Multimedia Đọc Báo in

Chăn nuôi bán công nghiệp: Hướng đi mới trong phát triển chăn nuôi gia súc ở huyện M’Drak

10:09, 12/08/2013

Với diện tích tự nhiên hơn 133.600 ha, M’Drak là một trong những địa phương có lợi thế phát triển chăn nuôi gia súc quy mô lớn. Tuy nhiên, diện tích đồng cỏ tự nhiên ngày càng thu hẹp, làm cho việc chăn nuôi trâu, bò gặp nhiều khó khăn. Để giải bài toán này, Huyện ủy đã triển khai thực hiện Chương trình số 10-CTr/HU về “Phát triển chăn nuôi bán công nghiệp trên địa bàn, giai đoạn 2010-2015”, bước đầu đem lại hiệu quả rõ nét.

Thay đổi tập quán canh tác

Đàn bò của gia đình chị H’Nát Byă (xã Krông Jing) có nguồn thức ăn  từ giống cỏ VA06 trồng trong vườn nhà.
Đàn bò của gia đình chị H’Nát Byă (xã Krông Jing) có nguồn thức ăn từ giống cỏ VA06 trồng trong vườn nhà.

Gia đình anh Trương Công Các ở thôn 16 (xã Ea Riêng) gắn bó với nghề chăn nuôi trâu, bò hơn 10 năm qua, thời kỳ cao điểm đàn gia súc có khoảng 15 con. Nhưng mấy năm trở lại đây do diện tích đồng cỏ tự nhiên ngày càng thu hẹp, nguồn thức ăn khan hiếm, làm cho vật nuôi tăng trưởng kém, hiệu quả kinh tế thấp nên phải giảm dần đàn nuôi. Năm 2012, gia đình anh được Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện chọn đầu tư 1 sào cỏ giống VA06 và hướng dẫn kỹ thuật để triển khai thực hiện mô hình chăn nuôi trâu, bò bán công nghiệp. Chỉ sau khoảng 3 tháng, giống cỏ này đã có thể cung cấp thức ăn đủ cho 4-5 con bò, do vậy anh quyết định trồng thêm 2 sào cỏ VA06 để gầy dựng lại đàn bò như trước. Sau một năm rưỡi triển khai mô hình, đến nay, gia đình anh đã phát triển đàn lên 12 con, xuất bán được 5 con giống, thu lãi khoảng 90 triệu đồng. Anh Các cho biết: “Thông qua mô hình tôi nhận thấy việc trồng cỏ để chăn nuôi bò rất phù hợp với vùng đất pha cát nơi đây nên dự định sắp tới sẽ tiếp tục đầu tư phát triển chăn nuôi trâu, bò bán công nghiệp theo quy mô trang trại. Ngoài việc được chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi, trồng cỏ, những hộ tham gia mô hình còn được hướng dẫn cách thức phòng, chống dịch bệnh, xây bể ủ các phế phẩm nông nghiệp như rơm rạ, thân cây ngô, cây đậu các loại làm thức ăn cho bò”.

Tuy nhiên, anh Các cũng trăn trở, do điều kiện thời tiết khắc nghiệt nên để có thể mở rộng quy mô chăn nuôi, ngoài nỗ lực của gia đình rất cần sự quan tâm của các cấp, ngành đầu tư xây dựng hệ thống dàn tưới và máy xay cỏ để chủ động nguồn thức ăn cho gia súc vào mùa khô. Theo Chủ tịch UBND xã Ea Riêng Phạm Đình Nhu, trên cơ sở mô hình chăn nuôi trâu, bò bán công nghiệp do Phòng NN-PTNT huyện triển khai, UBND xã đã chỉ đạo các ngành liên quan tập trung tuyên truyền để người dân hiểu và nhân rộng. Nhờ vậy, đến nay, ngoài mô hình trồng ngô lai, lúa lai, chăn nuôi heo, gà thả vườn, người dân trên địa bàn cũng đang đầu tư phát triển đàn trâu, bò theo hướng bán công nghiệp.

Gia đình anh Trương Công Các (xã Ea Riêng) chủ động nguồn thức ăn cho đàn trâu bò.
Gia đình anh Trương Công Các (xã Ea Riêng) chủ động nguồn thức ăn cho đàn trâu bò.

