Multimedia Đọc Báo in

"Tiếp sức" cho người dân Cư Kuin phát triển kinh tế

07:21, 12/07/2024

Thời gian qua, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện Cư Kuin đã phát huy vai trò làm “cầu nối” đưa nguồn vốn tín dụng chính sách kịp thời đến đúng đối tượng hưởng thụ.

Đến đầu tháng 6/2024, tổng dư nợ tín dụng chính sách trên địa bàn huyện Cư Kuin đạt trên 472,7 tỷ đồng, triển khai 16 chương trình tín dụng ưu đãi cho gần 10.500 khách hàng. Nguồn vốn vay đã kịp thời “tiếp sức” cho người dân phát triển kinh tế, tạo sinh kế ổn định.

Năm 2021, sau khi mãn hạn tù, anh Y Hoang Byă (buôn Ea Tla, xã Dray Bhăng) trở về địa phương với nhiều nỗi niềm trăn trở. Bởi thời điểm ấy, công việc của anh gặp nhiều trắc trở do anh bị hầu hết các doanh nghiệp, công ty từ chối nhận hồ sơ xin việc. Do đó, anh phải làm thuê đủ việc như hái cà phê, chăm sóc vườn tiêu, điều…

Sau khi có Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg, ngày 17/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù, anh may mắn là một trong những hộ đầu tiên được hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn này.

Cuối năm 2023, nhờ cán bộ Ngân hàng CSXH tận tình hướng dẫn để hoàn tất thủ tục, anh nhận về khoản vay 80 triệu đồng mua 5 con bò cỏ sinh sản để phát triển kinh tế. Nhờ chăm chỉ, siêng năng chăm sóc từ cắt cỏ làm thức ăn, vệ sinh chuồng trại, tiêm phòng bệnh… mà đàn bò của anh sinh trưởng, phát triển tốt. Hiện tại, bò đã sinh được 3 con bê hơn ba tháng tuổi.

Hai con bò còn lại đang mang thai tháng thứ bảy. Anh phấn khởi bày tỏ: “Nhờ nguồn vốn này mà tôi đã có cơ hội tạo ra việc làm, mang lại thu nhập ổn định. Từ đó giúp tôi có thêm động lực vươn lên trong cuộc sống, tái hòa nhập với cộng đồng”.

Mô hình nuôi bò sinh sản của gia đình anh Y Hoang Byă (buôn Ea Tla, xã Dray Bhăng, huyện Cư Kuin).

Còn hộ ông Ngô Minh Châu (thôn Kim Châu, xã Dray Bhăng) thì được nguồn vốn tín dụng chính sách “tiếp sức” để phát triển mô hình cây trồng tổng hợp. Theo ông Châu, trước kia 5 sào đất của gia đình ông nằm ở vùng đồi dốc là đất pha cát bị bạc màu nên trồng cà phê cho năng suất và chất lượng kém. Bởi vậy, năm 2019 ông quyết định cải tạo lại đất để trồng sầu riêng xen mai vàng và cau.

Ban đầu, từ nguồn vốn dành dụm và vay mượn được, ông bỏ ra 40 triệu đồng mua các loại cây giống như: 120 cây mai, 250 cây cau và 500 cây sầu riêng Ri6 để trồng và chăm sóc. Sau ba năm, vì cây sầu riêng đòi hỏi kỹ thuật, phân bón và nước tưới thường xuyên nên nguồn vốn bỏ ra để chăm sóc của ông bị cạn kiệt. Trong khi đó, các cây trồng lại chưa có thu hoạch để ông có chi phí tái chăm sóc vườn cây.

Nhờ tín dụng chính sách kịp thời “tiếp sức”, ông vay được 40 triệu đồng theo Chương trình giải quyết việc làm để mua thêm phân bón, lắp đặt hệ thống tưới tự động nhằm tiếp tục chăm sóc vườn cây. Nhờ vậy, năm nay vườn cây của gia đình ông sinh trưởng, phát triển tốt và bắt đầu cho thu hoạch. Dự kiến, gia đình ông thu được 4 - 5 tạ sầu riêng, bán với giá 60.000 đồng/kg; 1 - 2 tạ cau, bán với giá 50.000 đồng/kg.

Ông chia sẻ: “Năm nay, từ mô hình trồng cây xen canh này, ước tính gia đình tôi thu được khoảng 50 triệu đồng. Thế nhưng năm sau, nếu tiếp tục đầu tư chăm sóc kỹ lưỡng, sản lượng sẽ tăng gấp ba lần, mang lại cho gia đình tôi khoản thu đáng kể khoảng 200 triệu đồng”.

Theo đại diện Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Cư Kuin, sau hơn 22 năm, tín dụng chính sách tại địa phương đã phát huy hiệu quả tích cực. Đặc biệt, từ lúc Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng CSXH ra đời, đã trực tiếp giải quyết những vấn đề nội tại trong triển khai tín dụng, tạo bước đột phá trong việc kết nối sức mạnh của cả hệ thống chính trị cùng đồng hành để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Theo đó, cấp ủy, chính quyền địa phương đã tích cực phổ biến, tuyên truyền, triển khai đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân thấy rõ vai trò, trách nhiệm, hiệu quả công tác tín dụng cơ sở, tạo mọi điều kiện thuận lợi để người nghèo và đối tượng chính sách tiếp cận, sử dụng vốn vay hiệu quả.

Hằng năm, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Cư Kuin đã trích một phần ngân sách chuyển sang Phòng giao dịch nhằm bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách tại địa phương. Đến nay, sau 10 năm thực hiện Chỉ thị 40, tổng nguồn ngân sách do UBND huyện chuyển sang Phòng giao dịch được trên 15,3 tỷ đồng.

Mô hình phát triển kinh tế từ trồng cây tổng hợp của gia đình ông Ngô Minh Châu (thôn Kim Châu, xã Dray Bhăng, huyện Cư Kuin).

Bà Hoàng Thị Thanh Tâm, Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Cư Kuin cho biết, tín dụng CSXH đã từng bước khẳng định sự quan trọng để thực hiện mục tiêu giảm nghèo một cách cơ bản và bền vững tại địa phương.

Giai đoạn từ năm 2014 đến nay, nguồn vốn tín dụng chính sách được Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện triển khai cho vay đến 100% thôn, buôn trên địa bàn 8 xã, giúp hơn 11.715 lượt hộ nghèo, cận nghèo, thoát nghèo có vốn để sản xuất, kinh doanh; 441 hộ xóa được nhà tạm bợ, dột nát; xây dựng 16.018 công trình nước sạch và vệ sinh đạt chuẩn, giúp cải thiện môi trường sống; 2.787 lao động được vay vốn hỗ trợ tạo việc làm; 17 lao động chấp hành xong án phạt tù được vay vốn để phát triển kinh tế; giúp hàng trăm học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập…

Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện sẽ tiếp tục nâng cao năng lực hoạt động của đội ngũ cán bộ, tổ tiết kiệm và vay vốn để thực sự là công cụ thực hiện có hiệu quả tín dụng chính sách, giúp hộ nghèo, các đối tượng chính sách khác sử dụng vốn hiệu quả, vươn lên thoát nghèo bền vững và làm giàu chính đáng.

Khánh Huyền


Ý kiến bạn đọc