Multimedia Đọc Báo in

Tiếp sức cho người nghèo

08:40, 26/06/2024

Công tác tín dụng chính sách xã hội (CSXH) trên địa bàn tỉnh phát huy hiệu quả tích cực, là trợ lực quan trọng tiếp sức cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác tự tin vươn lên, ổn định cuộc sống, nhất là ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Vấn đề quan trọng được tỉnh Đắk Lắk hết sức quan tâm trong thực hiện công tác tín dụng chính sách là bảo đảm nguồn vốn ưu đãi đến đúng đối tượng thụ hưởng, sử dụng đúng mục đích và đạt hiệu quả cao. Theo đó, tỉnh đã chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố và các sở, ngành tăng cường công tác tập huấn, hướng dẫn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho các hộ vay vốn.

Bên cạnh đó, bám sát định hướng phát triển kinh tế - xã hội theo địa bàn, các sản phẩm chủ lực tại địa phương để phân bổ nguồn vốn cho vay theo định hướng tập trung xây dựng các mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả để từ đó nhân rộng mô hình. Điều này đã tạo nên sự lan tỏa, cuốn hút hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác tham gia thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, từng bước làm quen với sản xuất hàng hóa...

Lãnh đạo Ngân hàng Chính sách xã hội và Chi nhánh Đắk Lắk nắm tình hình hộ vay vốn tại huyện Krông Pắc.

Đơn cử như thị xã Buôn Hồ đã tăng cường chỉ đạo việc huy động và tập trung các nguồn lực tài chính, đáp ứng nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Trong giai đoạn 2014 - 2024, nguồn vốn tín dụng từ ngân sách thị xã đã tăng từ 2 tỷ đồng lên 15,6 tỷ đồng. Chính quyền cơ sở cũng triển khai thực hiện tốt công tác điều tra, rà soát, xác nhận hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác. Tổng dư nợ tín dụng chính sách trên địa bàn thị xã hiện đạt hơn 416 tỷ đồng.

Hay như tại huyện Krông Bông, trong những năm qua đã tập trung nguồn lực tín dụng qua Ngân hàng CSXH cho vay được 66.851 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, với doanh số cho vay đạt 1.680 tỷ đồng. Tổng dư nợ 17 chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn huyện đạt hơn 650 tỷ đồng, với 13.427 hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác đang vay vốn, dư nợ bình quân 48,4 triệu đồng/khách hàng.

Nguồn vốn tín dụng chính sách đã tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu, đủ điều kiện được tiếp cận với đồng vốn một cách thuận lợi, kịp thời. Nguồn vốn này góp phần hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi ở khu vực nông thôn, giúp người nghèo và các đối tượng chính sách có điều kiện tự lực vươn lên, cải thiện cuộc sống, thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo.

Mô hình chăn nuôi từ nguồn vốn tín dụng chính sách của người dân xã Cư Ni (huyện Ea Kar).

Một trong hàng vạn hộ dân được tín dụng CSXH “tiếp sức” là gia đình chị Lương Thị Bích Thảo (thôn Thanh Xuân, xã Ea Dắh, huyện Krông Năng). Năm 1997, gia đình chị từ quê hương Bình Định lên lập nghiệp ở vùng đất mới. Lúc bấy giờ, cuộc sống của gia đình còn gặp rất nhiều khó khăn, nhà cửa tạm bợ, đất sản xuất không có.

Năm 2004, gia đình chị được vay 25 triệu đồng theo Chương trình hộ nghèo của Ngân hàng CSXH để đầu tư phát triển kinh tế. Chị đã mua một con bò sinh sản và xây dựng chuồng trại chăn nuôi. Hơn 10 năm sau, đàn bò của gia đình chị đã tăng lên 10 con. Thu nhập từ chăn nuôi giúp gia đình chị xây được căn nhà kiên cố và mua được 8 sào đất để canh tác. Sau này, hai con của chị đi học đại học cũng được vay vốn ưu đãi để trang trải việc học. 

Tương tự, những năm qua, gia đình anh Phan Anh Tuấn (thị trấn Ea Kar, huyện Ea Kar) cũng nhiều lần được vay vốn Ngân hàng CSXH theo các chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, học sinh, sinh viên. Nguồn vốn tín dụng ưu đãi đã giúp gia đình anh thoát nghèo, cuộc sống được cải thiện và nuôi ba người con học đại học.

Theo thống kê của các cơ quan chức năng, toàn tỉnh có hơn 485 nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn từ Ngân hàng CSXH. Nguồn vốn được đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn và thôn, buôn, tổ dân phố, giúp gần 111.000 hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho hơn 40.000 lao động; tạo điều kiện cho gần 8.000 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng gần 230.000 công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn; hơn 7.000 căn nhà ở cho hộ nghèo, gần 66.000 gia đình tại vùng khó khăn được vay vốn sản xuất, kinh doanh; góp phần đưa 78 xã đạt chuẩn nông thôn mới; giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 17,83% năm 2016 xuống còn 6,34% cuối năm 2021 (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016 - 2020) và xuống còn 9,15% cuối năm 2023 (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2021 - 2025).

Yên Xuân


Ý kiến bạn đọc