Multimedia Đọc Báo in

Mắc ca được giá

07:09, 13/08/2024

Nông dân huyện Krông Năng đang bước vào thời điểm thu hoạch rộ mắc ca. Năm nay, năng suất không tăng nhưng giá thu mua cao hơn năm trước từ 10.000 - 20.000 đồng/kg nên người trồng mắc ca rất phấn khởi.

Năm 2003, cây mắc ca được đưa vào trồng khảo nghiệm tại xã Dliê Ya và Phú Lộc do Tổng Cục lâm nghiệp đầu tư theo hình thức xen canh trong vườn cà phê. Hiện nay, huyện Krông Năng trở thành địa phương đứng đầu toàn tỉnh về diện tích mắc ca, với 3.759 ha, trong đó khoảng 1.500 ha cho thu hoạch; chủ yếu trồng xen trong vườn cà phê, hồ tiêu, cây ăn quả với mật độ khoảng 100 cây/ha. Sản lượng niên vụ 2023 - 2024 ước đạt 3.600 tấn. Theo bà con nông dân, năng suất mắc ca vụ này chỉ đạt khoảng 1,2 tấn/ha nhưng giá thu mua từ 80.000 - 100.000 đồng/kg sau khi tách vỏ nên vẫn thu về hơn 100 triệu đồng/ha...

Sơ chế hạt mắc ca tại Công ty Cổ phần Damaca Nguyên Phương (xã Phú Lộc).

Gia đình bà Bùi Thị Nhung ở thôn Lộc Phú (xã Phú Lộc) trồng xen canh 200 cây mắc ca trong vườn cà phê rộng 2 ha, nhiều cây đã 10 năm tuổi. Bà cho biết, năng suất mắc ca ổn định, thậm chí vụ sau tăng hơn vụ trước do cây càng lớn, tán rộng hơn. Mắc ca thu về, tách vỏ tại nhà rồi bán cho thương lái hoặc cơ sở thu mua, đầu ra ổn định. Mắc ca có thể phơi khô cất giữ đợi khi được giá thì bán, không sợ hư hỏng. Năm ngoái gia đình bà thu được gần 2 tấn hạt mắc ca tươi, bán với giá 65.000 - 75.000 đồng/kg. Năm nay cũng thu hoạch chừng đó song giá tăng lên trên 90.000 đồng/kg nên mỗi cây mắc ca gia đình bà thu được gần 1 triệu đồng.

Tương tự, gia đình bà Hà Thị Phán ở buôn Ea Krái (xã Dliê Ya) cũng trồng hơn 100 cây mắc ca xen canh vườn tiêu 1 ha. Vụ này, gia đình bà thu được khoảng 1,2 tấn quả tươi, thương lái đến mua với giá trên 90.000 đồng/kg (loại đã tách vỏ). Theo bà Phán, so với trồng cà phê thì mắc ca ít tốn công chăm sóc. Đến vụ thu hoạch, mỗi héc-ta chỉ cần 2 - 3 nhân công thu hái trong vòng 15 ngày là xong. Mỗi cây mắc ca kinh doanh có thể cho trung bình từ 8 - 20 kg hạt (tùy độ tuổi của cây).

Xã Dliê Ya là địa phương trồng nhiều mắc ca nhất trên địa bàn huyện với gần 770 ha, sản lượng ước đạt 2.700 tấn hạt. Theo ông Vũ Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã, mắc ca là cây lâm nghiệp, chi phí đầu tư thấp, cho năng suất, giá cả tương đối ổn định. Hạt mắc ca dễ bảo quản trong thời gian dài mà không bị hư hỏng. Mặc dù là cây trồng cho giá trị kinh tế cao nhưng ngành nông nghiệp huyện cũng như chính quyền xã khuyến cáo người dân không nên ồ ạt mở rộng diện tích mà tập trung chăm sóc vườn cây đang có và xen canh với nhiều loại cây trồng khác trên cùng một đơn vị diện tích để tránh rủi ro.

Vườn mắc ca trĩu quả của một hộ dân trên địa bàn xã Phú Lộc.

Huyện Krông Năng hiện có 58 hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp; trong đó có 48 hợp tác xã đăng ký ngành nghề kinh doanh kết hợp sản xuất và chế biến sản phẩm cà phê, mắc ca. Ngoài ra, còn có nhiều doanh nghiệp, cơ sở chuyên thu mua, sản xuất và chế biến hạt mắc ca.

 

Cây mắc ca rất phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu ở huyện Krông Năng. So với các địa phương khác trong tỉnh, cây mắc ca trồng trên địa bàn huyện cho năng suất cao, chất lượng tốt hơn, được thị trường rất ưa chuộng" - Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Lê Ký Sự.

 
 

Đơn cử, từ năm 2016 đến nay, Công ty Cổ phần Damaca Nguyên Phương (xã Phú Lộc) đã đầu tư máy móc, xây dựng nhà xưởng chuyên sấy, chẻ hạt, máy hút chân không... để thu mua mắc ca cho nông dân trên địa bàn huyện và địa phương lân cận. Hiện đang trong giai đoạn cao điểm mùa thu hoạch mắc ca nên mỗi ngày công ty mua từ 7 - 10 tấn quả để sơ chế, chế biến, bán ra thị trường trong nước và xuất khẩu. "Nhu cầu mắc ca trên thị trường khá lớn, đặc biệt để phục vụ chế biến sản phẩm bánh kẹo cho thị trường Tết Trung thu và dự trữ hàng hóa dịp Tết Nguyên đán. Từ nay đến cuối năm còn khá nhiều đơn đặt hàng, do đó công ty sẵn sàng thu mua sản phẩm cho người dân", chị Nguyễn Thị Thu Phương, Giám đốc Công ty cho hay.

Cây mắc ca không những cho thu nhập cao về kinh tế mà còn giúp che phủ, không để đất xói mòn, chịu hạn tốt, ít phải sử dụng thuốc trừ sâu. Do đó, ngoài cà phê là cây trồng chủ lực thì cây mắc ca đang được huyện Krông Năng quan tâm nâng tầm nhằm giúp nông dân trên địa bàn huyện có thêm nguồn thu nhập đáng kể.

Huyện Krông Năng có 15 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm); trong đó có 14 sản phẩm đạt 3 sao và 1 sản phẩm đạt 4 sao. Riêng mắc ca có 4 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 3 sao, 1 sản phẩm đạt chứng nhận 4 sao (hiện đang chờ thẩm định nâng cấp lên 5 sao đối với sản phẩm mắc ca của Công ty Cổ phần Damaca Nguyên Phương). Mắc ca của huyện cũng được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp chứng nhận nhãn hiệu “Mắc ca Krông Năng” bởi chất lượng hạt được phân tích và đánh giá rất tốt. Sản phẩm mắc ca Krông Năng cũng được thị trường trong nước và thế giới đón nhận, đặc biệt Công ty Cổ phần Damaca Nguyên Phương đã xuất khẩu mắc ca của huyện sang thị trường Nhật Bản theo đường chính ngạch.

Thế Hùng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.