Vải thiều tăng giá nhưng nông dân kém vui
Xã Ea Pil là địa phương có diện tích vải thiều lớn trên địa bàn huyện M’Drắk. Mùa vải năm nay, các thương lái vào tận vườn thu mua với mức giá dao động từ 45.000 đồng đến hơn 60.000 đồng/kg (tăng gấp đôi so với năm trước). Tuy giá tăng cao nhưng người trồng vải trên địa bàn xã vẫn kém vui vì sản lượng giảm.
Ông Hoàng Biên Phòng, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Pil cho biết, toàn xã hiện có khoảng hơn 200 ha vải thiều, trong đó có gần 100 ha đã cho thu hoạch.
Nhờ lợi thế là có vải chín sớm nhất cả nước nên vải thiều tại địa phương luôn bán được giá cao, nhất là đầu vụ thu hoạch. Giá vải tươi chỉ cần từ 25.000 - 30.000 đồng/kg là người dân đã có lãi.
Năm nay giá tăng lên 60.000 đồng/kg thực sự mang lại cho người dân nguồn thu nhập lớn. Tuy nhiên, đây cũng là năm đầu tiên trong vòng 5 - 6 năm qua, năng suất vải chỉ đạt khoảng 30%, nhiều vườn bị giảm sản lượng, không ít hộ bị mất trắng.
Theo ông Phòng, nguyên nhân năm nay cây vải bị giảm sản lượng là do thời tiết diễn biến bất thường (thời tiết ấm hơn, các đợt lạnh ít hơn). Vào thời điểm cây vải ra hoa thì gặp thời tiết nắng nóng, không đủ độ lạnh để cây phân hóa mầm hoa dẫn đến khô hoa, không đậu quả. Ngoài ra, một phần là do người dân triển khai các biện pháp thúc vải ra hoa (khoanh cây) không đúng thời điểm nên không đạt hiệu quả như mọi năm.
Vườn vải của gia đình anh Nhữ Duy Đa |
Gia đình anh Nhữ Duy Đa (ở thôn 11) có 1,8 ha vải thiều đã cho thu hoạch được 6 năm nay. Vụ vải năm 2023, gia đình anh thu được 33 tấn quả tươi, với giá bán khoảng 30.000 đồng/kg mang lại cho gia đình anh một nguồn thu đáng kể. Năm nay, thời tiết bất lợi nên sản lượng bị mất khoảng 50%. Anh Đa chia sẻ: "Ước lượng năm nay chỉ thu được khoảng 15 tấn quả, nhưng với giá bán khoảng 60.000 đồng/kg (có vườn thương lái chốt 64.000 đồng/kg) thì gia đình tôi cũng có thu nhập tương đương như năm ngoái".
Mặc dù tình trạng chung là bị mất mùa, nhưng vẫn có một số gia đình “trúng mùa, được giá”. Đơn cử như gia đình ông Nhữ Duy Năm (ở thôn 11) có 4 ha vải, đa phần là cây mới trồng được 4 năm, chỉ có gần 100 cây đã cho thu hoạch (trong đó có 35 cây thu hoạch quả, còn lại thì ông để chiết cành làm giống nhằm mở rộng diện tích).
Vụ thu bói năm 2023, gia đình ông thu được 1 tấn quả, giá bán khoảng 25.000 đồng/kg, mang lại thu nhập khoảng 25 triệu đồng. Mùa vải năm nay, nhờ áp dụng đúng kỹ thuật chăm sóc nên chỉ với 35 cây vải, gia đình ông thu được 1,2 tấn quả. Với giá bán 58.000 đồng/kg, ông thu về hơn 60 triệu đồng, sau khi trừ chi phí thuốc sâu, phân bón…, lãi hơn 50 triệu đồng.
Theo ông Năm, chỉ cần theo dõi, nắm bắt tình hình thời tiết để khoanh cây đúng thời điểm thì chắc chắn vải sẽ ra hoa, đậu quả. Nếu mưa nhiều thì khoanh cây muộn, mưa ít thì nên khoanh cây sớm; năm nào nhuận thì nên khoanh cây sớm vào đầu tháng 8 âm lịch, năm không nhuận thì nên khoanh cây vào cuối tháng 8 âm lịch; phân bón thì chỉ nên bỏ hai đợt (khi quả mới ra và khi quả đã lớn)…
Ông Nhữ Duy Năm (bên trái) chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật trồng, chăm sóc cây vải. |
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Ea Pil Hoàng Biên Phòng, xã đã khuyến cáo người dân không nên lơ là, bỏ bê vườn cây mà cần tiếp tục tập trung đầu tư chăm sóc, tưới dưỡng giúp cây vải sinh trưởng, phát triển tốt nhằm bảo đảm năng suất, chất lượng vụ mùa sau. Để phát triển bền vững, địa phương cũng kiến nghị các ngành chức năng hỗ trợ người dân về kỹ thuật canh tác; có giải pháp nhằm xây dựng thương hiệu cho cây vải ở M’Drắk nói chung, xã Ea Pil nói riêng như: cấp mã vùng trồng, cấp mã đóng gói, liên kết tiêu thụ sản phẩm tươi một cách chính ngạch, thu hút thương mại…
Duy Tiến
Ý kiến bạn đọc