Trước đây, ngoài việc canh tác 2 ha đất trồng mì và 4 sào ruộng, vợ chồng chị H’Nát Byă ở buôn Um (xã Krông Jing) phải tranh thủ thời gian thay nhau đưa đàn bò 9 con đi chăn thả để tìm thức ăn từ đồng cỏ tự nhiên. Nhưng việc chăn nuôi ngày càng trở nên vất vả, nhất là vào mùa khô vì dù có chịu khó dắt đàn bò đi xa nhà nhưng vẫn không đủ nguồn thức ăn. Vì vậy, năm 2011, gia đình chị đành bán bớt số bò, chỉ giữ lại 5 con. Khi được chọn tham gia mô hình, gia đình đã tận dụng 1 sào đất pha cát quanh nhà trồng giống cỏ VA06. Nhờ thực hiện đúng kỹ thuật được hướng dẫn và chịu khó chăm sóc, vườn cỏ phát triển tốt, nguồn thức ăn dồi đào nên gia đình chị được đầu tư thêm phân bón và hệ thống dàn tưới tự động. Đưa chúng tôi tham quan vườn cỏ, chị H’Nát cười bảo: “Lúc trước mình không biết phải trồng cỏ để phục vụ chăn nuôi nên khi đồng cỏ tự nhiên ngày càng bị thu hẹp, vợ chồng bàn nhau cố gắng chăn thả 5 con bò này đến lúc đạt trọng lượng xuất bán rồi thôi không nuôi nữa. Cũng may được tiếp cận với mô hình chăn nuôi bán công nghiệp này, việc nuôi bò không còn vất vả, những lúc mưa dầm hay nắng hạn kéo dài không lo thiếu thức ăn. Hiện tại trong chuồng có một bò mẹ đang mang thai, đó là cơ sở để gia đình mình tiếp tục nhân rộng đàn nuôi”.

Để mô hình ngày càng nhân rộng

Năm 2011, tổng đàn trâu, bò trên địa bàn huyện là 25.030 con, năm 2012 giảm còn 21.158 con và trong 6 tháng đầu năm 2013 chỉ còn lại 18.712 con. Nguyên nhân là do việc phát triển chăn nuôi thiếu tính ổn định và bền vững, còn phụ thuộc vào đồng cỏ tự nhiên, giá cả đầu ra không ổn định, trong khi dịch bệnh trên gia súc diễn biến phức tạp. Thêm vào đó, việc chăn nuôi phần lớn mang tính tự phát, phân tán, nhỏ lẻ, người dân chưa coi đây là ngành kinh tế hàng hóa mũi nhọn của địa phương nên chưa có sự đầu tư, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật. Trước thực trạng đó, ngày 8-8-2011, Huyện ủy M’Drak đã ban hành Chương trình số 10-CTr/HU về “Phát triển chăn nuôi bán công nghiệp trên địa bàn, giai đoạn 2010-2015”. Trên cơ sở đó, từ tháng 9-2011, huyện đã đầu tư xây dựng 10 mô hình chăn nuôi trâu, bò bán công nghiệp tại các xã Krông Jing, Ea Riêng, Cư Króa và thị trấn M’Drak, đến nay đã nhân rộng lên 20 mô hình. Những hộ tham gia mô hình được tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, trồng cỏ, phòng, chống dịch bệnh và được hỗ trợ kinh phí mua giống cỏ, tiêm phòng dịch bệnh, tinh phối giống, xây bể ủ thức ăn… Bên cạnh đó, để cải tạo tầm vóc và chất lượng đàn gia súc, huyện chủ trương dùng bò đực thuộc nhóm giống bò Zêbu, Sind, Brahman đỏ… lai với bò cái địa phương và tăng cường việc thụ tinh nhân tạo. Đồng thời, chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh, tiêu độc khử trùng, đẩy mạnh tuyên truyền và khuyến khích các chủ trang trại, hộ chăn nuôi ứng dụng công nghệ trồng cỏ, chủ động dự trữ thức ăn, dùng phế phẩm nông nghiệp chế biến thức ăn bổ sung. Nhờ vậy, tổng diện tích trồng cỏ toàn huyện đã đạt 532 ha, bước đầu khắc phục tình trạng thiếu thức ăn chăn nuôi, tỷ lệ đàn gia súc lai tạo đã tăng từ 35% năm 2010 lên 40% năm 2013, sản lượng xuất chuồng 6 tháng đầu năm ước đạt 1.080 tấn.

Để tiếp tục nhân rộng mô hình chăn nuôi bán công nghiệp, thời gian tới, huyện sẽ rà soát các vùng quy hoạch, tập trung phát triển chăn nuôi ở những địa phương có thế mạnh như Cư San, Cư Prao, Cư Króa, Ea Trang, Ea Lai, Krông Jing; tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận các nguồn vốn, phát huy nội lực, mở rộng liên kết giữa các hộ, nhóm hộ; củng cố mạng lưới khuyến nông, thú y cơ sở nhằm chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh; xúc tiến thành lập từ 1-2 chợ trâu, bò tạo thuận lợi trong thông thương hàng hóa…

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(Video) Thiết thực chăm lo cho người lao động
Cùng với việc bảo đảm việc làm, thu nhập, tổ chức công đoàn tại các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã dành nhiều quan tâm để chăm lo đời sống cho công nhân, người lao động, đặc biệt là các chính sách lao động nữ, các chương trình hỗ trợ về nhà ở.