa khô, trong khi tiến độ không thể kéo dài nên địa phương phải cho nhà thầu múc đất để làm dự án, dù biết việc lấy đất ở mỏ chưa được cấp phép khai thác là sai quy định.

Theo quy định hiện hành, để được cấp phép khai thác đất san lấp, tổ chức, cá nhân phải thực hiện nhiều bước theo quy định về khoáng sản, môi trường, đất đai, đầu tư, mất rất nhiều thời gian.

Đặc biệt, đối với các mỏ đất không nằm trong phạm vi dự án thì tổ chức, cá nhân phải tiến hành thăm dò khoáng sản, đánh giá tác động môi trường trước khi làm thủ tục đề nghị cấp phép khai thác, các bước quy trình này mất rất nhiều thời gian chờ đợi.

Điều này dẫn đến việc triển khai các công trình, dự án thiếu hụt nguồn vật liệu đất san lấp, ảnh hưởng đến tiến độ thi công, tăng chi phí đầu tư.

Đây cũng là nguyên nhân dẫn tới tình trạng khai thác đất sai quy định trong thời gian qua không chỉ riêng ở Đắk Lắk mà tồn tại ở nhiều địa phương trên phạm vi cả nước.

Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.