Multimedia Đọc Báo in

“Cởi trói” cho đầu tư công (kỳ 2)

08:21, 10/09/2024

Kỳ 2: Nhiều “nút thắt cổ chai”

Việc chậm giải ngân vốn đầu tư công được ví như “nút thắt cổ chai” của nền kinh tế. Trên thực tế, các dự án chậm tiến độ, tỷ lệ giải ngân không đạt kế hoạch, vốn đầu tư công không phát huy hiệu quả như kỳ vọng được xác định đến từ nhiều nguyên nhân khác nhau.

"Vướng" giải phóng mặt bằng

Được xem là khâu then chốt trong quá trình triển khai các dự án, công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) đã trở thành “nút thắt” níu tiến độ nhiều dự án lớn trên địa bàn tỉnh.

Đơn cử như dự án Đường giao thông từ xã Ea Hồ đi xã Tam Giang (huyện Krông Năng) do Ban quản lý các dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh (Ban A) làm chủ đầu tư.

Dự án có tổng mức đầu tư 140 tỷ đồng, chiều dài tuyến hơn 10,7 km và thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2025. Đến nay dự án mới thi công được hơn 1 km (bằng 13% khối lượng) nhưng đang phải tạm dừng thực hiện. Theo đánh giá của Ban A, hiện dự án đang triển khai chậm hơn so với kế hoạch đề ra do công tác GPMB chậm.

Cũng "vướng" trong công tác GPMB, hiện nay dự án Xây dựng cơ sở hạ tầng khu vực trung tâm điểm du lịch hồ Lắk do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh (Ban B) làm chủ đầu tư đang gặp nhiều khó khăn. Năm 2023, UBND tỉnh giao cho dự án này 100,2 tỷ đồng nhưng chỉ giải ngân được hơn 64,2 tỷ đồng (bằng 64,1% kế hoạch).

Đoàn giám sát của HĐND tỉnh kiểm tra thực tế tình hình thực hiện dự án Xây dựng cơ sở hạ tầng khu vực trung tâm điểm du lịch Hồ Lắk.

Mặc dù GPMB chậm gây ảnh hưởng đến tiến độ của các dự án là vậy nhưng nhiều địa phương lại chưa nhận được sự phối hợp của các chủ đầu tư trong công tác này. Ông Trần Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Năng chia sẻ, từ khi dự án Đường giao thông từ xã Ea Hồ đi xã Tam Giang được triển khai trên địa bàn huyện, chủ đầu tư chưa từng làm việc trực tiếp với lãnh đạo huyện hay trao đổi về công tác GPMB của dự án mà chỉ làm việc với Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện. Cho đến khi có phát sinh vướng mắc, chủ đầu tư mới liên hệ với lãnh đạo huyện.

Cùng chung tình trạng trên, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Ana Nguyễn Minh Đông cũng cho rằng, một số chủ đầu tư thực hiện dự án trên địa bàn huyện chưa chủ động phối hợp với chính quyền địa phương trong công tác GPMB, triển khai thi công dự án.

 

“Trong các nguyên nhân dẫn đến việc chậm giải ngân vốn, GPMB được xem là nguyên nhân cơ bản với nhiều vấn đề phát sinh. Bên cạnh đó, bệnh sợ trách nhiệm, đẩy qua đẩy về của một bộ phận cán bộ cũng tạo nên rào cản lớn trong việc triển khai các dự án đầu tư công" – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Cảnh.

Hơn nữa, theo đánh giá của UBND tỉnh, bên cạnh việc chưa tích cực phối hợp với chính quyền địa phương để thực hiện công tác bồi thường GPMB, hiện nay một số chủ đầu tư vẫn chưa kịp thời tiến hành lập phương án bồi thường GPMB, tái định cư ở giai đoạn chuẩn bị đầu tư. Vì vậy, nhiều dự án vừa thi công, vừa lập phương án bồi thường GPMB dẫn đến chậm bàn giao mặt bằng thi công, ảnh hưởng đến tiến độ thi công và giải ngân.

“Lấn cấn” trong tổ chức triển khai dự án

Hiện nay, ngoài một số nguyên nhân khách quan như giá nguyên, nhiên vật liệu biến động; thiếu đất đắp cho các công trình… thì việc chậm giải ngân vốn đầu tư công được cho là đa phần đến từ các nguyên nhân chủ quan.

