Multimedia Đọc Báo in

Vì đâu “sức khỏe” doanh nghiệp vẫn chưa thể hồi phục?

08:45, 25/07/2024

Thời gian qua, Chính phủ, các bộ, ngành và chính quyền địa phương đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, trong nửa đầu năm 2024, cộng đồng doanh nghiệp (DN) cả nước nói chung và trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk nói riêng vẫn đối mặt với nhiều khó khăn.

Doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động tăng cao

Theo phản ánh của các hội, hiệp hội và DN trên địa bàn tỉnh, mặc dù những tháng đầu năm 2024, một số DN đang dần khôi phục đơn hàng, hoạt động xuất khẩu tăng…, song tình hình sản xuất, kinh doanh của nhiều đơn vị vẫn đối mặt với không ít khó khăn, vướng mắc. Trong đó, khó khăn lớn nhất là đơn hàng phục hồi còn chậm, áp lực giá cả, chi phí cao, đặc biệt là chi phí vận chuyển quốc tế, giá nhập nguyên nhiên vật liệu tăng mạnh.

Cùng với đó là việc tiếp cận vốn để duy trì và mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh; áp lực gia tăng từ những quy định, điều kiện kinh doanh bền vững, đặc biệt ở các thị trường lớn và các vướng mắc về quy định pháp lý, thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh... cũng đè nặng lên vai các DN.

Sản xuất thép ở Khu công nghiệp Hòa Phú (TP. Buôn Ma Thuột). Ảnh: Nguyễn Gia

Tác động của những khó khăn trên thể hiện qua tỷ lệ DN giải thể và tạm ngừng hoạt động trên địa bàn tỉnh trong 6 tháng đầu năm vẫn tăng cao. Cụ thể, toàn tỉnh có 727 DN giải thể, tạm ngưng hoạt động (tăng 11% so với cùng kỳ năm 2023). Số DN giải thể, tạm ngưng hoạt động cao hơn số DN thành lập mới đã phần nào ảnh hưởng đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Giải mã nguyên nhân khiến số DN giải thể, ngừng hoạt động tăng cao, Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) cho rằng, trong thời gian qua, tình hình thế giới tiếp tục có nhiều biến động, DN lại gặp nhiều khó khăn về thị trường, giá cả hàng hóa, nguyên nhiên vật liệu đầu vào và tài chính. Trong khi đó, khả năng chống chịu của một bộ phận DN, nhất là DN quy mô vừa và nhỏ đã "đến hạn chịu đựng" trước những khó khăn kinh tế... Cùng với đó, tỷ lệ vốn điều lệ đăng ký của các DN trong 6 tháng đầu năm 2024 thấp hơn 16,75% so với cùng kỳ năm 2023 đã phản ánh việc DN vẫn chưa mạnh dạn đầu tư trong bối cảnh tình hình sản xuất, kinh doanh còn nhiều khó khăn như hiện nay.

“Xốc” lại tinh thần DN

Nói về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng DN, Giám đốc Sở KH-ĐT Võ Ngọc Tuyên cho biết, trong thời gian qua, Chính phủ và các bộ, ngành cũng như chính quyền tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp.

Trong đó, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đã tạo nhiều điều kiện hỗ trợ thuận lợi, giảm bớt khó khăn để DN sớm quay trở lại đà phục hồi, tăng trưởng. Đồng thời, Nghị quyết số 23 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết 72 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đã tạo cơ sở pháp lý thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

Ngoài ra, Quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn năm 2050 là “sợi chỉ đỏ” để DN nghiệp bám vào. Tỉnh cũng đã chỉ đạo các địa phương, sở, ngành thường xuyên tổ chức gặp mặt DN để kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc của DN.

Công nhân làm việc tại nhà máy của Công ty TNHH KVD VINA (Cụm công nghiệp Tân An, TP. Buôn Ma Thuột).

Trong thời gian tới, Sở KH-ĐT cùng các đơn vị có liên quan sẽ chủ động triển khai thực hiện nhiều giải pháp theo chức năng, nhiệm vụ nhằm hỗ trợ DN nâng cao năng lực cạnh tranh để thích ứng với xu thế phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Đồng thời, triển khai các giải pháp nhằm tăng số lượng DN mới thành lập; giảm chi phí đầu vào, chi phí không chính thức cho DN; kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho DN phục hồi sản xuất, kinh doanh; đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông để DN biết và tiếp cận những nội dung, chương trình hỗ trợ theo quy định.

Bên cạnh đó, Sở KH-ĐT sẽ tiếp tục tổng hợp khó khăn, vướng mắc của DN, hợp tác xã trên địa bàn để tham mưu UBND tỉnh giải quyết cho DN, cũng như lắng nghe các ý kiến đề xuất, hiến kế từ phía DN nhằm thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Để tiếp tục triển khai thực hiện một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ DN chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững, Sở KH-ĐT cũng đề nghị các bộ, ngành Trung ương tiếp tục rà soát các thủ tục hành chính, bãi bỏ những thủ tục không còn phù hợp, đơn giản hóa hồ sơ, rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục đầu tư cho DN.

Đồng thời, đề nghị Bộ KH-ĐT nghiên cứu tổng hợp, ban hành “cẩm nang” hướng dẫn các chính sách hỗ trợ dành cho DN nhỏ và vừa hoặc văn bản hướng dẫn chung về các chính sách này nhằm đồng bộ hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho DN trong quá trình tìm hiểu, tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước dành cho DN và quan tâm, bố trí kinh phí cho tỉnh thực hiện các chính sách hỗ trợ dành cho DN nhỏ và vừa.

Bên cạnh những chính sách cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ DN tiếp cận thị trường, tiếp cận vốn, tiếp cận đất đai…, thiết nghĩ trong thời gian tới, tỉnh cần đẩy mạnh những giải pháp để “xốc” lại tinh thần cho DN. Muốn làm được điều đó, cần phát huy tinh thần dám nghĩ, dám làm và phát huy tính tiên phong trong hoạt động hỗ trợ DN nhằm xây dựng, tạo lập một môi trường đầu tư, kinh doanh minh bạch. Đây cũng chính là vấn đề mà cộng đồng DN đang quan tâm.

Lê Lan


Ý kiến bạn đọc