Multimedia Đọc Báo in

Lan tỏa từ chủ trương của Đảng

08:39, 26/06/2024

Thời gian qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và cả hệ thống chính trị vào cuộc triển khai Chỉ thị 40. Nhờ đó, hoạt động tín dụng chính sách xã hội (CSXH) được triển khai kịp thời, các chương trình tín dụng chính sách đạt được những kết quả quan trọng.

Đưa vốn ưu đãi đến với người yếu thế

Thực hiện chủ trương đa dạng hóa nguồn lực thực hiện tín dụng CSXH, để đảm bảo có đủ nguồn vốn thực hiện các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn, cùng với nguồn vốn cân đối từ Trung ương, tỉnh luôn quan tâm chỉ đạo việc huy động và tập trung các nguồn lực tài chính, đáp ứng nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Đến ngày 30/4/2024, tổng nguồn vốn đạt 7.779 tỷ đồng (tăng 4.771 tỷ đồng so với năm 2014, tỷ lệ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt trên 10,6%).

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã triển khai 21 chương trình tín dụng chính sách và các chương trình do địa phương ủy thác thực hiện. Tổng doanh số cho vay từ năm 2014 đến nay đạt hơn 14.943 tỷ đồng, với trên 485 nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn.

Đến ngày 30/4/2024, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt gần 7.745 tỷ đồng (tăng 4.744 tỷ đồng so năm 2014), với hơn 169.000 hộ nghèo và các đối tượng chính sách còn dư nợ, bình quân dư nợ gần 46 triệu đồng/hộ (tăng 28 triệu đồng so năm 2014).

Dư nợ tín dụng tập trung ở một số chương trình lớn như: tín dụng hộ nghèo (hơn 1.709 tỷ đồng); tín dụng hộ cận nghèo (hơn 1.435 tỷ đồng); tín dụng hộ mới thoát nghèo (hơn 815 tỷ đồng); cho vay giải quyết việc làm (hơn 1.213 tỷ đồng); tín dụng nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (gần 1.021 tỷ đồng)…

Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Đắk Lắk Đào Thái Hòa (bìa phải), thành viên Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh kiểm tra việc sử dụng vốn vay tín dụng chính sách tại cơ sở. Ảnh: Trần Thắm

Các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương đã chỉ đạo các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác phối hợp với các ngành, cơ quan chức năng quan tâm nâng cao chất lượng tín dụng CSXH. Toàn tỉnh có 2 đơn vị cấp huyện, 111/184 đơn vị cấp xã, 582/691 hội, đoàn thể cấp xã và 3.928/4.061 tổ tiết kiệm và vay vốn không có nợ quá hạn. Chất lượng hoạt động tín dụng chính sách và chất lượng hiệu quả hoạt động giao dịch xã 100% đơn vị được đánh giá xếp loại tốt.

Thực tế cho thấy, qua 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 40, có thể khẳng định đây là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân và ngày càng đi vào cuộc sống, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.

Cả hệ thống chính trị tham gia tín dụng chính sách

Chia sẻ về công tác tín dụng CSXH trên địa bàn tỉnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đình Trung khẳng định, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến công tác xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội.

Từ khi có Chỉ thị 40, cấp ủy, chính quyền các cấp đã lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện hiệu quả tín dụng đối với người nghèo và đối tượng chính sách.

Tỉnh luôn quan tâm chỉ đạo việc huy động và tập trung các nguồn lực tài chính nhằm đáp ứng nhu cầu vay vốn, nguồn vốn ngân sách địa phương chuyển qua Ngân hàng CSXH để cho vay đều tăng qua các năm.

Hệ thống Ngân hàng CSXH triển khai một cách sâu rộng các chương trình cho vay ưu đãi, mở rộng đối tượng hưởng lợi, kiểm soát nợ xấu ở mức thấp. Tín dụng CSXH góp phần quan trọng vào công tác giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới; đồng thời, vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội đối với tín dụng CSXH cũng được nâng lên.

Theo đánh giá của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đã thường xuyên nâng cao hiệu quả giám sát, phản biện xã hội đối với việc thực hiện tín dụng CSXH trên địa bàn.

Đối với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác các cấp, đã luôn đồng hành với các đối tượng tham gia vay vốn, giúp hộ vay tiếp cận với vốn tín dụng chính sách kịp thời, có hiệu quả, qua đó góp phần nâng cao chất lượng tín dụng, đảm bảo thực hiện tín dụng CSXH công khai, dân chủ, đúng chủ trương, đúng đối tượng và đảm bảo an toàn vốn.

Các tổ chức chính trị - xã hội phối hợp với Ngân hàng CSXH tham gia quản lý gần 7.721 tỷ đồng (tăng 4.727 tỷ đồng so với cuối năm 2014), với hơn 168 nghìn hộ vay vốn đang còn dư nợ.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà, trong quá trình hoạt động, ban đại diện các cấp luôn bám sát chỉ thị, nghị quyết, quyết định, chương trình, kế hoạch của Hội đồng quản trị Ngân hàng CSXH Trung ương, của cấp ủy, chính quyền địa phương để chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện kịp thời; tham mưu cấp ủy, chính quyền cùng cấp bố trí, ưu tiên dành một phần nguồn vốn ngân sách địa phương hằng năm ủy thác qua Ngân hàng CSXH tỉnh, huyện để hòa chung cùng nguồn vốn từ Trung ương cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác; phân công các thành viên phụ trách thực hiện công tác kiểm tra, giám sát, quản lý nguồn vốn tín dụng chính sách và công tác giảm nghèo đến từng cơ sở, gắn tín dụng CSXH với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương.

Minh Thông


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.