Multimedia Đọc Báo in

Tạo sự phát triển bền vững cho nghề trồng nấm

08:30, 03/07/2024

Thời gian qua, nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh đã thoát nghèo, nâng cao thu nhập nhờ cây nấm, nhưng cũng có nhiều người bỏ cuộc do đầu ra cho sản phẩm nấm bấp bênh.

Để tạo sự phát triển bền vững cho nghề trồng nấm, một số hộ dân đã tập hợp lại, thành lập Hợp tác xã (HTX) Nuôi trồng nấm Hòa Xuân (TP. Buôn Ma Thuột) nhằm liên kết tìm thị trường tiêu thụ lớn, đồng thời đa dạng hóa sản phẩm từ cây nấm.

Ông Nguyễn Thọ Kiên (khối 9, phường Khánh Xuân) cho hay, ban đầu ông chỉ trồng một số phôi nấm bào ngư phục vụ nhu cầu ăn uống hằng ngày rồi đam mê lúc nào không hay. Từ chỉ trồng một vài phôi nấm mỗi năm, ông mở rộng thêm một ít diện tích trồng và đến nay đã sở hữu một trang trại 3.500 m2 trồng một số loại nấm như nấm bào ngư, nấm sò, nấm linh chi, nấm mèo...

Trung bình mỗi ngày trang trại của ông xuất bán 2 tạ nấm tươi (cao điểm lên 3 tạ), với giá trung bình nấm sò 12.000 đồng/kg, nấm bào ngư 30.000 đồng/kg, nấm linh chi từ 700.000 – 1 triệu đồng/kg (tùy thời điểm). Các sản phẩm nấm của ông Kiên được thương lái tìm đến thu mua mà không cần tìm đầu ra.

Ông Kiên cho hay, thấy trang trại sản xuất số lượng nấm ngày càng tăng, sản phẩm nấm được thu mua tận nơi nhưng nếu muốn mở rộng thêm diện tích nhà trại thì không thể chỉ tập trung bán lẻ. Do đó, ông chủ động liên kết một số người trồng nấm trên địa bàn tỉnh để thành lập HTX Nuôi trồng nấm Hòa Xuân vào năm 2019, do ông Kiên làm Giám đốc HTX.

Trại nấm của ông Nguyễn Thọ Kiên ở xã Hòa Xuân (TP. Buôn Ma Thuột).

Sau 5 năm phát triển, hiện HTX đã có 12 xã viên và 3 thành viên liên kết, với 13.000 m2 nhà trại trồng nấm. Từ ngày thành lập HTX, sản phẩm nấm của các thành viên được thương lái nhiều nơi đến thu mua mà không phải tìm đầu ra, kinh tế của xã viên ngày một đi lên.

Tuy nhiên, do xuất phát điểm của các thành viên HTX đều là tự phát, kỹ thuật sản xuất còn thủ công, lạc hậu nên nghề trồng nấm còn nhỏ lẻ, manh mún. Để phát triển bền vững, HTX đã đa dạng hóa các chủng loại, giống nấm phù hợp với điều kiện tự nhiên tại địa phương, từng bước ứng dụng công nghệ cao từ sản xuất, bảo quản, chế biến đến tiêu thụ.

Cụ thể, nhằm chuyên nghiệp hóa dây chuyền sản xuất, những năm qua, HTX đã đầu tư 3 tỷ đồng để mua sắm trang thiết bị, máy móc phục vụ sản xuất. Đặc biệt, năm 2023, HTX được Liên minh HTX tỉnh tạo điều kiện cho vay 90 triệu đồng để mua máy xay mùn cưa phục vụ quá trình làm phôi nấm; 500 triệu đồng từ nguồn Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX để đầu tư phát triển sản xuất. Nhờ đó, hiện nay HTX đã có một hệ thống dây chuyền khép kín từ khâu nuôi trồng đến xuất bán, thuận lợi cho việc mở rộng thêm nhà trại trồng nấm, sản phẩm đáp ứng được yêu cầu của thị trường khó tính hơn.

Ngoài bán nấm tươi, hiện nay HTX còn tập trung phát triển sản phẩm nấm đạt chứng nhận OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm), nghiên cứu và sản xuất các sản phẩm từ nấm như: trà nấm linh chi vàng, trà nấm linh chi đỏ, trà túi lọc, rượu… Bên cạnh đó, HTX đang trồng thử nghiệm nấm linh chi bán tự nhiên (trồng ngoài trời và có bạt che phủ) để cây nấm phát triển theo hướng hoang dã nhằm giảm bớt diện tích nhà trại.

Mô hình trồng nấm linh chi bán tự nhiên của Hợp tác xã Nuôi trồng nấm Hòa Xuân.

Ông Kiên cho biết thêm, theo chu kỳ phát triển của nấm, trung bình 3 tháng một lần, HTX cung cấp từ 12.000 – 30.000 bịch phôi nấm cho mỗi xã viên, thành viên liên kết của HTX. Các hộ khó khăn được HTX hỗ trợ một phần kinh phí nhằm tạo điều kiện cho xã viên phát triển kinh tế.

Đơn cử, anh Nguyễn Nhật Chúng (huyện Cư M’gar) mắc bệnh hiểm nghèo nên kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn; khi tham gia vào HTX, anh Chúng được hỗ trợ về kỹ thuật nuôi trồng và bao tiêu sản phẩm nấm. Từ đó, anh mạnh dạn phát triển trồng 12.000 bịch phôi nấm, trong đó 3.000 bịch phôi được HTX hỗ trợ. Nhờ vậy, kinh tế gia đình anh Chúng ngày một đi lên.

Bên cạnh hỗ trợ bịch phôi nấm cho các xã viên nghèo, HTX còn phối hợp với các đơn vị khác thường xuyên thực hiện nhiều hoạt động an sinh xã hội. Ngoài ra, HTX hiện đang tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động tại địa phương, với mức lương 6 – 9 triệu đồng/người/tháng.

Hồng Nhung


Ý kiến bạn đọc