Multimedia Đọc Báo in

Để tăng hiệu quả trồng xen mắc ca trong vườn cà phê

07:19, 08/09/2022

Sau một thời gian trồng xen cây mắc ca trong vườn cà phê không hiệu quả, một số hộ nông dân ở TP. Buôn Ma Thuột đã quyết định chặt bỏ.

Mới đây các cán bộ Trạm Khuyến nông thành phố đã “lội vườn” khảo sát, đánh giá thực tế tại vườn cà phê trồng xen mắc ca với diện tích 0,3 ha của gia đình anh Y Rít Byă tại buôn Dray H’linh, xã Hòa Xuân.

Khu vườn có 20 cây mắc ca giống OC trồng từ năm 2016 đang phát triển sum suê, chiều cao cây khoảng hơn 6 m, đang cho thu hoạch năm thứ hai với 60 kg hạt, bình quân 3 kg/cây (năm 2021 gia đình anh Y Rít thu bói được 10 kg hạt).

Anh Y Rít cho biết, ở thời kỳ thụ phấn xong, hoa mắc ca bung nở dày đặc, đến thời kỳ trái non thì lại rụng lả tả, hiện tại vườn cây đã vào năm thứ 6 nhưng năng suất vẫn thấp. Vẫn hy vọng thời gian tới cây mắc ca mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn, anh Y Rít vừa quyết định trồng xen thêm 60 cây mắc ca giống QN1 trong 0,6 ha cà phê. Cây mắc ca được anh Y Rít chăm sóc theo quy trình như chăm sóc cây cà phê (về tưới tiêu, bón phân, tạo hình, phòng trừ sâu bệnh…).

Theo quan sát, với lượng hoa trên cây, nếu chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, đáp ứng nhu cầu sinh lý của cây ở từng giai đoạn sinh trưởng, quả non ít rụng hơn thì năng suất mắc ca phải cao hơn nhiều lần so với thực tế thu hoạch.

Vườn mắc ca trồng năm 2016 sum suê cành lá của anh Y Rít Byă.

Khảo sát thêm một số vườn cà phê đang trồng xen rải rác cây mắc ca ở các thời kỳ (từ mới xuống giống cho đến 2 - 3 năm tuổi), cán bộ khuyến nông nhận thấy hầu hết diện tích mắc ca là do nông dân trồng tự phát theo kiểu thử nghiệm. Tuy nhiên, khi được hỏi về nguồn gốc giống mắc ca mua ở đâu, giá như thế nào, quy trình chăm sóc ra sao thì hầu hết bà con đều lúng túng. Được biết nguồn giống bà con mua không thuộc các đơn vị cung cấp giống mắc ca uy tín, giống chưa xác định nguồn gốc sản xuất, giá mua rẻ hơn rất nhiều so với giống mắc ca chất lượng được các đơn vị chuyên ngành mắc ca khuyến cáo.

Theo đại diện Công ty CP Vina Mắc ca Việt Nam cho biết, nếu trồng ở vùng phù hợp, thường thì năm thứ 3 cây đã cho quả bói, năm thứ 4 thu hoạch bình quân 3 kg/cây, năm thứ 6 khoảng 7 kg/cây. Cứ như vậy tăng dần đến năm thứ 10 năng suất ổn định dần, có thể thu từ 16 - 20 kg hạt/cây. Từ năm thứ 11 trở đi sản lượng hạt/cây sẽ tiếp tục tăng chút ít nếu chăm sóc, bảo vệ, quản lý tốt. Hiện nay công ty đang trồng thí điểm vườn mắc ca tại xã Hòa Thắng (TP. Buôn Ma Thuột) cho thấy cây mắc ca phát triển tốt, năng suất cao.

Theo báo cáo của Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên, tỉnh Đắk Lắk được phát triển trồng một số giống mắc ca như A16, A38, QN1, 849, OC, 246, 816… Hiện tại Viện đã có mô hình cà phê trồng xen cây mắc ca đang sinh trưởng phát triển tốt, cho năng suất và hiệu quả kinh tế khá. Như vậy, có thể nói cây mắc ca vẫn phát triển tốt, cho năng suất khá tại một số vùng của TP. Buôn Ma Thuột.

Theo đánh giá của các nhà chuyên môn, mặc dù cây mắc ca dễ chăm sóc, ít tốn công đầu tư hơn cây cà phê, nhưng không thể áp dụng quy trình chăm sóc cây cà phê cho cây mắc ca, cho dù đó là giống mắc ca chất lượng. Bởi lẽ đặc điểm sinh học của cây mắc ca khác với cây cà phê, đặc biệt một số đối tượng sâu hại của mắc ca cũng khác cây cà phê, nếu không quản lý tốt về sâu bệnh hại, năng suất rất thấp. Như vậy, ngoài điều kiện về giống, thì việc chăm sóc cây mắc ca cũng đóng vai trò hết sức quan trọng; cần quan tâm đến việc đáp ứng nhu cầu sinh lý của cây về dinh dưỡng, tưới tiêu, cũng như một số yêu cầu khác.

Vườn Mác ca 2 năm tuổi của nông dân xã Hòa xuân TP. Buôn Ma Thuột.

Mặt khác, đối với việc trồng xen mắc ca trong vườn cà phê, cần quan tâm đến vấn đề mật độ mắc ca trên đơn vị diện tích. Nếu trồng theo mật độ mà hiện nay một số đơn vị đang trồng (185 cây/ha hoặc cao hơn) thì đến thời kỳ mắc ca giao tán, cây cà phê có thể “không thở được” dưới tán cây mắc ca, vì ánh sáng tán xạ không xuyên qua được, lúc đó nông dân buộc phải chặt bỏ cà phê, liệu có dẫn đến phá vỡ quy hoạch cà phê Buôn Ma Thuột? Còn nếu trồng mật độ thấp thì hiệu quả kinh tế sẽ không cao, khi so sánh với một số cây ăn quả giá trị khác và không tương xứng với giá trị phát triển nông nghiệp đô thị.

Cần khảo nghiệm và đánh giá phân vùng sinh thái tối ưu để xác định hiệu quả kinh tế với từng địa bàn, từng giống, bởi mắc ca là loài cây có vùng sinh thái thích nghi hẹp. Quan tâm nghiên cứu về kỹ thuật chăm sóc, quản lý sâu bệnh hại của mắc ca khi trồng xen trong cà phê để hạn chế rủi ro có thể xảy ra, ảnh hưởng đến thu nhập của người dân.

Cẩm Lai


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Búk chú trọng phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Nhiều chương trình, dự án đầu tư vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Krông Búk đã và đang phát huy hiệu quả, góp phần quan trọng ổn định kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc.