Multimedia Đọc Báo in

Kinh phí quản lý, bảo vệ rừng tại huyện Ea H’leo còn hạn chế

15:27, 17/05/2024

Ngày 17/5, Đoàn giám sát của Thường trực HĐND tỉnh do Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Phú Hùng làm Trưởng đoàn đã tiến hành giám sát tại huyện Ea H’leo về việc sử dụng kinh phí quản lý, bảo vệ rừng (QLBVR) và phát triển rừng giai đoạn 2021 – 2023.

Huyện Ea H’leo hiện có gần 29.059 ha rừng tự nhiên, hơn 15.798 ha rừng trồng (tính cả diện tích trồng cao su), độ che phủ rừng là 33,35%.

Trên địa bàn huyện có 16 doanh nghiệp thuê đất để thực hiện dự án trồng rừng, trồng cao su, chăn nuôi và QLBVR; 4 công ty TNHH MTV, hai thành viên lâm nghiệp, 2 doanh nghiệp liên kết với các cộng đồng để thực hiện dự án nông lâm nghiệp; 6 cộng đồng thôn buôn, 90 nhóm hộ, hộ gia đình, cá nhân, 1 đơn vị lực lượng vũ trang và 3 đơn vị là UBND xã được Nhà nước giao QLBVR.

Phó Chủ tịch HDND tỉnh Trần Phú Hùng phát biểu tại buổi giám sát
Phó Chủ tịch HDND tỉnh Trần Phú Hùng phát biểu tại buổi giám sát.

Về việc sử dụng kinh phí QLBVR và phát triển rừng, kinh phí ngân sách tỉnh hỗ trợ UBND các xã theo Quyết định số 07/QĐ-TTg, ngày 8/02/2012 của Thủ tướng Chính phủ quyết định ban hành một số chính sách tăng cường công tác bảo vệ rừng giai đoạn 2021 - 2023 là hơn 1,1 tỷ đồng, nguồn kinh phí của huyện 905 triệu đồng.

Theo UBND huyện Ea H’leo, vốn các dự án, vốn liên doanh liên kết, vốn sự nghiệp lâm nghiệp là rất thấp, hầu như không có; nguồn lực trồng rừng chủ yếu là của các công ty, dự án tự bỏ ra đầu tư; vốn chi trả cho công tác QLBVR và phòng cháy chữa cháy rừng đối với các công ty lâm nghiệp là rất thấp, nhiều đơn vị phải nợ lương cán bộ, người lao động kéo dài.

Phó Chủ tịch UBND huyện Ea Hleo Y Thắng Ê Ban giải trình một số nội dung về công tác  quản lý bảo vệ rừng
Phó Chủ tịch UBND huyện Ea H'leo Y Thắng Êban giải trình một số nội dung về công tác quản lý bảo vệ rừng.

Khó khăn của huyện Ea H’leo là địa bàn rộng, trong khi lực lượng công chức kiểm lâm quá mỏng; kinh phí hỗ trợ về công tác QLBVR còn thấp, nhưng nhiệm vụ thực hiện lại rất khó khăn, nhiều đơn vị chủ rừng thuộc Nhà nước thậm chí không đủ kinh phí để chi trả lương cho người lao động. Đối với các dự án nông lâm nghiệp, cộng đồng dân cư, nhóm hộ và hộ gia đình, cá nhân hầu như không có kinh phí bảo vệ rừng.

Đoàn giám sát thực tế tại Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Chư Phả
Đoàn giám sát thực tế tại Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Chư Phả.

Phát biểu tại buổi giám sát, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Phú Hùng nhấn mạnh, nhìn chung, trong giai đoạn 2021 - 2023, UBND huyện Ea H’leo đã triển khai, sử dụng kinh phí quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn đạt một số kết quả ghi nhận.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, lĩnh vực này vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Thời gian tới, huyện Ea H’leo cần nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền cấp xã, chủ rừng trong công tác QLBVR tại gốc; xác định rõ trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân và nêu cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu; tăng cường sự giám sát của người dân, cộng đồng, các đoàn thể, cơ quan truyền thông. Đồng thời, sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí được phân bổ cho hoạt động quản lý, bảo vệ và phát triển rừng…

Minh Chi


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.