Multimedia Đọc Báo in

Phát triển cà phê bền vững, hướng tới tăng trưởng xanh

07:13, 12/07/2024

Là tỉnh có diện tích cà phê lớn nhưng các chính sách ưu đãi chưa nhiều; quy mô và diện tích trồng nhỏ lẻ, manh mún, do đó việc chuyển giao kỹ thuật còn nhiều khó khăn; người dân sản xuất còn theo kinh nghiệm truyền thống, tự phát, áp dụng quy trình kỹ thuật tái canh cà phê còn nhiều hạn chế; một số diện tích cà phê tái canh không đạt hiệu quả… Đó là những vấn đề được các đại biểu thẳng thắn nêu ra tại phiên giám sát chuyên đề trong khuôn khổ Kỳ họp thứ Tám, HĐND tỉnh khóa X vừa diễn ra.

Nâng cao giá trị ngành hàng cà phê

Theo kết quả giám sát của HĐND tỉnh, trong giai đoạn 2017 – 2023, UBND tỉnh, các sở, ngành, địa phương đã triển khai, thực hiện Nghị quyết số 24/2017/NQ-HĐND ngày 13/7/2017 của HĐND tỉnh về phát triển cà phê bền vững của tỉnh Đắk Lắk đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 (viết tắt là Nghị quyết 24) đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Thành viên Hợp tác xã Nông nghiệp dịch vụ Công Bằng Ea Tu (TP. Buôn Ma Thuột) thu hái cà phê chín với tỷ lệ đạt trên 95%. Ảnh: Thế Hùng

Các địa phương trên địa bàn tỉnh đã khai thác có hiệu quả lợi thế đất đai, sản lượng cà phê đạt từ 2,5 - 4 tấn/ha; xây dựng vùng trồng cà phê có chứng nhận và truy xuất nguồn gốc. Các mô hình hợp tác xã đã được đầu tư công nghệ chế biến sâu, chất lượng cao; hình thành các liên minh, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; xây dựng, phát triển thương hiệu, bảo hộ cà phê có chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột, các mô hình tiêu biểu trong sản xuất cà phê, góp phần mang lại hiệu quả kinh tế, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, giải quyết việc làm, đảm bảo đầu ra góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh, đảm bảo phát triển bền vững; thu hút đầu tư vào hoạt động chế biến sâu… nâng cao giá trị ngành hàng cà phê của tỉnh.

Chương trình tái canh cà phê được triển khai thực hiện bảo đảm theo kế hoạch. Tổng diện tích cà phê có chứng nhận đạt trên 30.000 ha. Sản lượng cà phê đạt 535.672 tấn, có khoảng 90% sản lượng cà phê được thu hái, phơi sấy và bảo quản theo đúng quy trình kỹ thuật.

100% các cơ sở chế biến cà phê nhân xuất khẩu tuân thủ đúng quy chuẩn kỹ thuật, cà phê đạt điều kiện bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; cà phê chế biến sâu áp dụng công nghệ và quy trình quản lý tiên tiến, trang thiết bị, máy móc của các doanh nghiệp cà phê Đắk Lắk hiện nay đã được đổi mới nhiều và hiện đại hơn.

Tỷ lệ cà phê chế biến sâu đạt 8,11% so với sản lượng cà phê của bình quân các niên vụ. Kim ngạch xuất khẩu cà phê của tỉnh tương đối ổn định, đến năm 2023 số lượng cà phê xuất khẩu đạt trên 304.000 tấn, kim ngạch đạt trên 760 triệu USD…

Người dân xã Ea Tân (huyện Krông Năng) trao đổi kinh nghiệm phát triển cà phê cảnh quan bền vững. Ảnh: Thế Hùng

Đại biểu cũng chỉ rõ, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số hạn chế, khó khăn: Việc duy trì ổn định số héc-ta cà phê đến năm 2020 không đạt được mục tiêu đề ra (năm 2020 diện tích cà phê là 209.955 ha); diện tích cà phê già cỗi hết chu kỳ kinh doanh cần tái canh chiếm tỷ lệ lớn. Diện tích cà phê chủ động nước tưới mới chỉ đạt 67,62% (Nghị quyết 24 đề ra 75 - 80%).

