Multimedia Đọc Báo in

Phát triển kinh tế tập thể ở Ea Kar: “Cú hích” từ cơ chế

13:26, 25/06/2024

Thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về “Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới”, huyện Ea Kar đã cụ thể hóa bằng các chương trình, kế hoạch, hỗ trợ cụ thể nhằm tạo “cú hích” thúc đẩy kinh tế tập thể phát triển.

Khơi thông lợi thế

Cụ thể hóa Nghị quyết số 20, huyện Ea Kar đã tập trung xây dựng, triển khai các cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể. Nhiều hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác đã được tạo điều kiện giao đất, cho thuê đất để xây dựng trụ sở, sản xuất, kinh doanh; khoanh nợ tiền thuế với số tiền trên 1,1 tỷ đồng.

Cùng với đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, huyện đã thực hiện các chính sách hỗ trợ thiết kế nhãn hiệu, tờ rơi sản phẩm, bao bì đóng hộp nhằm xây dựng thương hiệu sản phẩm.

Sản phẩm vải thiều của Hợp tác xã Nông nghiệp - Dịch vụ Thanh Bình (xã Ea Sar) được sản xuất theo quy trình VietGAP và được cấp mã số vùng trồng.

HTX Nông nghiệp - Dịch vụ Thanh Bình ở thôn 10, xã Ea Sar được thành lập năm 2021 có 16 thành viên trồng vải với tổng diện tích trên 100 ha.

Thay vì chỉ liên kết “cơ học”, từ chủ trương, chính sách hỗ trợ xây dựng thương hiệu, xuất khẩu nông sản, năm 2023, HTX đã được trợ giúp nhằm hoàn thiện hồ sơ, quy trình gắn mã số vùng trồng đối với sản phẩm vải thiều.

\Không chỉ được huyện hỗ trợ chi phí làm mã vùng trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, các thành viên của HTX còn được chính quyền xã phối hợp với các ngành chức năng tập huấn, chuyển giao kỹ thuật canh tác tại vườn, tổ chức hội nghị kết nối tiêu thụ vải, hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ theo quy định.

 

Việc triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển kinh tế tập thể đã thúc đẩy phát triển kinh tế hộ, kinh tế hợp tác, tạo chuỗi liên kết trong sản xuất, góp phần gia tăng giá trị hàng hóa, thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương phát triển. Tiếp tục phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, Ea Kar đang tập trung xây dựng mô hình hợp tác xã hoạt động hiệu quả theo từng lĩnh vực, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị và chương trình OCOP”.

 
Phó Chủ tịch UBND huyện Ea Kar Nguyễn Minh Chuyền

Ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc HTX Nông nghiệp - Dịch vụ Thanh Bình cho biết: Được “trợ lực”, các thành viên đã thực hiện quy trình chăm sóc, tưới nước, bón phân, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, bảo đảm thời gian cách ly và được cấp chứng nhận VietGAP đối với toàn bộ diện tích, trong đó có 47 ha đã được gắn mã vùng trồng. Lợi ích đem lại không chỉ là đầu ra ổn định, thương lái thu mua tận vườn mà mỗi héc-ta vải còn gia tăng giá trị lợi nhuận khoảng 100 triệu đồng so với trước kia”.

Đến nay, huyện Ea Kar đã có gần 580 ha cây trồng của các HTX được hỗ trợ gắn 15 mã số vùng trồng đối với sản phẩm vải thiều, nhãn, khoai lang, sầu riêng, tạo điều kiện thuận lợi trong việc ký kết tiêu thụ, xuất khẩu sản phẩm.

Bên cạnh đó, huyện đã hỗ trợ gần 500 triệu đồng cho các HTX lắp đặt trang thiết bị phục vụ sản xuất; tập huấn chuyển giao kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất, chế biến, xây dựng sản phẩm OCOP.

Liên kết gia tăng giá trị

Từ chủ trương, chính sách, cơ chế khuyến khích phát triển kinh tế tập thể, đến nay, huyện Ea Kar có 62 HTX, 1 chi nhánh HTX và 21 tổ hợp tác, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ, vận tải, tín dụng. Các HTX, tổ hợp tác đã thu hút trên 5.000 thành viên tham gia, doanh thu bình quân khoảng 1 tỷ đồng/năm.

Thành viên Hợp tác xã Nông nghiệp 714 (xã Ea Păl) đầu tư máy móc hiện đại trong sản xuất, sơ chế lúa gạo.

Các HTX đã chuyển đổi mô hình hoạt động theo hướng hợp tác, liên kết sản xuất hàng hóa, gắn với chuỗi giá trị sản phẩm như: lúa gạo, heo rừng lai, trái cây, sản phẩm từ ca cao… từng bước tiếp cận được thị trường thế giới, tăng thu nhập, ổn định đời sống cho các thành viên. Cùng với đó, các HTX, tổ hợp tác đã mạnh dạn đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, áp dụng các quy trình sản xuất an toàn.

Chẳng hạn như: HTX Minh Tân Đạt, HTX Nông nghiệp Thành Đạt với hệ thống máy sấy, chế biến bột ca cao tự động; HTX Nông nghiệp 714 sử dụng thiết bị bay không người lái để phun thuốc bảo vệ thực vật trên cánh đồng; HTX Nông nghiệp sản xuất, thu mua, chế biến và tiêu thụ ca cao huyện Ea Kar đã đầu tư nâng cấp dây chuyền chế biến bột ca cao nguyên chất với kinh phí gần 1 tỷ đồng, áp dụng quy trình lên men hạt ca cao theo tiêu chuẩn xuất khẩu sang Nhật Bản…

Một số HTX đã hợp tác với các doanh nghiệp, hộ dân hình thành chuỗi liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm thịt bò, thu mua, chế biến, tiêu thụ ca cao, sản xuất nước ép trái cây, trái cây sấy, các giống lúa xác nhận ST24, ST25… góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc