Multimedia Đọc Báo in

Trợ lực cho thị trường bất động sản

08:44, 19/06/2024

Luật Kinh doanh bất động sản 2023 và Luật Nhà ở 2023 giữ vai trò trung tâm trong hệ thống pháp luật về nhà ở và thị trường bất động sản (BĐS). Đặc biệt là có tác động trực tiếp đến nhu cầu sinh sống của các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp (DN).

Nhiều đột phá

Theo Bộ Xây dựng, Luật Nhà ở 2023 có những nội dung mới mang tính đột phá quan trọng, góp phần vào mục tiêu hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý hoạt động quản lý và phát triển nhà ở.

Cụ thể, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với nâng cao trách nhiệm của địa phương, thúc đẩy nguồn cung nhà ở xã hội, đảm bảo tính khả thi của các quy định khi áp dụng trên thực tế.

Ngoài ra, luật này còn bổ sung thêm hai chính sách mới là phát triển nhà lưu trú công nhân và phát triển nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân.

Theo đó, bên cạnh việc được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội như hiện hành thì đối tượng người lao động làm việc tại DN, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã trong khu công nghiệp còn được thuê nhà lưu trú công nhân; đối tượng là lực lượng vũ trang được mua, thuê, thuê mua nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân.

Một góc Dự án Khu đô thị dân cư Km7 (phường Tân An, TP. Buôn Ma Thuột).

Luật Nhà ở 2023 còn sửa đổi, bổ sung một số quy định về phát triển nhà ở thương mại, nhà ở công vụ, nhà ở tái định cư, nhà ở riêng lẻ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, DN, cá nhân tham gia phát triển nhà ở. Đồng thời, luật hóa một số quy định của nghị định hiện hành về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư để nâng cao hiệu lực pháp lý và bổ sung một số quy định đặc thù để tạo hành lang pháp lý đầy đủ cho việc cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, cũng như khuyến khích các nhà đầu tư tham gia thực hiện dự án.

Đối với Luật Kinh doanh BĐS 2023 cũng có nhiều nội dung mới mang tính đột phá nhằm tăng cường phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính gắn với kiểm soát, giám sát việc thực hiện, đảm bảo quản lý thống nhất từ Trung ương đến địa phương. Bộ luật này thiết lập công cụ kiểm soát quản lý thị trường BĐS để thúc đẩy thị trường phát triển ổn định, lành mạnh, bền vững. Từ đó, góp phần quan trọng vào mục tiêu hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý hoạt động kinh doanh BĐS.

Nhiều DN kinh doanh BĐS trên địa bàn tỉnh cho rằng, “điểm cộng” của Luật Kinh doanh BĐS 2023 là quy định người môi giới BĐS khi tham gia giao dịch phải có chứng chỉ hành nghề, phải tham gia trong một DN BĐS và hằng năm phải được nâng cấp kiến thức BĐS do Bộ Xây dựng biên soạn. Điều này sẽ khiến thị trường BĐS dần trở nên lành mạnh và chuyên nghiệp hơn.

Theo các chuyên gia, Luật Kinh doanh BĐS 2023 có hiệu lực sẽ mang lại những tác động nhất định đến thị trường BĐS nói chung và phân khúc đất nền nói riêng.

Sớm đưa vào thực tiễn

Ngày 17/5/2024, Chính phủ ban hành Nghị quyết 73/NQ-CP về vấn đề xây dựng Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 179 Luật Nhà ở 2023 và khoản 1 Điều 82 Luật Kinh doanh BĐS 2023.

Theo đó, Chính phủ đã thống nhất thông qua đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 179 Luật Nhà ở 2023 và khoản 1 Điều 82 Luật Kinh doanh BĐS 2023 tại Tờ trình 19/TTr-BXD năm 2024 của Bộ Xây dựng và hồ sơ liên quan gửi kèm.

Theo nội dung đề xuất tại Tờ trình, Bộ Xây dựng đề nghị Chính phủ cho phép xây dựng dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội chấp thuận điều chỉnh điều khoản hiệu lực thi hành sớm Luật Kinh doanh BĐS 2023 và Luật Nhà ở 2023 từ ngày 1/7/2024. Đặc biệt là việc bảo đảm có hiệu lực đồng thời với thời điểm có hiệu lực của Luật Đất đai 2024 hiện nay cũng đang trình Chính phủ đề nghị Quốc hội chấp thuận cho phép có hiệu lực sớm vào ngày 1/7/2024.

Tại Thông báo 245/TB-VPCP ngày 25/5/2024 về kết luận của Thường trực Chính phủ về tình hình chuẩn bị, hoàn thiện các thủ tục, điều kiện trình Quốc hội các văn bản có hiệu lực thi hành sớm đối với các Luật: Đất đai, Nhà ở, Kinh doanh BĐS. Theo đó, Chính phủ đã đề nghị Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS sẽ có hiệu lực sớm từ ngày 1/8/2024.

Một khu đô thị đang hình thành trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột.

Luật sư Tạ Quang Tòng, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Đắk Lắk cho rằng, Luật Đất đai năm 2024 đang được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đề nghị sớm áp dụng vào tháng 7/2024, trong khi Luật Nhà ở năm 2023 và Luật Kinh doanh BĐS 2023 lại có liên quan mật thiết đến Luật Đất đai. Do đó, việc sớm đưa các luật này vào thực tiễn là phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh hiện tại, góp phần thúc đẩy tốt hơn cho hoạt động của thị trường BĐS.

Bên cạnh đó, việc có hiệu lực sớm của Luật Kinh doanh BĐS 2023 và Luật Nhà ở 2023 sẽ góp phần kịp thời thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước trong việc phát triển và quản lý chặt chẽ thị trường BĐS, hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển lành mạnh, bền vững và vận hành thông suốt thị trường BĐS; vận hành đồng bộ thị trường quyền sử dụng đất, thị trường lao động, thị trường BĐS; đảm bảo thị trường BĐS phát triển ổn định, lành mạnh, công khai, minh bạch.

Hiện nay nền kinh tế - xã hội đang có dấu hiệu hồi phục tích cực, lãi suất tín dụng đang ở mức thấp, cùng với "độ ngấm" chính sách pháp lý và các chính sách mới có hiệu lực... được kỳ vọng sẽ là trợ lực cho sự hồi phục của thị trường BĐS trong thời gian tới.

Khả Lê


Ý kiến bạn đọc


(Video) Y Ngông Niê KĐăm - Cánh chim của đại ngàn Tây Nguyên
Nơi ấy đã sinh ra một người con ưu tú như chàng Đam San dũng mãnh, thiết tha yêu quê hương, yêu cuộc sống buôn làng. Ông như cánh chim đại ngàn không mỏi, bay khắp đất trời quê hương cống hiến trọn đời mình cho Tổ quốc, cho sự phát triển của Tây Nguyên giàu đẹp. Ông chính là Nhà giáo Nhân dân, bác sĩ Y Ngông Niê KĐăm.