Multimedia Đọc Báo in

Bảo đảm an toàn lưới điện mùa mưa bão

08:25, 23/07/2024

Đắk Lắk đang trong mùa mưa, là thời điểm rất dễ xảy ra tình trạng cây cối gãy đổ vào lưới điện, gây mất điện và các sự cố, tai nạn về điện. Do đó, công tác bảo đảm an toàn lưới điện được chú trọng thực hiện bằng nhiều giải pháp.

Chủ động cấp điện an toàn trong mùa mưa bão

Công ty Điện lực Đắk Lắk đang quản lý 14 trạm 110 kV, với tổng dung lượng 770 MVA; 6.773 trạm biến áp phụ tải, với dung lượng 2.024.754 kVA; gần 6.300 km đường dây hạ áp. Lưới điện trải trên địa bàn rộng, nhiều khu vực địa hình phức tạp, đồi núi, nhiều cây cối. Bên cạnh đó, mùa mưa kéo dài thường kèm theo giông lốc, cùng với việc người dân trồng cây cao su, keo dọc theo đường dây điện nên hầu hết các đường dây đều có nguy cơ gặp sự cố trong mùa mưa bão, giông lốc.

Để bảo đảm an toàn lưới điện trong mùa mưa bão, các đơn vị trực thuộc Công ty Điện lực Đắk Lắk đã tiến hành kiểm tra hành lang lưới điện, đường dây và trạm biến áp, tổ chức xử lý ngay các điểm xung yếu, hiện tượng bất thường trên các đường dây 110 kV, các trạm biến áp 110 kV trước và trong mùa mưa bão năm 2024; tăng cường công tác trực vận hành, trực xử lý sự cố; chuẩn bị đầy đủ phương tiện, vật tư sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống thiên tai, sự cố xảy ra.

Công nhân Công ty Điện lực Đắk Lắk xử lý sự cố cây gãy đổ làm hư hỏng thiết bị điện trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột.

Điện lực Ea H’leo quản lý gần 398 km đường dây trung áp, hơn  371 km đường dây hạ áp và 425 trạm biến áp. Mùa mưa bão hằng năm, thời tiết trên địa bàn huyện diễn biến phức tạp; mưa thường kèm theo giông sét và lốc, gây ra nhiều sự cố lưới điện như: gãy đổ, sụt lún trụ điện, đứt đường dây, cây ngã đổ vào đường dây điện...

Trước mùa mưa bão, đơn vị đã tổng kiểm tra, củng cố và khắc phục những tồn tại của thiết bị, móng và cột điện, đường dây, trạm điện, đặc biệt là tại các địa bàn xung yếu, cột điện ở triền dốc, bờ sông, đường dây mới đưa vào vận hành...; ký kết quy chế phối hợp với các đơn vị liên quan trong công tác phòng, chống thiên tai – tìm kiếm cứu nạn (PCTT – TKCN), công tác phối hợp giữa với các cấp chính quyền, cơ quan chức năng ở địa phương; xây dựng phương án PCTT - TKCN và tổ chức diễn tập xử lý các tình huống. Đồng thời, thường xuyên theo dõi tình hình thời tiết, chủ động ứng phó, khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra theo phương châm "4 tại chỗ" (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ và hậu cần tại chỗ).

 

Ngành điện khuyến cáo, khi có mưa bão, người dân ngắt nguồn điện tại nơi dễ bị ngập nước hoặc ẩm ướt; không đến gần khi trụ điện đổ hoặc dây điện bị đứt mà phải báo cho ngành điện hoặc chính quyền địa phương. Người dân chỉ đóng điện khi đã loại trừ toàn bộ hư hỏng, các hiện tượng mất an toàn.

Tương tự, Điện lực Krông Bông đã triển khai lập phương thức vận hành lưới điện khi có lụt, bão và phương án cấp điện cho các phụ tải quan trọng. Đơn vị cũng tăng cường kiểm tra những khu vực có khả năng sạt lở, ngập úng ảnh hưởng đến tình hình vận hành lưới điện để có phương án xử lý kịp thời. Bên cạnh đó, lực lượng, phương tiện, vật tư, thiết bị đều trong tình trạng sẵn sàng cơ động và xử lý nhanh nhất các sự cố khi có tình huống xảy ra.

Cần tăng cường xử lý vi phạm

Theo thống kê của ngành điện, năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh có 294 sự cố liên quan đến hành lang an toàn lưới điện. Nguyên nhân sự cố chủ yếu là do người dân xây dựng, sửa chữa công trình, nhà ở, chặt, tỉa cây hoặc cây ngã, đổ, gió cuốn vào lưới điện. Khi phát hiện vi phạm, ngành điện đã tuyên truyền, nhắc nhở và lập biên bản hiện trường để đề nghị cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.

Trong công tác bảo đảm an toàn lưới điện, công tác tuyên truyền được ngành điện thực hiện thường xuyên thông qua website, tờ rơi, gửi tin nhắn Zalo cho khách hàng. Cùng với đó, công ty đã có văn bản gửi tất cả các huyện, thị xã, thành phố để phối hợp, hỗ trợ với các điện lực trong công tác bảo vệ công trình lưới điện cao áp; chỉ đạo các đơn vị trực thuộc ký kết quy chế, thỏa thuận hoặc biên bản phối hợp giữa Ban chỉ huy PCTT – TKCN của đơn vị với các cấp chính quyền, cơ quan chức năng ở địa phương, doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn để kịp thời hỗ trợ ứng phó, khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra.

Nhân viên Điện lực Ea H'leo xử lý cây vướng hành lang an toàn lưới điện.

Để chủ động ứng phó các tình huống thiên tai, giảm thiểu thiệt hại gây ra, bảo đảm an toàn hệ thống cung cấp điện, Sở Công Thương cũng đã có văn bản yêu cầu các đơn vị truyền tải, phân phối và bán lẻ điện, các chủ đầu tư công trình điện trên địa bàn tỉnh xây dựng phương án cấp điện bảo đảm an toàn, ổn định, đúng chất lượng, giảm thiểu tối đa thiệt hại khi xảy ra sự cố lưới điện do thiên tai, mưa bão.

Các đơn vị trong ngành điện phối hợp với chính quyền địa phương và nhân dân thực hiện triệt để việc phát cây, tỉa cành đối với cây xanh (trong và ngoài hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp) có nguy cơ tác động vào lưới điện; tuyên truyền và kiên quyết ngăn chặn hành vi thả diều trong khu vực có đường dây điện đi qua, có nguy cơ xảy ra mất an toàn về con người và sự cố lưới điện; hướng dẫn khách hàng sử dụng điện kiểm tra, rà soát, kịp thời gia cố, nâng cấp đường dây điện sau công tơ, tránh sự cố mất an toàn điện khi xảy ra mưa bão...

Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn nhiều sự cố lưới điện xảy ra do cây cối, công trình xây dựng vi phạm khoảng cách an toàn lưới điện nhưng người vi phạm không hợp tác với đơn vị quản lý lưới điện để chặt tỉa, xử lý. Một số địa phương cũng chưa thật sự hỗ trợ ngành điện xử lý hành vi vi phạm và sự cố xảy ra. Do đó, ngành điện kiến nghị UBND các cấp cần thành lập ban chỉ đạo bảo vệ hành lang an toàn lưới điện. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng cần kiên quyết xử lý vi phạm hành chính những trường hợp cố tình vi phạm, không hợp tác xử lý cây cối, công trình vi phạm khoảng cách an toàn theo quy định.

Minh Chi


Ý kiến bạn đọc