Chẳng hạn như: chủ đầu tư và đơn vị tư vấn chậm triển khai thực hiện các thủ tục lập và phê duyệt dự án đầu tư, thiết kế bảng vẽ thi công và tổng dự toán, công tác khảo sát, thiết kế dự án chưa thực hiện tốt; việc phối hợp giữa các đơn vị trong triển khai thực hiện chưa thật sự hiệu quả; vai trò trách nhiệm của người đứng đầu chưa được nâng cao; chủ đầu tư chậm thực hiện thủ tục trình phê duyệt quyết toán sau khi các dự án đã hoàn thành…

Ông Đỗ Quang Trà, Giám đốc Sở Giao thông vận tải đã thẳng thắn nhìn nhận, công tác thẩm định dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh cần được xem xét lại. Hiện nay, việc thẩm định về mặt thiết kế đối với các dự án giao thông đều không quá 15 ngày. Triển khai các thủ tục nhanh hay chậm chủ yếu là do thái độ thực hiện công việc tại các đơn vị.

Vì vậy, cần xác định việc chậm triển khai thực hiện các thủ tục lập và phê duyệt dự án đầu tư là do nguyên nhân cụ thể từ đâu, đơn vị nào, từ đó mới tìm được giải pháp khắc phục. Hiện nay nhiều dự án phải điều chỉnh tổng mức đầu tư gây kéo dài thời gian, ảnh hưởng tiến độ phần lớn đều do công tác khảo sát, thiết kế dự án chưa thực hiện tốt.

Dự án Đường giao thông từ xã Ea Hồ đi xã Tam Giang (huyện Krông Năng) đang tạm dừng thực hiện do vướng công tác giải phóng mặt bằng.

Còn theo ông Nguyễn Đình Viên, Chánh Văn phòng Tỉnh ủy, Ủy viên Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh, hiện nay còn có tình trạng một số dự án được bố trí quá nhiều vốn so với khả năng hấp thụ nên gây ra tình trạng "bội thực" vốn. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng không giải ngân hết số vốn được giao và bị thu hồi vốn.

Đơn cử như đối với dự án Nâng cấp Tỉnh lộ 2 (đoạn Km6+431 - Km22+550) tại huyện Krông Ana. Dự án này có tổng chiều dài toàn tuyến hơn 16 km với tổng mức đầu tư 320 tỷ đồng, do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh làm chủ đầu tư. Năm 2023, dự án được UBND tỉnh bố trí 161 tỷ đồng nhưng chỉ giải ngân được hơn 108 tỷ đồng. Theo chủ đầu tư, nguyên nhân không giải ngân hết vốn ngoài "vướng" về GPMB còn do dự án vừa thi công, vừa khai thác sử dụng nên không đẩy nhanh được tiến độ và cần điều chỉnh một số hạng mục nhằm phát huy tính hiệu quả của dự án. Hơn nữa, nguồn vốn bố trí bổ sung cho dự án quá lớn so với kế hoạch vốn đầu năm.

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Phú Hùng đánh giá, qua giám sát và khảo sát thực tế tại một số dự án cho thấy, trong quá trình tổ chức thực hiện, đầu tư xây dựng các dự án đầu tư công sử dụng nguồn vốn ngân sách Trung ương đến hết năm 2023 vẫn còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế nhất định, trong đó có việc bố trí vốn và việc giải ngân nguồn vốn. Thời gian qua, vẫn còn tình trạng có dự án thì bố trí vốn tạm ứng lớn nhưng không có khối lượng để thanh toán, trong khi có dự án thì không có vốn bố trí để tiếp tục triển khai thực hiện.

Nhìn nhận lại một cách tổng quát, việc chậm giải ngân vốn dù là do nguyên nhân chậm triển khai thủ tục hay bố trí vốn chưa phù hợp thì vẫn nằm chủ yếu ở khâu rà soát, tổ chức triển khai thực hiện các dự án ở các đơn vị. Hay nói cách khác là do năng lực chuyên môn, thái độ thực thi nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ làm công tác tổ chức triển khai dự án. Bên cạnh đó, nếu người đứng đầu các đơn vị liên quan không thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm và sự quyết liệt trong chỉ đạo và xử lý các vấn đề liên quan đến giải ngân vốn đầu tư công thì “nút thắt cổ chai” khó mà tháo gỡ được.

(Còn nữa)

Kỳ cuối: Để đầu tư công thực sự là lực đẩy

Khả Lê


Ý kiến bạn đọc


(Inforgraphic) Kết quả thực hiện một số chỉ tiêu của tỉnh Đắk Lắk 9 tháng năm 2024
9 tháng của năm 2024, tình hình kinh tế- xã hội của tỉnh Đắk Lắk tiếp tục phát triển, hầu hết các chỉ tiêu đều tăng so với cùng kỳ. Đáng kể trong đó nhiều lĩnh vực có mức tăng trưởng tích cực, vượt cao so cùng kỳ năm 2023.