Multimedia Đọc Báo in

Kiến tạo không gian xanh cho suối Ea Tam

09:16, 21/08/2024

Ea Tam là một trong những dòng suối lớn ở Buôn Ma Thuột, có vai trò quan trọng cho việc thoát nước, điều hòa không khí và môi trường sinh thái. Tuy nhiên, dòng suối xanh mát ngày nào đang chịu nhiều sức ép từ đô thị hóa và đời sống dân cư.

Suối "ngộp thở"

Chúng tôi thị sát suối Ea Tam vào một ngày giữa tháng 8/2024 theo hướng từ phường Ea Tam ngược lên thượng nguồn. Con suối này nhận nước từ dòng Ea Nao tại đoạn tiếp giáp giữa phường Tân Lập và phường Tự An (TP. Buôn Ma Thuột), chảy qua nhiều khu dân cư, vườn rẫy thuộc hai phường này cùng các phường Tân Thành, Ea Tam, Khánh Xuân và xã Hòa Xuân, rồi hòa vào dòng sông Sêrêpốk. Đang là mùa mưa nhưng mực nước suối không lớn lắm, cũng chẳng trong xanh như trước đây. Hai bên suối cỏ cây um tùm. Nhiều đoạn suối bị chèn ép bởi tình trạng canh tác, nhà cửa, công trình xây dựng, bờ kè. Thứ có nhiều nhất dọc suối là… rác. Người ta để rác ở những chân cầu qua suối, nhiều nhất là túi ni lông, quần áo hỏng. Dưới suối, nhiều đoạn cũng chứa đầy rác thải, xà bần. Rau cỏ vứt đi, cây nhỏ sau khi dọn vườn cũng bị tống xuống suối. Một số vị trí còn có cả ống dẫn nước thải từ chuồng trại hay nhà ở của người dân gần suối.

Suối Ea Tam như dải lụa mát xanh trong lòng TP. Buôn Ma Thuột. Ảnh: Vạn Tiếp

Chị Trần Thị Phương (buôn Alê A, phường Ea Tam) cho biết, dòng suối này bị một số người dân ném rác thải sinh hoạt xuống nên bị ô nhiễm, mùa cạn rác đọng lại khắp nơi, mùa mưa nước lớn, rác trôi lềnh bềnh. Người dân mong muốn chính quyền và cơ quan chức năng có giải pháp quản lý tình trạng xâm lấn hành lang suối, xả rác thải xuống suối và nạo vét, cải tạo để dòng suối này đẹp hơn.

Ông Kiều Quang Vinh, Phó Chủ tịch UBND phường Tự An cho biết, đoạn suối Ea Tam qua địa bàn phường dài 2 km, từ phường Tân Lập đến giáp phường Tân Thành. Khi triển khai xây dựng hồ thủy lợi Ea Tam thì 1,2 km suối này nằm trong lòng hồ. Cơ quan chức năng đã cắm mốc hành lang suối. Một số hộ sử dụng đất từ trước năm 1980 được cấp sổ đỏ sát hành lang suối. Tình trạng xây dựng, lấn chiếm hành lang suối thời gian gần đây hầu như không còn. Về môi trường, có những người dân vẫn thiếu ý thức, vô tư xả rác xuống suối. Bên cạnh đó, một số đoạn suối không được phát dọn nên bị thu hẹp dòng chảy, cây đổ chắn ngang, gây ùn ứ rác, ngập úng một số điểm. Cùng với đó, các cửa xả nước mưa trên đường Nguyễn Văn Cừ, đại lộ Đông Tây, Đinh Tiên Hoàng vào suối nhưng bị người dân đấu nối hệ thống thoát nước thải vào.

Người dân thường làm nhà ở quay lưng về suối nên việc kiểm soát, tiếp cận hiện trạng suối, quản lý đô thị khó khăn. Chính quyền địa phương đã phối hợp với tổ dân phố, cán bộ môi trường kiểm tra một số hộ dân có hoạt động chăn nuôi ở gần suối và đề nghị cam kết dừng việc chăn nuôi không đúng quy định. Đồng thời, tổ chức họp dân để tuyên truyền bà con bảo vệ suối, không xả nước thải chăn nuôi, sinh hoạt vào suối.

