Multimedia Đọc Báo in

Agribank Đắk Lắk: Bảo đảm nguồn lực cung ứng vốn tín dụng cho sản xuất nông nghiệp

10:16, 20/08/2024

Trong hai năm qua, thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 16/6/2022, Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết 19), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh tỉnh Đắk Lắk (Agribank Đắk Lắk) đã triển khai hiệu quả việc bảo đảm, cung ứng vốn tín dụng ưu đãi, khuyến khích các tổ chức tín dụng cho vay đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn; hỗ trợ tín dụng cho hợp tác xã, doanh nghiệp, hộ nông thôn phát triển sản xuất, kinh doanh.

Agribank Đắk Lắk đã triển khai đồng bộ các giải pháp như: phân tích thị trường, đẩy mạnh quảng bá sản phẩm dịch vụ, đổi mới phong cách phục vụ với phương châm lấy khách hàng làm trung tâm; khoán chỉ tiêu huy động vốn đến nhóm và người lao động; triển khai có hiệu quả các chương trình khuyến mại nhằm thu hút ngày càng nhiều khách hàng gửi tiền. Tính đến ngày 30/6/2024, Agribank Đắk Lắk đã huy động tổng nguồn vốn đạt 11.256 tỷ đồng, tăng 1.584 tỷ đồng, đạt tốc độ tăng trưởng 14% so với tháng 6/2022 (thời điểm bắt đầu thực hiện Nghị quyết 19). Tại Agribank Đắk Lắk có hơn 324 nghìn khách hàng mở tài khoản tiền gửi tiết kiệm, thanh toán, thẻ..., tăng 39 nghìn khách hàng so cùng kỳ năm 2022.

Cán bộ Agribank huyện Buôn Đôn thăm mô hình cây ăn trái của gia đình ông Nguyễn Văn Phước (xã Ea Wer, huyện Buôn Đôn).
 

Thời gian tới, Agribank Đắk Lắk tiếp tục nâng cao chất lượng tín dụng; phát huy vai trò trong cung ứng tín dụng, dịch vụ ngân hàng tiện ích, nhất là dịch vụ ngân hàng số, thanh toán số; giữ vai trò chủ đạo trong đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn, góp phần phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh" - ông Vương Hồng Lĩnh, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Agribank Đắk Lắk.

 
 

Cùng với đó, đơn vị đã chủ động nắm bắt nhu cầu tín dụng trong dân cư và doanh nghiệp, bảo đảm thu xếp đủ nguồn lực về vốn để đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng của khách hàng, đặc biệt là khách hàng ở khu vực nông thôn để tiếp cận vốn tín dụng, góp phần đẩy lùi nạn “tín dụng đen”. Tích cực triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi lãi suất của Agribank; đầu tư vào các lĩnh vực ưu tiên, quan trọng, các động lực tăng trưởng của nền kinh tế (tiêu dùng, xuất khẩu, đầu tư); phục vụ nhu cầu phát triển sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, người dân. Đến ngày 30/6/2024, tổng dư nợ cho vay đạt 19.232 tỷ đồng (với hơn 34 nghìn khách hàng vay), tăng 3.081 tỷ đồng, đạt tốc độ tăng trưởng 16% so với tháng 6/2022.

Với quy mô đầu tư cho nền kinh tế lên tới trên 19.000 tỷ đồng, vốn tín dụng của Agribank Đắk Lắk thực sự là “đòn bẩy tài chính” giúp cho doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân ở khu vực nông thôn trong tỉnh khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, góp phần thiết thực vào quá trình phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn.

Đơn cử như gia đình ông Nguyễn Văn Phước (xã Ea Wer, huyện Buôn Đôn) có hơn 10 năm vay vốn Agribank chi nhánh huyện Buôn Đôn phục vụ sản xuất, qua đó đã xây dựng được mô hình nông nghiệp đa cây, đa con có tổng diện tích 11,5 ha trồng cao su, bưởi, sắn, mía; chăn nuôi dê, bò, gà, cá... cho lợi nhuận 1,5 tỷ đồng mỗi năm. Hay gia đình bà Ngô Thị Liên (xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn) ban đầu vay khoảng 400 triệu đồng từ Agribank huyện Buôn Đôn phát triển trại gà siêu trứng; đến nay dư nợ đã tăng theo quy mô mở rộng khoảng 1,2 tỷ đồng. Hiện nay, gia đình bà Liên đã phát triển quy mô trang trại khoảng 20.000 con gà siêu trứng, trung bình cho thu nhập khoảng 300 triệu đồng/tháng, mỗi năm cho lợi nhuận khoảng 1,5 - 2 tỷ đồng.

Cán bộ Agribank huyện Cư Kuin thăm mô hình sầu riêng của chị Phạm Thị Vinh (xã Ea Ning).

Gia đình bà Phạm Thị Vinh (thôn 2, xã Ea Ning, huyện Cư Kuin) vay vốn 200 triệu đồng từ Agribank Cư Kuin đầu tư trồng cà phê, tiêu; đến nay đã phát triển diện tích lên 2,4 ha trồng sầu riêng kết hợp cà phê, tiêu với thu nhập ổn định 500 triệu đồng/năm. Nhờ nguồn vốn vay từ Agribank, gia đình bà Dương Thị Tuyết Sương (xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin) mở rộng quy mô chăn nuôi gà và xây dựng kho thu mua sầu riêng, lợi nhuận khoảng 1,2 tỷ đồng/năm.

Song song với đẩy mạnh đầu tư vốn cho “tam nông”, Agribank Đắk Lắk còn chung sức cùng các ngành, các cấp trên địa bàn tỉnh thực hiện chính sách an sinh xã hội, với tổng giá trị trên 23 tỷ đồng.

Phan Quốc Lương


Ý kiến bạn đọc