Multimedia Đọc Báo in

Sản xuất nông nghiệp ứng phó với biến đổi khí hậu: Giải pháp nào căn cơ? (Kỳ cuối)

08:45, 19/06/2024

Kỳ cuối: Giải pháp nào để thích ứng?

Biến đổi khí hậu đang là vấn đề “nóng” của toàn cầu, đặt ra bài toán cần giải quyết từ gốc rễ nhằm hướng đến nền nông nghiệp bền vững, chuyển từ "ứng phó" sang "thích ứng" với tình hình mới.

Sản xuất gắn với bảo vệ hệ sinh thái

Để thích ứng với biến đổi khí hậu, chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước đã thể hiện được tầm nhìn chiến lược khi Văn kiện của Đại hội Đảng lần thứ XIII, Nghị quyết số 19-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và trong Chương trình mục tiêu quốc gia về thích ứng biến đổi khí hậu… đều nêu rõ những giải pháp quan trọng trong ứng phó với biến đổi khí hậu đối với ngành nông nghiệp như: áp dụng nông nghiệp công nghệ cao ứng phó với biến đổi khí hậu (tạo ra nhiều giống cây trồng mới phù hợp hơn với điều kiện khắc nghiệt của thời tiết, canh tác thuận tự nhiên, tưới tiết kiệm, chuyển đổi cơ cấu cây trồng; xây dựng các mô hình sản xuất giảm phát thải khí nhà kính…).

Hiện nay, trên địa bàn Đắk Lắk, nhiều địa phương cũng đã chủ động áp dụng các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu. Đơn cử như ở xã Brông Krang (huyện Lắk), trước tình trạng hạn hán kéo dài, UBND xã đã vận động người dân trong buôn Yang Kring cùng chung tay đào mương, lắp ống dẫn nước từ đầu nguồn suối nhỏ ở buôn Sruông về phục vụ nước tưới cho cây trồng. Công trình có chiều dài 3 km, với nguồn kinh phí thực hiện là 250 triệu đồng được vận động từ nguồn xã hội hóa. Cũng nhờ công trình này mà nhiều diện tích cà phê, lúa… vượt qua cơn đại hạn của đợt nắng nóng vừa qua.

Người dân buôn Yang Kring (xã Bông Krang, huyện Lắk) đào mương chôn ống dẫn nước tưới cho cây trồng.

Bên cạnh đó, một số nông dân ở các địa phương đã tự tìm ra cách tích trữ nước nhằm chủ động nguồn nước nước tưới trong mùa khô. Mô hình đào ao trữ nước (sử dụng những tấm bạt khổ lớn lót bề mặt đáy ao và bơm nước vào để tích trữ), kết hợp đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm đang là cách mà anh Ngô Thời Vũ (xã Tam Giang, huyện Krông Năng) thực hiện để sử dụng nguồn nước hiệu quả. Bước đầu, mô hình này đã mang lại hiệu quả vượt trội, không chỉ tiết kiệm nước mà còn giảm chi phí sản xuất và đang được người dân nhân rộng.

Tiến sĩ Phạm Công Trí, cố vấn kỹ thuật cấp cao của Tổ chức sáng kiến thương mại bền vững (IDH) cho hay, nguồn tài nguyên nước hiện đang bị sử dụng một cách bừa bãi như một yếu tố đầu vào của sản xuất mà không nghĩ đến việc tái tạo lại. Do đó, đã đến lúc sản xuất nông nghiệp không chỉ hướng đến sử dụng tiết kiệm nước mà phải nghĩ đến việc bảo vệ và tái tạo nguồn nước thông qua thay đổi cách thức canh tác. Một trong những phương pháp là sản xuất thuận tự nhiên, xây dựng hệ sinh thái rừng trên vườn trồng. Vườn cà phê được kiến tạo đa tầng, từ cao đến thấp, bố trí một cách phù hợp, bảo đảm sự cân bằng trong hệ sinh thái và bảo tồn được nguồn nước trong đất. Phương pháp canh tác này đang được các doanh nghiệp liên kết với nông dân thực hiện rất hiệu quả, tuy nhiên vẫn chưa được ứng dụng rộng rãi ở các vùng trồng cà phê.

Theo một nghiên cứu của Liên minh Quốc tế bảo tồn thiên nhiên và tài nguyên thiên nhiên (IUCN) chỉ ra, nếu trồng xen canh cà phê với sầu riêng, bơ, tiêu, Tây Nguyên chỉ cần 720 triệu m3 nước tưới/năm và số nước tiết kiệm được mỗi năm có thể lên đến 407 triệu m3 (giảm 36%) so với mức thông thường.

