Multimedia Đọc Báo in

Huyện Buôn Đôn: Nâng cao hiệu quả công tác dạy nghề cho nông dân

08:27, 09/08/2024

Công tác đào tạo, dạy nghề cho lao động nông thôn được huyện Buôn Đôn xác định là một trong những giải pháp hiệu quả giúp mở ra cơ hội thoát nghèo cho nông dân.

Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) huyện Buôn Đôn Lê Thanh Sơn cho biết, để nâng cao hiệu quả đào tạo nghề, Phòng đã đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các chính sách của Nhà nước về hỗ trợ đào tạo nghề cho người dân, đặc biệt là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, khu vực có tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao cũng như chủ động liên kết, giới thiệu giải quyết việc làm, tìm kiếm “đầu ra” cho người lao động sau đào tạo.

Đồng thời phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện tiến hành khảo sát, nắm bắt nhu cầu học nghề của người lao động, xây dựng kế hoạch, mở các lớp đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của người lao động dưới hai hình thức đào tạo tập trung, đào tạo lưu động.

Cán bộ Phòng LĐ-TB&XH phối hợp, trực tiếp xuống tận các xã tiến hành thu thập thông tin về nhu cầu đào tạo nghề của lao động theo trình độ, đối tượng, nhóm nghề, tổng hợp dữ liệu làm cơ sở mở lớp.

Lớp dạy nghề may công nghiệp cho nông dân được tổ chức lưu động tại xã Ea Bar.

Với đặc thù là huyện biên giới, kinh tế chủ yếu là nông nghiệp, chăn nuôi, người lao động trên địa bàn huyện Buôn Đôn ưu tiên chọn lựa, đăng ký học các nghề phi nông nghiệp, nông nghiệp như may công nghiệp, chăn nuôi thú y, cải tạo vườn tạp…

Như chị H’Long Hra (xã Ea Nuôl), qua tham khảo các lớp dạy nghề được giới thiệu, chị đã quyết định chọn học nghề chăn nuôi heo bởi phù hợp với điều kiện kinh tế, chi phí đầu tư chăn nuôi sau khi học nghề không quá cao, nằm trong khả năng.

Trong khi đó, nhiều chị em khác ở địa phương chọn nghề may công nghiệp bởi xuất phát từ thực tế là vừa để phục vụ nhu cầu trong gia đình, vừa tranh thủ, tận dụng thời gian nhận hàng may gia công, tăng thêm thu nhập bằng chính nghề nghiệp mình học.

Được giao trách nhiệm trực tiếp đào tạo nghề cho lao động nông thôn, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện chuẩn bị tốt về cơ sở vật chất, tổ chức bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên có chuyên môn giỏi, có kinh nghiệm trong giảng dạy, truyền đạt kiến thức, kỹ năng cho học viên, bảo đảm sau 3 tháng học nghề, tất cả học viên được trang bị đầy đủ các nội dung được học.

Từ đầu năm đến nay, Trung tâm đã mở được 5 lớp đào tạo các nghề chăn nuôi, may công nghiệp cho 175 học viên trên địa bàn các xã: Krông Na, Ea Wer, Ea Nuôl, Cuôr Knia và Ea Bar. Các học viên sau khi được đào tạo đã mạnh dạn đổi mới tư duy, áp dụng kiến thức, kỹ thuật được trang bị vào sản xuất, chăn nuôi, cải thiện thu nhập.

Năm 2023, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện cũng đã tổ chức 8 lớp đào tạo nghề cho 280 lao động nông thôn với các nghề chăn nuôi trâu, bò, chăn nuôi gà, trồng và chăm sóc cây điều, may công nghiệp và xây dựng dân dụng. Với kiến thức được học, nhiều người tự tin áp dụng trong sản xuất, phát triển kinh tế, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện.

Để nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề, trong thời gian tới, trên cơ sở xem xét thế mạnh địa phương, nghiên cứu đào tạo nghề phù hợp với quy hoạch phát triển sản xuất, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch xây dựng nông thôn mới của huyện, nhận định xu hướng chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp, Phòng LĐ-TB&XH huyện Buôn Đôn tiếp tục tham mưu, phối hợp tổ chức các lớp đào tạo nghề phi nông nghiệp cho lao động nông thôn như: sửa chữa xe máy, dệt thổ cẩm, may công nghiệp, kỹ thuật nấu ăn, xây dựng dân dụng, điện dân dụng… 

Đăng Triều


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.