Multimedia Đọc Báo in

TP. Buôn Ma Thuột: Thanh long được mùa, được giá

09:09, 04/07/2024

Năm 2024, cùng với cà phê, tiêu, sầu riêng…, thanh long cũng được mùa, được giá khiến nông dân vùng trồng thanh long tại xã Cư Êbur (TP. Buôn Ma Thuột) rất phấn khởi.

Vườn thanh long có diện tích 1,6 ha của gia đình anh Mai Hùng Cường (thôn 2, xã Cư Êbur) năm nay  đạt khoảng 25 tấn/ha. Trái thanh long đẹp, vỏ bóng láng, ít tì vết sâu bệnh cho thấy chất lượng rất tốt. Với giá bán từ 12.000 - 15.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, gia đình anh Cường có lãi gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.

Anh Cường chia sẻ, để sản xuất thanh long chất lượng, hiệu quả cao, gia đình anh đã áp dụng các biện pháp sản xuất thanh long thích ứng với biến đổi khí hậu thông qua việc tỉa cành, bón phân, tưới nước, kỹ thuật kích thích ra hoa trái vụ, tuốt hoa, vuốt tai quả… Gia đình anh Cường là hộ sản xuất thanh long đầu tiên được cơ quan chuyên môn chọn làm mô hình liên kết với Công ty Phích nước - Bóng đèn Rạng Đông thí điểm sử dụng bóng đèn compact 20W thay thế bóng sợi 75W để kích thích cây ra hoa trái vụ, giúp giảm chi phí sản xuất.

Gia đình anh Mai Hùng Cường thu hoạch thanh long.

Đến nay, 100% diện tích thanh long tại xã Cư Êbur đã sử dụng bóng đèn compact 20W để kích thích ra hoa, giảm được rất nhiều chi phí đầu tư, giảm giá thành sản phẩm, tăng hiệu quả kinh tế. Ngoài ra, gia đình anh Cường còn phối hợp với các doanh nghiệp về thuốc bảo vệ thực vật, phân bón và cơ quan chuyên môn thí điểm các công thức bón phân, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hiệu quả, làm cơ sở nhân rộng, giúp nông dân sản xuất thanh long tại địa phương gia tăng thu nhập.

Bà Võ Thị Hoàng Như, cán bộ nông nghiệp xã Cư Êbur cho biết, trên địa bàn xã hiện có 210 ha thanh long, tăng 160 ha so với 10 năm trước; năng suất bình quân 25 tấn/ha. Cuối năm 2023, Tổ hợp tác Thanh Long Cư Êbur đã được cấp chứng nhận mã số vùng trồng; đến tháng 2/2024 đã đề xuất Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận nhãn hiệu “Thanh long Cư Bua”, cho thấy hướng phát triển bền vững của cây thanh long tại TP. Buôn Ma Thuột.

Cẩm Lai


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.