Multimedia Đọc Báo in

“Mở đường” cho người nghèo xuất khẩu lao động

07:25, 15/08/2024

Huyện biên giới Buôn Đôn có 29 dân tộc cùng sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm hơn 47%, hộ nghèo chiếm tỷ lệ cao. Cuộc sống của nhiều hộ gia đình trên địa bàn huyện được cải thiện đáng kể từ chương trình xuất khẩu lao động (XKLĐ).

Thực tế, nhiều lao động thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, người đồng bào DTTS muốn XKLĐ nhưng không có vốn, ngại làm ăn xa, chất lượng lao động chưa cao... Những khó khăn này đã và đang được tháo gỡ với chính sách hỗ trợ người lao động là đồng bào DTTS đi làm việc ở nước ngoài theo Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025.

Cán bộ Phòng LĐ-TB&XH huyện Buôn Đôn (bên phải) tìm hiểu tình hình gia đình chị H'Briăm Byă sau khi được hỗ trợ xuất khẩu lao động.

Theo đó, người  lao động là đồng bào DTTS, người lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, thân nhân người có công với cách mạng có nhu cầu XKLĐ sẽ được hỗ trợ: đào tạo nghề, ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết, tiền ăn trong thời gian thực tế học, chi phí đi lại, chi phí làm thủ tục hộ chiếu, thị thực, khám sức khỏe, lý lịch tư pháp; và hỗ trợ giải quyết rủi ro trong thời gian làm việc ở nước ngoài theo quy định của pháp luật… Ngoài ra, người lao động còn được hỗ trợ vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Anh Đỗ Văn Vân (ở thôn 10, xã Tân Hòa) đang tham gia XKLĐ tại Nhật Bản là một trong những công dân được hưởng các chính sách trên. Được tạo điều kiện làm việc tại một công ty xây dựng ở "đất nước mặt trời mọc" với mức thu nhập khá, bình quân mỗi tháng anh Vân gửi về cho gia đình khoảng 25 triệu đồng. Kinh tế gia đình ổn định, việc tính toán chi tiêu, lên kế hoạch chăm sóc, nuôi dưỡng các con cũng trở nên thuận lợi hơn. Chị Bàn Thị Ngân, vợ anh vui mừng: “May mắn được thụ hưởng các chế độ ưu đãi trong đào tạo, xuất cảnh, lại được Ngân hàng Chính sách xã hội hỗ trợ vay 60 triệu đồng, vợ chồng tôi mới mạnh dạn tính đường XKLĐ. Sau một năm chồng tôi ra nước ngoài làm việc, gia đình đã trả xong các khoản nợ và tích góp được vốn liếng làm ăn, nuôi các con ăn học".

Cũng được trao cơ hội ra nước ngoài làm việc theo hợp đồng, cuộc sống vợ chồng chị H'Briăm Byă (ở buôn Knia 2, xã Ea Bar) được cải thiện nhiều so với trước. Sau 5 năm lao động tại Nhật Bản, anh Y Khuê H'Mok - chồng chị đã hỗ trợ gia đình nhiều khoản chi tiêu trong sinh hoạt. Thấy thị trường XLLĐ rộng mở, lại được hỗ trợ chi phí đào tạo, xuất cảnh nên em trai của chị H'Briăm Byă là Y Uyên Byă cũng quyết định sang Nhật Bản làm việc. Chị H'Briăm trò chuyện: "Em trai được hỗ trợ chi phí ăn ở, đi lại, khám sức khỏe, làm hộ chiếu, đào tạo ngoại ngữ và được hỗ trợ vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Nhờ các khoản hỗ trợ này mà ước mong ra nước ngoài làm việc của em trai đã trở thành hiện thực vào đầu năm 2024".

Xuất khẩu lao động giúp nhiều hộ gia đình ở xã Tân Hòa có thêm nguồn vốn để phát triển kinh tế.

Thực hiện chính sách hỗ trợ lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, từ năm 2023 đến nay, trên địa bàn huyện đã có 23 người được hỗ trợ vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội để XKLĐ. Có 4 lao động được hỗ trợ các chi phí trong quá trình đào tạo, xuất cảnh với tổng kinh phí hỗ trợ hơn 44 triệu đồng. Theo đánh giá của Phòng LĐ-TB&XH huyện, cơ bản, các lao động ra nước ngoài làm việc theo hợp đồng nói chung và lao động được hỗ trợ chính sách đều thích nghi tốt với môi trường làm việc mới, có nguồn thu nhập ổn định để nâng cao đời sống của bản thân và hỗ trợ gia đình, từ đó góp phần giúp gia đình, người thân giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Hiệu quả từ XKLĐ đem lại khá rõ, nhưng thực tế cho thấy, người lao động là đồng bào DTTS, người lao động thuộc hộ nghèo đi làm việc ở nước ngoài còn gặp nhiều khó khăn; số người được hỗ trợ từ các chính sách ưu đãi khá ít. Nhằm góp phần giải quyết bài toán này, Trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện Lê Thanh Sơn chia sẻ, địa phương đang đẩy mạnh tuyên truyền trên nhiều kênh thông tin để người lao động được nắm bắt, hiểu rõ thị trường cũng như các chương trình, chính sách hỗ trợ khác. Đặc biệt, tại các phiên giao dịch việc làm, địa phương luôn nhấn mạnh vấn đề hỗ trợ kinh phí cho người lao động là đồng bào DTTS, hộ nghèo, cận nghèo. Từ đó góp phần giúp con đường ra nước ngoài làm việc theo hợp đồng của người lao động trên địa bàn huyện càng thuận lợi, hiệu quả hơn.

Song Quỳnh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.