Để "hồi sinh" dòng suối mát

Suối Ea Tam là “mạch máu” của TP. Buôn Ma Thuột, có vai trò quan trọng trong việc tổ chức không gian sống cho cư dân và tạo điểm nhấn về quy hoạch với dấu ấn riêng cho đô thị Buôn Ma Thuột đang trên đường hướng tới đô thị hiện đại, sinh thái, bản sắc. Do đó, định hướng của địa phương là bảo vệ, chỉnh trang lại suối Ea Tam cũng như các dòng suối khác, xây dựng hạ tầng xung quanh suối và phát triển dịch vụ, du lịch. Cùng với đó, các khu dân cư sẽ được tổ chức phát triển theo hướng quay mặt về suối.

Khi hồ thủy lợi Ea Tam hoàn thành cùng với dự án khu đô thị dọc hành lang suối Ea Tam được triển khai sẽ tạo điểm nhấn không gian cảnh quan đô thị cho TP. Buôn Ma Thuột. Ảnh: Vạn Tiếp

TP. Buôn Ma Thuột đã phê duyệt Đồ án quy hoạch chi tiết và xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đô thị dọc hành lang suối Ea Tam (đoạn từ cầu Nguyễn Văn Cừ đến hồ thủy lợi Ea Tam) với diện tích 54,1 ha (trong đó, phường Tự An 4,34 ha, phường Tân Lập 49,76 ha). Đây là khu chức năng cây xanh cảnh quan kết hợp cung ứng các dịch vụ du lịch sinh thái, giải trí ven suối Ea Tam; triển khai dự án đầu tư mở rộng, khơi thông, bảo vệ hành lang an toàn, bảo vệ nguồn nước của suối; xây dựng các tuyến phố đi bộ, khu vực mua sắm hàng lưu niệm, thưởng thức và giới thiệu cà phê Buôn Ma Thuột.

Không gian, kiến trúc khu vực này sẽ được tổ chức theo hướng Đông sang Tây dọc suối, tạo điểm nhấn, trục cảnh quan mặt nước tự nhiên; thống nhất từ không gian tổng thể đô thị đến không gian cụ thể các khu chức năng, các công trình. Khu vực này sẽ có không gian giao lưu sinh hoạt cộng đồng, vui chơi giải trí, thể dục thể thao; nhà trình diễn văn hóa nghệ thuật với kiến trúc Tây Nguyên; khu vực tổ chức các hoạt động sinh hoạt cộng đồng; trung tâm triển lãm, tổ chức sự kiện; khu vườn dạo, trải nghiệm văn hóa ẩm thực, trưng bày hàng lưu niệm, sân khấu biểu diễn ngoài trời…

Bản đồ quy hoạch khu đô thị dọc hành lang suối Ea Tam.

Về thoát nước, hệ thống thoát nước mưa đi riêng hoàn toàn với hệ thống thoát nước thải, bố trí cống thoát nước mặt, kết hợp các giếng thu nước mặt, giếng thăm dọc theo các trục đường giao thông bảo đảm thu thoát nước triệt để. Đối với nước thải sinh hoạt và chất thải vệ sinh được thu gom vào hệ thống thoát nước thải đưa về trạm xử lý chung để xử lý làm sạch.

Bên cạnh đó, địa phương cũng sẽ xây dựng bờ kè, phát triển đô thị xanh khu vực phía Đông và dọc hành lang suối Ea Nao - Ea Tam. Điều này sẽ tạo không gian mới, hình thành các khu đô thị, khu trung tâm dịch vụ thương mại dọc suối trong lòng đô thị, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội thành phố, phục vụ sinh hoạt văn hóa, đời sống tinh thần của người dân.

TP. Buôn Ma Thuột có một số dòng suối lớn như: Ea Tam, Ea Nao, Ea Nuôl và Đốc Học. Đây là điểm nhấn trong cảnh quan, môi sinh và có vai trò là trục thoát nước của thành phố. Những buôn làng của người Êđê bản địa đa phần được hình thành ven những dòng suối này.

Minh Chi


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.