Multimedia Đọc Báo in

Người chăn nuôi thay đổi thói quen chăn thả gia súc

09:02, 10/06/2024

Thời gian qua, người nông dân đã dần thay đổi thói quen chăn thả gia súc tự do, thay vào đó là chăn nuôi nhốt chuồng, giúp đàn vật nuôi sinh trưởng, phát triển tốt, đảm bảo vệ sinh môi trường, hạn chế dịch bệnh, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Gia đình bà H’Dới Mlô (buôn Ea KJoh A, xã Ea Drông, thị xã Buôn Hồ) đang nuôi 4 con bò. Trước đây, gia đình chủ yếu thả rông bò ngoài bờ ruộng hoặc trên đồi để chúng tự tìm thức ăn, sáng dắt đi chiều dắt về. Do chăn thả nên có những con bị nhiễm bệnh mà không biết nguyên nhân, bò chậm lớn, phải bán với giá rẻ.

Năm 2020, gia đình bà xây dựng chuồng nuôi nhốt cách xa nhà, vệ sinh chuồng thường xuyên. Từ đó đến nay không có con nào bị dịch bệnh, đàn bò phát triển tốt, môi trường sống cũng được cải thiện.

“Gia đình tôi trồng cỏ voi xen trong rẫy cà phê để làm thức ăn cho bò, kết hợp chăn thả có sự giám sát để tránh bò phá hoại mùa màng và không làm ảnh hưởng đến môi trường, cảnh quan của địa phương”, bà H’Dới Mlô chia sẻ.

Bà Nguyễn Thị Thiết (xã Phú Xuân, huyện Krông Năng) đang chăm sóc đàn bò của gia đình.

Gia đình bà Nguyễn Thị Thiết (thôn 1, xã Phú Xuân, huyện Krông Năng) hiện đang nuôi 5 con bò. Để bảo vệ sức khỏe cho đàn vật nuôi, năm 2022, gia đình bà Thiết đã đầu tư xây dựng chuồng trại nhằm chuyển đổi hình thức chăn nuôi từ chăn thả tự nhiên sang bán chăn thả và nuôi nhốt tập trung, chỉ cho bò ăn cỏ tự nhiên vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát, cho chúng uống thêm nước sạch có bổ sung thêm một ít muối để có sức đề kháng chống chọi với thời tiết. Với cách chăn nuôi này, đàn bò của gia đình bà phát triển tốt, không còn xảy ra tình trạng ốm đau, bệnh tật.

"Cách chăn nuôi này giảm được công chăm sóc, khi xuất bán giá cũng cao hơn so với gia súc chăn thả tự nhiên. Thay vì thả cho bò tự đi ăn thì gia đình tôi thay phiên nhau cắt cỏ về cho bò. Mỗi ngày bỏ một chút thời gian đi cắt là đủ cho bò ăn cả ngày. Ngoài ra, gia đình tôi có gần 1 sào đất trồng cỏ nên không lo thiếu thức ăn cho bò”, bà Thiết cho hay.

Trong khi đó, gia đình anh Hà Văn Thực (thôn Hà Bắc, xã Ea Wer, huyện Buôn Đôn) đã nuôi bò nhốt chuồng vỗ béo từ năm 2017 đến nay. Mỗi lứa, gia đình anh nuôi vỗ béo từ 10 - 13 con, sau 3 - 4 tháng có thể xuất chuồng. Năm vừa rồi, gia đình anh xuất bán 3 đợt, sau khi trừ chi phí đã thu được vài chục triệu đồng tiền lãi.

Theo anh Thực, để nuôi bò vỗ béo đạt kết quả cao, nguồn thức ăn phải phong phú. Ngoài rơm, rạ, thân cây chuối, chỉ cần trồng thêm cỏ voi kết hợp pha trộn một số loại thức ăn hỗn hợp như cám ngô, cám gạo làm thức ăn tinh, nên chi phí giảm đáng kể. Quá trình chăn nuôi cần chú trọng phòng, chống dịch bệnh, tiêm vắc xin đầy đủ cho vật nuôi, thường xuyên khử khuẩn chuồng trại để đảm bảo an toàn, giúp đàn bò phát triển tốt.

Gia đình anh Trần Duy (thôn Xuân Mỹ, xã Phú Xuân, huyện Krông Năng) đầu tư chuồng trại, phát triển chăn nuôi đàn dê theo hướng nuôi nhốt trên nhà sàn.

Đang nuôi 100 con dê, anh Trần Duy (thôn Xuân Mỹ, xã Phú Xuân, huyện Krông Năng) cho biết, thay vì nuôi dê chăn thả ngoài tự nhiên, gia đình anh đầu tư kỹ lưỡng hơn về mặt chuồng trại, phát triển chăn nuôi đàn dê theo hướng nuôi nhốt trên nhà sàn.

Để đảm bảo cho dê sinh trưởng tốt, ít dịch bệnh, anh luôn chú ý vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, thông thoáng, phun thuốc khử khuẩn hai tuần/lần, tránh ánh nắng trực tiếp, sàn chuồng làm bằng gỗ, cách mặt đất khoảng 1 m trở lên vì loài dê không ưa độ ẩm cao.

Nhờ phương pháp nuôi nhốt nên không phải tốn lao động trông coi như chăn thả dê tự do, giúp anh chủ động thời gian trong khâu chăm sóc. Mỗi ngày chỉ tốn 1 - 2 giờ để cắt cỏ trong vườn, chế biến cho dê ăn hai bữa vào buổi sáng và buổi chiều nên nuôi dê nhốt chuồng nhàn hơn nhiều so với chăn thả tự do.

Theo bà Lê Thanh Hà, cán bộ thú y xã Phú Xuân (huyện Krông Năng), để nâng cao hiệu quả chăn nuôi gia súc, người dân nên chuyển đổi đất canh tác kém hiệu quả hoặc trồng xen các loại cỏ làm thức ăn cho gia súc, hạn chế việc thả rông gia súc tự do ở các nương rẫy, bờ ruộng hay ngoài đường, vừa gây mất an toàn giao thông, phá hoại mùa màng của các hộ dân, vật nuôi lại dễ bị lây lan dịch bệnh.

Ngoài ra, người dân nên xây dựng, tu sửa chuồng trại, chăn nuôi theo hướng đảm bảo an toàn sinh học, sử dụng các biện pháp bảo vệ môi trường trong chăn nuôi như: cải tạo đệm lót sinh học từ trấu giúp phân giải phân trong chuồng, khử mùi, giữ vệ sinh chuồng, tạo môi trường sạch, thông thoáng để giúp vật nuôi phát triển, sinh trưởng tốt...

Ngọc Thùy


Ý kiến bạn đọc