Những cảnh báo khi giá cà phê tăng cao
Các nhà chuyên môn và doanh nghiệp đầu tư đang đưa ra những cảnh báo, lo lắng trước diễn biến giá cà phê liên tục tăng.
Theo một chuyên gia tư vấn về xuất khẩu cà phê, những diễn biến giá cả thời gian qua thể hiện những bước đi, thăm dò và giám sát thị trường của các nhà đầu tư, trong đó có cả giới đầu cơ chuyên thao túng, vì thế bên cạnh những phấn khởi lạc quan, nhà quản lý và người nông dân nên cảnh tỉnh ngay những nguy cơ.
Hai kịch bản sau biến động giá
Nhà tư vấn trên đề cập, quan sát thị trường cà phê Tây Nguyên từ mùa vụ 2022 sẽ thấy phần nào những yêu cầu cần thay đổi. Liên quan biến đổi khí hậu, những tác động thị trường từ khủng hoảng kinh tế, các vùng chiến sự, người ta nhận ra sản xuất nông nghiệp ngày càng thu hẹp, sản lượng giảm trong khi chi phí đầu vào đều tăng. Những điều đó buộc giới kinh thương phải xét lại cơ hội lợi nhuận, và tối thiểu, họ phải định lại mặt bằng giá cả.
Lúa mì, gạo, ngô… là những dòng lương thực phải thay đổi giá, và điều này thể hiện rõ ở thị trường nội địa Việt Nam hai năm qua, sản lượng tăng, giá cũng tăng. Tiếp đó, những loại nông sản tiêu thụ đặc biệt, cụ thể như cà phê, buộc phải đánh giá lại trữ lượng. Hệ quả là sau nhiều năm ít dao động, cà phê Việt Nam bắt đầu đổi giá bán. Đến hết năm 2023, cà phê Việt Nam có tín hiệu tích cực, gần như được đẩy giá lên gấp đôi, và theo nhà tư vấn, diễn biến này đã làm xuất hiện hai kịch bản.
Nông dân thu hoạch cà phê. Ảnh: Minh Thuận |
Thứ nhất, đến nay, nguồn hàng cà phê nhân trữ trong dân đã cạn. Việc này liên quan hoạt động sản xuất thời gian qua, khi thị trường lên giá, ai cũng tranh thủ bán ra. Thị trường nông sản đã không có được sự điều tiết quản lý, dự báo chặt chẽ, người nông dân tự quyết đầu ra sản phẩm. Cho nên, trước Tết Giáp Thìn, cà phê trữ sẵn của người dân đã bán xong. Gần 3 tháng qua, giá tiếp tục tăng, nông dân không còn cà phê nữa. Tác động ngược lại là các doanh nghiệp kinh doanh lúng túng với nguy cơ thiếu hụt hàng cho các hợp đồng xuất khẩu. Họ buộc phải “mua vét” cà phê bị giảm chất lượng, hoặc phải mua lại cà phê từ các thương lái, và hoạt động xuất khẩu khó khăn. Như vậy, thị trường tăng giá đồng nghĩa thương lái thao túng thị phần.
Thứ hai, người nông dân mong thúc đẩy sản xuất để thu hoạch lại cà phê trước khi thị trường dao động giảm. Mùa vụ cà phê đang chuẩn bị thu hoạch hiện nay hứa hẹn niềm tin đó, buộc họ phải chấp nhận đầu tư đầu vào tăng, vì vật tư nông nghiệp tăng. Đồng thời, nếu ngay mùa vụ, nhà buôn đưa ra các tiêu chuẩn hàng hóa cao hơn, sẵn sàng giảm giá mua nếu không đạt, người canh tác sẽ khó khăn. Như thế, với giá tăng, thị trường sẽ điều chỉnh mặt bằng giá với các tiêu chí cao hơn, khắt khe hơn, liệu người nông dân đã trang bị gì để đáp ứng?
Cần chủ động quy trình canh tác
Giám đốc một doanh nghiệp cà phê tại Buôn Ma Thuột chia sẻ, đơn vị ông có gần 60 ha cà phê chất lượng tốt, nhưng chỉ đủ cho các đơn hàng trước mắt. Về dài lâu, doanh nghiệp cần tăng thêm vùng canh tác, mà điều này đòi hỏi có liên kết với người nông dân, phải đối mặt những câu hỏi mới từ thị trường. Giải pháp duy nhất được đưa ra, là doanh nghiệp cần người nông dân hợp tác để chủ động xây dựng những quy trình canh tác, những hợp đồng trách nhiệm về sản xuất… Hai kịch bản dao động giá thị trường đang diễn ra, càng buộc các doanh nghiệp phải hết sức thận trọng và kiên định trong chiến lược đầu tư của mình.
Đó là, doanh nghiệp cần được tạo những điều kiện hỗ trợ, tư vấn cho nông dân gắn kết, xây dựng những vùng trồng chuyên canh chất lượng, đúng quy trình, đúng quy hoạch. Sản lượng của những diện tích cà phê chất lượng phải kiểm soát được, đến mỗi lạng cà phê bao nhiêu hạt phải được tuân thủ. Điều này cần có sự can thiệp, giúp sức từ chính quyền, các sở, ngành quản lý, và các nhà khoa học nông nghiệp. Các chuỗi đầu tư giá trị, các quy trình canh tác hữu cơ… là vấn đề phải được đặt ra nghiêm túc từ hoạt động sản xuất nông nghiệp hiện nay.
Tiếp đó, doanh nghiệp cần được tạo điều kiện thu hút, mời gọi thêm hoạt động đầu tư, chế biến chuyên sâu về nông sản, cụ thể là cà phê, với các nhà xưởng, nhà máy chế biến công nghệ cao, đảm bảo đa dạng hóa đầu ra với giá thành hạ.
Về phía người nông dân, bởi những diễn biến quy hoạch lại mặt bằng giá, những đòi hỏi về chất lượng canh tác, sản xuất của họ phải khác đi. Từ diện tích đến chất lượng nông sản qua canh tác, thu hoạch, bảo quản, phải có những sách lược đầu tư đúng và đủ tầm hơn.
Nông dân cần được đào tạo, trang bị rất nhiều kiến thức, kỹ năng về hoạt động nông nghiệp của mình; từ ứng dụng công nghệ số về quản lý canh tác, đến kỹ thuật chọn giống cây trồng, rồi tuân thủ các quy trình canh tác hữu cơ, thu hoạch, bảo quản, chế biến…
Họ cũng phải được trang bị các hiểu biết về pháp lý thương mại quốc tế, chuẩn hóa những đơn hàng, hợp đồng, phải xây dựng được những vùng mã trồng, mã đóng gói…, để biết tuân thủ những quy định pháp luật. Nghĩa là, mặt bằng giá tăng sẽ đòi hỏi những thay đổi lớn về năng lực nông nghiệp của người nông dân, đặc biệt là ở những khu vực nông sản chuyên canh đặc thù như cà phê Tây Nguyên.
Nguyên Đức
Ý kiến bạn đọc