Multimedia Đọc Báo in

Điểm tựa tài chính cho người từng lầm lỡ

08:43, 02/07/2024

Nguồn vốn chính sách theo Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg, ngày 17/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù (Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg) đã giúp nhiều người từng lầm lỡ tại huyện Krông Bông có điều kiện phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống và tái hòa nhập cộng đồng.

Gia đình anh Hà Quốc Sinh (tổ dân phố 5, thị trấn Krông Kmar) là một trong những trường hợp đầu tiên trên địa bàn huyện Krông Bông được tiếp cận với nguồn vốn vay từ chương trình tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù. Anh Sinh có mẹ là người đã chấp hành xong án phạt tù nhưng không có việc làm ổn định.

Cán bộ Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Krông Bông (bên phải) kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay tại hộ anh Hà Quốc Sinh (tổ dân phố 5, thị trấn Krông Kmar).

Anh Sinh cho biết, gia đình anh có 2 ha sầu riêng với 400 cây được trồng từ năm 2019. Năm nay, có một phần diện tích sầu riêng (khoảng 100 cây) đã bắt đầu cho ra bói nên cần được đầu tư và chăm sóc nhiều hơn, nhưng gia đình lại gặp khó khăn về vốn. Sau khi nắm thông tin về chương trình hỗ trợ vay vốn cho những người chấp hành xong án phạt tù, anh Sinh đã liên hệ với chính quyền địa phương, Công an thị trấn và ngân hàng nhờ hướng dẫn làm thủ tục, hồ sơ vay vốn.

Tháng 11/2023, gia đình anh được Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Krông Bông xem xét, tạo điều kiện cho vay 100 triệu đồng để phát triển sản xuất. Từ số tiền được vay, anh Sinh đã bàn bạc với mẹ mua thêm phân bón và lắp đặt hệ thống béc tưới cho vườn cây. Nhờ được chăm sóc đầy đủ, kịp thời nên vườn cây phát triển tốt và cho tỷ lệ đậu quả cao.

Dự kiến vụ mùa này, vườn sầu riêng cho thu hoạch khoảng 3 tấn quả, mang lại cho gia đình anh khoản thu nhập khá. “Được vay vốn với lãi suất ưu đãi không chỉ giúp gia đình tôi có điều kiện phát triển kinh tế, cải thiện đời sống mà mẹ tôi cũng có việc để làm, từ đó sớm vượt qua mặc cảm, tự ti và tái hòa nhập cộng đồng”, anh Sinh bộc bạch.

 

Sau hơn 8 tháng triển khai, Phòng giao dịch NHCSXH huyện Krông Bông đã giải ngân cho 30 trường hợp vay vốn, với tổng dư nợ hơn 2,2 tỷ đồng. Phần lớn các trường hợp đều có mức vay dao động từ 50 – 100 triệu đồng, trong khoảng thời gian từ 1 - 5 năm để đầu tư, phát triển các mô hình trồng trọt, chăn nuôi, kinh doanh. Qua kiểm tra, giám sát thì tất cả các trường hợp vay đều sử dụng vốn vay đúng mục đích và bước đầu mang lại hiệu quả.

Tương tự, thông qua chương trình tín dụng chính sách theo Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg, tháng 1/2024 chị Nguyễn Thị Bé (thôn 4, xã Khuê Ngọc Điền) được vay 80 triệu đồng để phát triển kinh tế gia đình. Chị Bé chia sẻ: “Trải qua khoảng thời gian lầm lỡ, sau khi mãn hạn tù, tôi trở về địa phương và được NHCSXH xem xét cho vay vốn làm ăn. Đây là nguồn lực tiếp thêm sức mạnh để tôi làm lại cuộc đời”.

Được biết, chị Bé đã chấp hành xong án phạt từ tháng 9/2023. Trước đây, chị từng mở tiệm cắt tóc, gội đầu nên khi trở về địa phương, chị mong muốn tiếp tục được gắn bó với công việc này để mưu sinh. Tuy nhiên, sau ba năm bỏ không, cửa tiệm đã xuống cấp, đồ đạc gần như đã hư hỏng hết.

Từ số tiền được vay, chị đã đầu tư sửa sang lại phòng ốc, mua sắm trang thiết bị, vật dụng để phục vụ công việc. Hiện chị đã có nguồn thu nhập ổn định khoảng 6 triệu đồng/tháng, đủ để trang trải chi phí sinh hoạt hằng ngày và lo cho mẹ già, đứa con gái đang học lớp 12. Ngoài ra, chị còn dạy nghề và tạo việc làm cho hai lao động nữ tại địa phương.

Gia đình anh Sinh, chị Bé chỉ là hai trong nhiều trường hợp trên địa bàn huyện Krông Bông đã được tiếp cận nguồn vốn vay từ chương trình tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù để phát triển sản xuất, kinh doanh, từ đó tạo công ăn việc làm và có thu nhập bảo đảm cuộc sống.

Theo Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Krông Bông Nguyễn Xuân Điền, thực hiện Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg, đơn vị đã phối hợp với lực lượng công an, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, tổ tiết kiệm và vay vốn tăng cường tuyên truyền về chương trình này để người dân được biết, đặc biệt là các đối tượng thụ hưởng. Đồng thời, tiến hành rà soát những trường hợp chấp hành xong án phạt tù đủ điều kiện và có nhu cầu vay vốn để hướng dẫn làm hồ sơ, thủ tục vay theo quy định và tiến hành giải ngân kịp thời.

Chị Nguyễn Thị Bé (thôn 4, xã Khuê Ngọc Điền) được vay vốn theo Quyết định số 22 để mở tiệm cắt tóc.

“Đây là chương trình tín dụng chính sách có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, mở ra cơ hội mới cho những người từng lầm lỡ làm lại cuộc đời, vươn lên trong cuộc sống. Trong gian tới, Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Krông Bông sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan để triển khai có hiệu quả chương trình này. Đồng thời, đề xuất chính quyền địa phương dành một phần ngân sách bổ sung vào nguồn vốn cho vay nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu vay của các đối tượng đủ điều kiện”, ông Điền cho biết.

Tuyết Mai


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.