Multimedia Đọc Báo in

Khơi dậy tiềm năng du lịch nông nghiệp, nông thôn

08:52, 30/08/2024

Những năm gần đây, du lịch nông nghiệp, nông thôn đang rất được quan tâm, trở thành một xu hướng mới bên cạnh các loại hình du lịch nghỉ dưỡng, tâm linh, khám phá…

Với những ưu thế nông nghiệp sẵn có, nhiều hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp, người dân trên địa bàn tỉnh đã nắm bắt cơ hội nhằm phát huy tiềm năng du lịch địa phương.

Đắk Lắk có 650.000 ha đất sản xuất nông nghiệp, đa số là đất bazan màu mỡ, rất phù hợp để phát triển các loại cây trồng có giá trị kinh tế như cà phê, cao su, hồ tiêu, sầu riêng… Toàn tỉnh hiện có 237 sản phẩm OCOP (trong đó có 31 sản phẩm đạt 4 sao, 206 sản phẩm đạt 3 sao) đủ khả năng xuất khẩu. Một số loại nông sản đã xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới như sầu riêng, mắc ca, chuối, chanh dây… Đây cũng chính là lợi thế để phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn.

Hiện nay, nhiều nông dân, HTX đã không ngừng sáng tạo, học hỏi để nông trại của mình trở thành một điểm tham quan tiềm năng về du lịch, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Du khách trải nghiệm tại khu nuôi trồng thủy sản của Hợp tác xã Nông nghiệp và Du lịch Phú nông – Buôn Đôn (huyện Buôn Đôn).

Dù cách trung tâm TP. Buôn Ma Thuột hơn 40 km nhưng hiện mỗi tháng, nông trại cà phê của Công ty TNHH iForest (xã Ea Kiết, huyện Cư M’gar) có hơn 30 bạn trẻ trong và ngoài nước tìm đến tham quan, trải nghiệm, tìm hiểu về quy trình trồng, chăm sóc, chế biến cà phê.

Anh Nguyễn Tuấn Dũng, đại diện Công ty TNHH iForest cho biết, là một doanh nghiệp còn non trẻ, mặt hàng kinh doanh chính là cà phê, mật ong…, với mong muốn phát triển nông nghiệp bền vững, công ty đã tập trung phát triển vườn cà phê thuận tự nhiên, không sử dụng bất kỳ hóa chất nào trong quá trình sản xuất, chế biến. Đây cũng chính là lý do mà nông trại thu hút được du khách đến tham quan, trải nghiệm về du lịch nông nghiệp.

Còn đối với HTX Nông nghiệp và Du lịch Phú nông – Buôn Đôn (xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn) với lợi thế từ lòng hồ thủy điện Sêrêpốk 3 có 2.000 ha mặt nước và 5 đảo lớn, nhỏ nên HTX đã tập trung khai thác tài nguyên này làm du lịch nông nghiệp.

Giám đốc HTX Nông nghiệp và Du lịch Phú nông – Buôn Đôn Trần Văn Toàn cho hay, để khai thác được tiềm năng du lịch, ngay từ khi mới thành lập, HTX tập trung liên kết cùng người dân phát triển đa ngành nghề trong lĩnh vực nông nghiệp.

HTX hiện có 33 xã viên, 11 thành viên liên kết và một số nhà đầu tư làm homestay, du lịch sinh thái. Từ những hộ sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, manh mún, khi tham gia vào HTX sẽ được định hướng phát triển thành các tổ chức sản xuất về nhiều mảng khác nhau, như tổ sản xuất hồ tiêu và cà phê sạch, tổ nuôi trồng thủy sản, tổ chăn nuôi gia súc, tổ du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp…

Đồng thời, HTX đầu tư làm nhà sàn, nhà chòi, nơi lưu trú, các khu nghỉ dưỡng quanh bờ hồ thủy điện Sêrêpốk 3 và trên các đảo trong lòng hồ để hình thành hệ sinh thái du lịch trải nghiệm nông nghiệp.

Khách du lịch trải nghiệm tại một vườn cà phê trên địa bàn tỉnh.

Tiến sĩ Bùi Thị Lan Hương, nguyên giảng viên Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn chia sẻ, chưa địa phương nào mà nông dân, HTX quan tâm đến phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn như Đắk Lắk.

Theo bà, để du lịch nông nghiệp, nông thôn phát triển tương xứng với tiềm năng của tỉnh, cần phải thay đổi quan điểm làm nông là "chân lấm tay bùn". Có thể nghĩ làm nông là một nghệ thuật, nông dân là một nghệ nhân.

Suy nghĩ để đưa yếu tố văn hóa phục vụ khách du lịch vào sản xuất. Bởi khi làm du lịch là đang kinh doanh trong môi trường văn hóa. Du lịch phải trọng nông, nghĩa là xem không gian du lịch nông nghiệp là dư địa mới mà ngành du lịch cần đầu tư, quan tâm phát triển để giữ chân du khách ở lại lâu hơn, nhiều điểm tham quan hơn. Thiết kế sản phẩm du lịch đáp ứng nhu cầu của du khách, khả năng của nông dân, sản xuất nông nghiệp và sự phát triển bền vững của nông thôn.

Theo ông Huỳnh Bài, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, nông dân, HTX phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn tại địa phương, Liên minh HTX tỉnh đã phối hợp với các đơn vị liên quan, đặc biệt là UBND các huyện để cùng hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, nông thôn.

Đồng thời, mời những chuyên gia có kinh nghiệm về địa phương tổ chức hội nghị tập huấn cho thành viên các HTX, hướng dẫn họ cách làm bài bản từ quản lý cơ sở lưu trú, giới thiệu hoạt động trải nghiệm văn hóa cộng đồng, sản phẩm nông nghiệp, ẩm thực, quà tặng lưu niệm… nhằm thu hút được du khách trong và ngoài nước đến với Đắk Lắk.

Thùy Dung


Ý kiến bạn đọc