Tiêu dùng phù hợp - thêm “động lực” cho tăng thu ngân sách
Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thử thách, nhưng các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh đã nỗ lực vượt qua để tăng trưởng ổn định và đóng góp cho ngân sách của tỉnh.
Tuy nhiên, việc nộp ngân sách của các DN sẽ thuận lợi hơn nữa nếu người tiêu dùng hiểu được ý nghĩa tích cực của việc sử dụng các sản phẩm, dịch vụ của chính các DN trên địa bàn Đắk Lắk thực hiện.
Thời gian qua, việc triển khai, tổ chức thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” theo tinh thần Chỉ thị số 03-CT/TW, ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư, Chỉ thị số 28/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ, các văn bản chỉ đạo, những hành động cụ thể của Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỉnh Đắk Lắk đã đạt được một số kết quả quan trọng, qua đó góp phần khơi dậy tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc của người tiêu dùng Việt Nam; đồng thời thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội…
Tuy nhiên, theo đánh giá của Hiệp hội DN tỉnh, việc thực hiện Cuộc vận động trên địa bàn tỉnh chưa thật toàn diện; việc tuyên truyền những nội dung, mục đích, ý nghĩa Cuộc vận động thiếu thường xuyên, liên tục; việc kiểm tra, giám sát thực hiện Cuộc vận động còn hạn chế; tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng hóa không rõ nguồn gốc chưa được kịp thời kiểm soát; việc xây dựng, nhân rộng, biểu dương, tôn vinh các điển hình tốt trong thực hiện Cuộc vận động đạt kết quả chưa cao…
Công nhân vận hành dây chuyền sản xuất Bia LÖWEN SILVER tại Nhà máy Bia Sài Gòn - Đắk Lắk. |
Trên cơ sở tiếp thu ý kiến, đề xuất của các DN, mới đây Hiệp hội DN tỉnh đã có kiến nghị để địa phương thực hiện tốt hơn cuộc vận động này. Theo đó, Hiệp hội DN tỉnh kiến nghị cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các ngành cần quan tâm nhiều hơn, có hành động cụ thể hơn và có giải pháp chỉ đạo tổ chức tốt, quyết liệt hơn Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Cụ thể ở đây là việc tiêu dùng những sản phẩm, dịch vụ do các DN, hợp tác xã và người dân tỉnh Đắk Lắk sản xuất, tổ chức như: sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm), cà phê, sầu riêng và các sản phẩm du lịch… Qua đó, việc tăng thu ngân sách sẽ thuận lợi hơn nếu người tiêu dùng hiểu được ý nghĩa tích cực của việc sử dụng sản phẩm, dịch vụ của DN Đắk Lắk.
Ngày 22/3/2024, Tỉnh ủy đã có Công văn số 3499-CV/TU trả lời kiến nghị của Hiệp hội DN tỉnh liên quan đến chủ trương thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Một trong những nội dung đáng chú ý là đề nghị Ban cán sự đảng UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng và các địa phương tăng cường hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm do các DN, hợp tác xã và người dân trên địa bàn tỉnh sản xuất; Đảng đoàn Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh vận động nhân dân và các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh tích cực thực hiện theo kiến nghị của Hiệp hội DN tỉnh trong việc tiêu thụ sản phẩm. |
Kiến nghị này là khá hợp lý trong bối cảnh thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh đang gặp nhiều khó khăn. Đơn cử như Công ty Cổ phần Bia Sài Gòn – Miền Trung là một trong những đơn vị dẫn đầu trong việc đóng góp cho ngân sách của tỉnh như năm 2019 nộp gần 1.000 tỷ đồng, đến năm 2023 chỉ nộp được 650 tỷ đồng. Tuy vậy, đây vẫn là đơn vị chiếm tỷ trọng 10 – 12% nguồn thu ngân sách toàn tỉnh.
Nhà máy Bia Sài Gòn - Đắk Lắk là một trong 4 đơn vị thành viên Công ty Cổ phần Bia Sài Gòn - Miền Trung đã nhiều năm liền theo đuổi mục tiêu “cung cấp sản phẩm, dịch vụ đáp ứng nhu cầu và sự thỏa mãn của khách hàng, xây dựng DN phát triển bền vững, ngày càng tạo công ăn việc làm, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nộp ngân sách cho tỉnh ngày càng nhiều, hướng tới những mục tiêu cao hơn tiếp tục đóng góp vào sự phát triển cho khu vực miền Trung - Tây Nguyên và cả nước”.
Ngoài sản phẩm chính là Bia Sài Gòn, nhà máy còn sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm như Bia Lowen Silver, Bia Quy Nhơn, bia tươi, nước đóng chai Sêrêpốk, rượu Sêrêpốk, rượu Sâm Việt, sữa gạo lứt Bazan, sữa bắp Bazan, gia công đồ uống xuất khẩu bán tại thị trường Úc…
Riêng nhãn hiệu Bia LÖWEN SILVER (Con sư tử - tiếng Đức) đã được đưa ra thị trường bằng sản phẩm bia chai – Bia LÖWEN PIS từ đầu năm 1997, thị trường tiêu thụ chính là các tỉnh: Bình Định, Đà Nẵng, Huế, Tiền Giang, Bến Tre…
Theo khuyến nghị của các cấp, các ngành và người tiêu dùng trong tỉnh, từ đầu năm 2024, Nhà máy Bia Sài Gòn – Đắk Lắk đưa ra thị trường sản phẩm mới Bia LÖWEN SILVER với mục tiêu là xây dựng sản phẩm đặc trưng của tỉnh, với mong muốn được người tiêu dùng ưu tiên sử dụng, từ đó nhanh chóng tăng nguồn thu cho ngân sách địa phương, góp phần giải quyết công ăn việc làm và phát triển kinh tế – xã hội tỉnh nhà.
Để “chinh phục” người tiêu dùng, Bia LÖWEN SILVER cam kết đem đến chất lượng tuyệt vời cho người tiêu dùng bởi sự tận tụy, sự đam mê của các chuyên gia làm bia.
Tất cả các nguyên liệu làm ra Bia LÖWEN SILVER đã được chọn lựa kỹ lưỡng, bởi quy trình sản xuất được kiểm soát chặt chẽ trong từng công đoạn đã tạo nên một sản phẩm tin cậy, rất đáng thưởng thức.
Sản phẩm này đã đón nhận những tín hiệu tích cực từ nhiều người tiêu dùng. Nhà máy Bia Sài Gòn - Đắk Lắk đang quyết tâm mạnh mẽ để xây dựng thành công sản phẩm mang hình ảnh của địa phương.
Có thể thấy, bên cạnh nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm của các DN, việc lựa chọn sản phẩm phù hợp của người tiêu dùng sẽ tiếp thêm động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Quốc Anh
Ý kiến bạn đọc