Multimedia Đọc Báo in

Thêm nguồn lực cho tín dụng chính sách

08:39, 26/06/2024

Trong bối cảnh mới hiện nay, đòi hỏi phải hoàn thiện cơ chế, chính sách tín dụng sát với thực tiễn hơn nữa để tiếp tục triển khai có hiệu quả công tác tín dụng chính sách xã hội (CSXH), tạo nguồn lực thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ về phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững.

Theo đánh giá của tỉnh, hoạt động tín dụng CSXH vẫn còn một số tồn tại, hạn chế và những vướng mắc cần tháo gỡ. Cụ thể, việc lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương các cấp đôi lúc chưa được quan tâm đúng mức; một số tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác cấp huyện, xã chưa bao quát toàn diện công việc nhận ủy thác, nhất là công tác tập huấn, kiểm tra, giám sát; hoạt động lồng ghép các chương trình và sự phối hợp giữa hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao khoa học công nghệ với các hoạt động tín dụng chính sách của Ngân hàng CSXH chưa chặt chẽ và đồng bộ; việc huy động nguồn vốn nhàn rỗi từ các quỹ trên địa bàn để tăng nguồn lực cho hoạt động tín dụng chính sách còn hạn chế do vướng cơ chế quản lý hoạt động của các quỹ; nguồn vốn từ ngân sách địa phương chuyển sang Ngân hàng CSXH chưa đáp ứng đủ nhu cầu vay vốn của người dân trên địa bàn.

Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Hoàng Minh Tế (bìa phải) kiểm tra công tác tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.

Theo đồng chí Nguyễn Đình Trung, Bí thư Tỉnh ủy, để công tác tín dụng CSXH hiệu quả hơn, tỉnh Đắk Lắk cần tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội đối với tín dụng CSXH; nâng cao nhận thức của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp cũng như cả hệ thống chính trị về nội dung Chỉ thị số 40, Kết luận số 06-KL/TW, ngày 10/6/2021 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40; quan tâm bố trí nguồn lực từ ngân sách địa phương chuyển qua Ngân hàng CSXH để triển khai cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách với mục tiêu đến năm 2030, tỷ trọng vốn ủy thác của địa phương chiếm 15% tổng nguồn vốn; việc cho vay phải đúng đối tượng và thực hiện công khai, minh bạch; tiếp tục nâng cao vai trò của Mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội phối hợp ngân hàng triển khai cho vay. Đồng thời, nâng cao tinh thần trách nhiệm, năng lực, khả năng phục vụ của đội ngũ cán bộ Ngân hàng CSXH cũng như các tổ chức, đoàn thể có tham gia vào công tác tín dụng CSXH để phục vụ tốt hơn cho các đối tượng thụ hưởng vốn ưu đãi.

Ngoài những giải pháp này, các sở, ban, ngành, Ủy ban MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội cần phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng CSXH trong quản lý, nâng cao hiệu quả tín dụng CSXH; nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của hệ thống Ngân hàng CSXH trên địa bàn, tranh thủ nguồn vốn Trung ương, chủ động thực hiện tốt việc huy động nguồn vốn của các tổ chức, cá nhân trên thị trường, quản lý và sử dụng nguồn vốn mở rộng cho vay có hiệu quả; ưu tiên tập trung vốn cho vay vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đáp ứng đủ vốn để hộ nghèo, hộ cận nghèo phát triển sản xuất, từng bước thoát nghèo bền vững.

Tỉnh Đắk Lắk đề xuất, kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành ưu tiên bố trí nguồn vốn để triển khai các chương trình tín dụng chính sách, đáp ứng nhu cầu nguồn vốn cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác; xem xét ban hành chính sách tín dụng đối với hộ có mức sống trung bình, hộ sinh sống tại các xã đã lên nông thôn mới, các xã biên giới, hải đảo để có điều kiện phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội tại địa phương; xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách có liên quan đến tín dụng CSXH phải có sự phối hợp đồng bộ, tính toán bố trí đủ nguồn lực để kịp thời triển khai thực hiện tốt các chính sách tín dụng ưu đãi.

Đối với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, giám sát đối với hoạt động tín dụng CSXH; quan tâm tập trung huy động các nguồn lực vào Ngân hàng CSXH để thực hiện tín dụng CSXH, thực hiện đầy đủ các nội dung được ủy thác.

Về phía Ngân hàng CSXH, tham mưu cấp có thẩm quyền để triển khai chương trình tín dụng đối với hộ có mức sống trung bình, nâng mức cho vay xây mới, cải tạo, sửa chữa nhà ở đối với Chương trình nhà ở xã hội lên tối đa 1 tỷ đồng, nâng mức cho vay Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tối đa 25 triệu đồng/công trình và bổ sung thêm một số chính sách tín dụng mới phù hợp tình hình phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn tới.

Chính Kiệt


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.