Multimedia Đọc Báo in

Thuế thu nhập cá nhân: Cần có sự điều chỉnh kịp thời

08:58, 04/07/2024

Từ ngày 1/7/2024, Chính phủ thực hiện chính sách cải cách tiền lương và dự kiến mức lương bình quân chung của cán bộ, công chức, viên chức sẽ được tăng khá nhiều so với hiện nay. Tuy nhiên, lương tăng nhưng mức thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và mức giảm trừ gia cảnh chưa được điều chỉnh kịp thời đang đặt ra những khó khăn nhất định cho người dân.

Tại Việt Nam, nhằm tạo điều kiện, hỗ trợ cho người dân có thu nhập thấp thì các quy định pháp luật, chính sách Nhà nước không áp dụng việc thu thuế TNCN đối với những cá nhân có thu nhập thấp, đủ trang trải cho cuộc sống bản thân và gia đình mà chỉ áp dụng việc thu thuế TNCN đối với đối tượng có thu nhập cao hơn mức khởi điểm thu nhập chịu thuế. Do đó, có thể xem thuế TNCN có vai trò quan trọng góp phần thực hiện công bằng xã hội.

Từ năm 2009, khi Luật Thuế TNCN có hiệu lực, mức giảm trừ gia cảnh (mức chịu thuế) ban đầu khi áp dụng luật đối với người nộp thuế là 4 triệu đồng/tháng. Năm 2012 nâng mức giảm trừ gia cảnh lên 9 triệu đồng/tháng; đến năm 2020 nâng lên 11 triệu đồng/tháng.

Mới đây, trả lời các cơ quan thông tấn, báo chí, đại diện Bộ Tài chính cho rằng, Luật Thuế TNCN quy định khi Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20% so với lúc luật có hiệu lực hoặc thời điểm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh gần nhất, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh phù hợp với biến động của giá cả để áp dụng cho kỳ tính thuế tiếp theo.

Tuy nhiên theo Bộ Tài chính, qua theo dõi từ năm 2020 đến nay, CPI chưa biến động đến mức 20% nên chưa thể điều chỉnh thuế TNCN. Ngoài biến động của PCI, nếu muốn thay đổi được mức giảm trừ gia cảnh phải sửa Luật Thuế TNCN, mà trong chương trình là trong năm 2025, vấn đề này mới được đề cập đến.

Từ năm 2020 đến nay, hầu hết mặt hàng tiêu dùng đều đã tăng giá mạnh. (Trong ảnh: Người dân mua sắm tại Siêu thị Co.opmart Buôn Ma Thuột). Ảnh: Tuyết Mai

Thực tế nhiều năm qua, áp lực lạm phát tăng, giá cả thiết yếu tăng cộng hưởng theo lương tăng phần nào đã khiến chính sách cải cách tiền lương bị mất đi ý nghĩa. Chưa kể đến khi chính sách cải cách tiền lương có hiệu lực vào ngày 1/7/2024 thì thực tế hiện nay đã cho thấy Luật Thuế TNCN đang quá lạc hậu, không theo kịp với thực tiễn.

Hiện nay, mức giảm trừ gia cảnh đang được áp dụng là 11 triệu đồng/tháng cho cá nhân người nộp thuế và 4,4 triệu đồng/tháng cho một người phụ thuộc khi tính thu nhập chịu thuế (được duy trì từ ngày 1/7/2020) là không theo kịp với tình trạng lạm phát và giá cả tăng nhanh. Trong khi đó, nếu cho rằng CPI chưa biến động đến mức 20% để điều chỉnh thuế TNCN cũng không thật sự thuyết phục khi chỉ số này không phản ánh hết giá cả thực tế trên thị trường.

Bởi thực tế là từ năm 2020 đến nay, hầu hết mặt hàng tiêu dùng, dịch vụ đều tăng mạnh, thậm chí có những hàng hóa, dịch vụ thiết yếu còn tăng nhanh hơn tăng thu nhập, khiến chi phí sinh hoạt của người dân đội lên, trong khi thu nhập không tăng, thậm chí còn bị giảm mạnh do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Bởi vậy, nếu thuế TNCN không sớm được cập nhật theo biến động của mức lương tối thiểu, của giá cả, của lạm phát thì rất nhiều người, nhất là người dân ở khu vực đô thị sẽ có nguy cơ phải chịu cảnh thu nhập không đủ cho các nhu cầu thiết yếu nhưng vẫn phải đóng thuế. Đặc biệt, từ ngày 1/7, khi chính sách cải cách tiền lương có hiệu lực, lương tối thiểu tăng thêm 30%, nếu thuế TNCN không thay đổi mức giảm trừ gia cảnh thì việc tăng lương vô hình trung lại chuyển thành nghĩa vụ phải đóng thuế. Điều này không những ảnh hưởng đến đời sống người dân mà còn giảm đi ý nghĩa của các chính sách thuế, cũng như nỗ lực thực hiện cải cách tiền lương.

Giang Nam


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.