Việc huy động vốn, nguồn lực hỗ trợ cho việc tái canh cây cà phê còn hạn chế và tỷ lệ rất thấp. Hình thức tổ chức sản xuất cà phê chủ yếu là sản xuất cá thể, quy mô nhỏ lẻ, manh mún. Diện tích cà phê sản xuất tập trung thành vùng chuyên canh chiếm tỷ lệ thấp. Vẫn còn tình trạng sản xuất cà phê theo kinh nghiệm, tự phát; khả năng đầu tư thâm canh, nguồn vốn đầu tư không đồng đều giữa các hộ nông dân, các khu vực…

Hướng đến tăng trưởng xanh và phát triển bền vững

Lý giải cho nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế, Giám đốc Sở NN-PTNT Nguyễn Hoài Dương cho rằng: Là tỉnh có diện tích cà phê lớn nhưng các chính sách ưu đãi chưa nhiều, nhất là chính sách chuyển đổi những diện tích cà phê già cỗi, sâu bệnh, đất đai không phù hợp, thiếu nguồn nước tưới, kém hiệu quả sang cây trồng khác.

Hiện nay khoảng 90% diện tích và sản lượng cà phê do các hộ nông dân sản xuất, tuy nhiên quy mô và diện tích nhỏ lẻ, manh mún, do đó việc chuyển giao kỹ thuật còn nhiều khó khăn. Sản xuất cà phê của người dân còn theo kinh nghiệm truyền thống, tự phát, áp dụng quy trình kỹ thuật tái canh cà phê còn nhiều hạn chế, một số diện tích cà phê tái canh không đạt hiệu quả. Mặt khác, do biến động của thị trường thế giới, giá cà phê dao động liên tục, vì vậy dự kiến về tổng kim ngạch xuất khẩu không chính xác…

Sản xuất cà phê chất lượng cao tại Hợp tác xã Nông nghiệp dịch vụ Công Bằng Ea Kiết (xã Ea Kiết, huyện Cư M'gar). Ảnh: Thế Hùng

Liên quan đến nguồn vốn tái canh cà phê, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Phú Hùng cho biết: Trong Nghị quyết 24 của HĐND có đề cập việc hỗ trợ nguồn vốn tái canh cà phê, tuy nhiên qua thực tế các hộ nông dân rất khó tiếp cận được nguồn vốn.

Do đó, cần có chính sách đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để hỗ trợ người dân chuyển đổi đối với diện tích cà phê già cỗi, không phù hợp với điều kiện nước tưới cần chuyển sang loại cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn.

Bên cạnh đó, nhiều giải pháp trong thời gian tới cũng đã được nêu lên; trong đó, mục tiêu cần hướng tới là tạo được một giá trị gia tăng cao và phát triển bền vững, hướng tới tăng trưởng xanh; chú trọng các mô hình, giải pháp giảm thiểu những yếu tố tác động đến môi trường, đồng thời nâng cao chất lượng của cà phê.

Cùng với đó là xây dựng mã vùng trồng, có chứng nhận truy xuất nguồn gốc, phát triển thị trường gắn với việc xây dựng thương hiệu để việc tiêu thụ được thuận lợi, mang lại giá trị cao trên thị trường.

Đồng thời tập trung đầu tư cho chế biến (hiện nay tỷ lệ chế biến mới đạt trên 15%, đây là con số rất thấp và là dư địa lớn cho phát triển chế biến); có cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi về đất đai, thuế, các ưu đãi khác để thu hút những nhà đầu tư vào đầu tư chế biến, không chỉ là chế biến sâu về cà phê mà còn tạo ra nhiều sản phẩm khác từ cà phê…

Lan Anh


Ý kiến bạn đọc