Tăng hỗ trợ cho nông dân

Hiện nay, cùng với việc nghiên cứu, đánh giá tác động của biến đổi khí hậu, Đắk Lắk cũng đang thực hiện các giải pháp ứng phó thông qua những biện pháp công trình như: quy hoạch dân cư; xây kè sông, xây dựng hồ, đập, kênh mương để khai thác nguồn nước và góp phần hạn chế lũ lụt… Các biện pháp này trên thực tế đã phát huy tác dụng và đang là những giải pháp cần thiết để ứng phó với biến động ngày càng cực đoan hơn của thời tiết. Tuy nhiên, các nhà khoa học cho rằng, với phạm vi và quy mô tác động ngày càng lớn của biến đổi khí hậu thì những giải pháp trên sẽ là chưa đủ để ứng phó hiệu quả về lâu dài.

Anh Ngô Thời Vũ (xã Tam Giang, huyện Krông Năng) bơm nước từ giếng khoan vào ao tích trữ nước tưới.

Theo các chuyên gia, giải pháp dài hơi phải là sự thích ứng với biến đổi khí hậu dựa vào hệ sinh thái bằng cách quản lý bền vững, bảo tồn và khôi phục các hệ sinh thái, giúp người dân thích ứng với những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, giảm khả năng dễ bị tổn thương và nâng cao khả năng phục hồi trước những rủi ro, tác động tiêu cực do biến đổi khí hậu gây ra, đồng thời cũng mang lại nhiều lợi ích cho xã hội và môi trường.

Thời gian qua, trên địa bàn Đắk Lắk, nông dân được hỗ trợ từ nhiều dự án để tăng khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu. Đơn cử như Dự án “Tăng cường khả năng chống chịu của nông nghiệp quy mô nhỏ với an ninh nguồn nước do biến đổi khí hậu khu vực Tây Nguyên và Nam Trung Bộ tỉnh Đắk Lắk” (viết tắt là Dự án SACCR tỉnh Đắk Lắk) do Quỹ Khí hậu xanh (GCF) tài trợ thông qua Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) được triển khai trên địa bàn 11 xã thuộc 4 huyện của tỉnh, gồm: Ea H’leo, Ea Kar, Krông Pắc và Cư M’gar trong thời gian từ năm 2022 - 2026. Tính đến cuối năm 2023, Dự án SACCR tỉnh Đắk Lắk đã hỗ trợ nâng cao năng lực cho hơn 34.000 hộ nông dân thông qua các lớp tập huấn đồng ruộng (FFS) về quản lý đất và sinh khối; hỗ trợ xây mới và nâng cấp 69 ao chống chịu biến đổi khí hậu. Điều nay đã giúp các nông hộ tăng thêm dung tích dự trữ nước nhằm bảo đảm đủ nước tưới cho cây trồng trong mùa khô, góp phần ổn định sản xuất và tăng thu nhập cho nông hộ.

Hay Dự án "Canh tác cà phê thích ứng với biến đổi khí hậu ở Việt Nam" do Tổ chức SNV – Hà Lan tài trợ từ nguồn đóng góp của Công ty Tchibo (Đức). Một trong những mục tiêu của dự án là nâng cao ý thức sử dụng hợp lý tài nguyên nước, đa dạng sinh học, giảm tồn dư hóa chất trong nông sản, giảm phát thải và thích ứng với biến đổi khí hậu. Theo đó, trong giai đoạn 2024 – 2028, sẽ có 8.000 hộ trồng cà phê nhỏ, vùng khó khăn và dễ bị tổn thương được hưởng lợi từ dự án này; khoảng 40 mô hình trình diễn xen canh, canh tác bền vững được thiết lập… Tổng giá trị khoản viện trợ cho dự án là 18,4 tỷ đồng, với 100% vốn tài trợ từ Tổ chức SNV.

Ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chia sẻ, biến đổi khí hậu đang là vấn đề toàn cầu, Đắk Lắk đã triển khai nhiều giải pháp để thích ứng. Việc đầu tư các ao nhỏ, chuyển đổi mô hình canh tác là chuẩn bị cho người dân đầy đủ năng lực để chống chịu trước những diễn biến bất thường, tác động bất lợi của khí hậu, thời tiết đến sản xuất và đời sống.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trên địa bàn Đắk Lắk hiện có trên 82.761 ha cây trồng cạn được tưới tiên tiến tiết kiệm nước, chủ yếu là cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao như cà phê, hồ tiêu và một số cây ăn quả, cây hằng năm như khoai lang, hoa màu... Giải pháp này giúp giảm 25 - 50% lượng nước tưới mỗi năm…

 

Minh Ngọc Thúy


Ý kiến bạn đọc